Nhanh chóng đàm phán với Mỹ để dành quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Có được quy chế GSP, Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế quan giảm đáng kể, có thể từ mức 50% xuống còn 0%. Với ưu đãi về thuế, hàng hóa Việt Nam nói chung và hàng dệt may nói riêng sẽ cạnh tranh tốt hơn với những quốc gia xuất khẩu khác ở thị trường Mỹ.
Xây dựng cơ chế phù hợp để cho các tổ chức tài chính, ngân hàng hỗ trợ hoạt động xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ như nới lỏng các quy định về vay vốn như tỷ lệ thế chấp, ký quỹ; Có các ưu đãi về lãi suất...
Nhà nước cần ban hành các chính sách ưu đãi trong hoạt động xuất nhập khẩu, như thuế, thanh toán quốc tế,… tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may phát triển.
Dành nguồn vốn của Nhà nước để tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng phục vụ cho xuất nhập khẩu như cải tạo hệ thống giao thông, cảng biển, vận tải nội địa, mở các tuyến đường bộ, đường sắt xuyên quốc gia…
Đẩy mạnh cải cách các thủ tục hành chính và quy trình cung cấp dịch vụ công nhằm giảm thời gian chờ đợi cho doanh nghiệp, giảm chi phí và qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh như: khẩn trương đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để
đảm bảo giảm chi phí hoạt động, nâng cao tính minh bạch, công khai trong quá trình tiến hành các thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công.
Về phía Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần có bộ phận, nhóm tổ chức thu thập, phân tích và xử lý thông tin về thị trường Mỹ, về yêu cầu của nhà nhập khẩu, về chính sách nhập khẩu và sự biến động của chính sách nhằm cập nhật kịp thời cho doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác tiếp cận thị trường, đảm bảo khi có tranh chấp, kiện tụng xảy ra sẽ có cơ sở hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương nên tăng cường tổ chức hoặc liên hệ cho các doanh nghiệp dệt may tham gia các hội chợ chuyên ngành dệt may, hội chợ hàng tiêu dùng ở Mỹ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp chi phí tham gia hội chợ.
KẾT LUẬN
Qua phân tích thực trạng hoạt động kinh doanh xuất khẩu của Công ty Cổ phần Sản xuất – Thương mại May Sài Gòn vào thị trường Mỹ, ta thấy Công ty đã đạt được sự tăng trưởng đáng kể khi xuất khẩu vào thị trường này trong mấy năm qua. Tuy nhiên, Công ty vẫn còn những tồn tại trong việc mở rộng hoạt động xuất khẩu vào thị trường này. Đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ là mục tiêu mà Công ty đưa ra trong chiến lược phát triển thị trường của mình. Dưới góc độ một doanh nghiệp, Công ty cần chủ động thực hiện các biện pháp để đưa hoạt động xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Mỹ đạt hiệu quả, không những tăng về kim ngạch xuất khẩu mà còn tăng khả năng xuất khẩu trực tiếp, làm phong phú mặt hàng, mẫu mã và cải thiện được vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường Mỹ.
Chỉ có những nỗ lực của Công ty mà thiếu đi sự hỗ trợ của nhà nước thì Công ty cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện hoạt động xuất khẩu cũng như khi thực hiện mục tiêu của mình. Do đó, nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may, giúp các công ty giảm bớt gánh nặng về chi phí tài chính, thời gian nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh và tận dụng được cơ hội kinh doanh để hoàn thành tốt chiến lược “ Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng may mặc sang thị trường Mỹ”.
Do thời lượng hạn hẹp cùng với khả năng phân tích của bản thân còn hạn chế nên kết quả nghiên cứu của khóa luận chưa thể hoàn chỉnh. Rất mong nhận được sự góp ý của quý thầy cô và cán bộ công nhân viên của Công ty May Sài Gòn để bài luận được hoàn chỉnh hơn.