Tìm giọng điệu và ngôn ngữ thơ

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁNG TẠO VÀO DẠY HỌC BÀI THƠ SÓNG CỦA XUÂN QUỲNH (Trang 58 - 60)

Tìm giọng điệu của tác giả qua văn bản là phải nhận ra những dấu hiệu thuộc hình thức và nguyên tắc tổ chức hình tượng, dựa vào phương thức loại thể, cũng như phong cách tác giả qua cách sử dụng âm thanh, nhịp điệu ngôn ngữ. Với bài thơ Sóng, Xuân Quỳnh đã thể hiện giọng điệu riêng của mình trong nền thơ ca hiện đại. Ngay vào dòng đầu bài thơ, chúng ta ngờ ngợ như từng gặp nhà thơ ởđâu đó. Tác giả của “Thuyền và biển”, “Thư tình cuối mùa thu” vẫn hiện ra trong cái cung cách lạ mà quen, tức là luôn bộc lộ mình, dâng hiến mình cho tình yêu. Những nhà phê bình có lí khi khẳng định rằng, trong thơ trữ tình Việt Nam, sau Hồ Xuân Hương thì Xuân Quỳnh tạo cho mình cái thế đứng khá vững chãi, tự tin của người phụ nữ bày tỏ khát vọng yêu chân thành, mạnh mẽ. Nhà thơ không ngại bộc lộ cái tôi trữ tình “dữ dội” của mình. Nhưng cũng cần thấy con sóng yêu dù mãnh liệt tới đâu, giọng thơ Xuân Quỳnh vẫn mang nét nữ tính dịu dàng với nhiều trạng thái đắm say, vỗ về, thao thức, bao dung, nhân hậu. Và chính những phẩm chất đáng quý đó ở người nghệ sĩđã làm cho thơ Xuân Quỳnh vừa kết tinh được những đặc điểm của truyền thống thơ dân tộc vừa mang đến những đóng góp mới trong nền

thơ ca hiện đại Việt Nam. Suy cho cùng, giá trị kết tinh nổi bật ở thơ là ở nội dung thơ chan chứa giọng nói chân thành, mạnh mẽ của “nỗi khát vọng tình yêu”. Thơ là người, xét về phương diện quan niệm sáng tạo nghệ thuật, thơ Xuân Quỳnh là giọng tự bạch, tự hát của hồn thơđầy sóng, đầy tình.

Xuân Quỳnh rất gắn bó với thể ngũ ngôn vốn là một thể thơ có chỗ đứng trong lòng nhiều thế hệ độc giả. Thơ ngũ ngôn với tiết tấu ngắn, tạo lối ngắt nhịp theo tốc độ vừa phải, mỗi dòng thơ với một số âm tiết đắp đổi theo thanh bằng, trắc nhanh, có hình thái đối xứng, giàu nhạc tính, tạo thuận lợi cho việc bộc lộ cảm xúc và dễ lôi cuốn người đọc. Trong bài thơ Sóng, nhịp điệu câu thơ đa dạng: 2/3 (Dữ dội/ và dịu êm), 1/2/2 (Sông/ không hiểu/ nổi mình), 3/1/1 (Em nghĩ về/ anh,/ em), 3/2 (Em nghĩ về /biển lớn). Từ đây, theo cách “phối âm cảm xúc” có thể hướng dẫn HS đọc bài Sóng nhằm thể hiện những phức điệu tâm trạng của chủ thể trữ tình như sau:

Khổ 1: Đọc theo giọng kể với nhịp chậm vừa, thể hiện nỗi bồi hồi trong tâm trạng.

Khổ 2: Cảm xúc hồi tưởng nên đọc chậm hơn đoạn trên, thể hiện sự bâng khuâng, xao xuyến, gợi không gian và thời gian kỷ niệm. Trước khi chuyển sang khổ sau cần có khoảng ngưng để cảm xúc lắng đọng.

Khổ 3 và 4: Đọc nhanh thể hiện tâm trạng thổn thức mạnh mẽ của trái tim trào dâng khát vọng tình yêu.

Khổ 5: Đọc chậm, thể hiện cảm xúc sâu lắng, tha thiết.

Khổ 6 và 7: Đọc nhanh thể hiện niềm tin trước mọi thử thách của tình yêu chân chính.

Khổ 8 và 9: Đọc giọng trầm và chậm, thể hiện nỗi lo âu - đó cũng là sự khao khát tình yêu nồng cháy, vĩnh cửu.

Về phương diện ngôn ngữ thơ: Xuân Quỳnh sử dụng ngôn ngữ thơ một cách tinh tế, nhạy bén. Lời thơ cất lên từ khát vọng cháy bỏng của con tim, từ những nỗi vui buồn đời thường, nỗi lo âu về hạnh phúc nên thơ Xuân Quỳnh là “loại thơ mà trạng thái yêu đương và trạng thái làm thơ nhập một”. Bởi thế, qua những dòng thơ, ta thường gặp cách thể hiện, bộc lộ tâm trạng, cảm xúc bằng thứ ngôn từ chất chứa sức biểu cảm, hồn nhiên, trong sáng. Có ngôn từ nào diễn tả trạng thái đối cực của tình yêu một cách chân thực, sâu sắc như những từ “dữ dội”, “dịu êm” và “ồn ào”, “lặng lẽ” hoặc bộc lộ nỗi thổn thức “bồi hồi trong ngực trẻ”, đó là thứ ngôn từ bộc phát từ tiếng nói con tim. Các cặp câu đối xứng xuất hiện liên tiếp, ngôn ngữ cùng âm điệu thể hiện sự đa dạng, sinh động của phong cách sáng tạo hình tượng cảm xúc trong nghệ thuật trữ tình. “Sóng” qua phương thức ẩn dụ đã diễn tả một cách tinh tế những bí ẩn trong nỗi niềm của người phụ nữ trước tình yêu nồng cháy. Xuân Quỳnh biến hoá thứ chất liệu ngôn ngữ giản dị, tinh tế của đời sống để diễn tả những điều “khó nói” trước tình yêu: “Em cũng không biết nữa”, “Làm sao được tan ra”…Có lối nói tưởng không bình thường nhưng mang đến hiệu quả biểu hiện nội tâm khá độc đáo “Dẫu xuôi về phương bắc/Dẫu ngược về phương nam”, do nhà thơ dùng phép lạ hoá ngôn từ để tạo ấn tượng. Có thể nói thơ Xuân Quỳnh đã tạo nên một diện mạo mới trong thơ tình hiện đại.

Một phần của tài liệu VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐỌC SÁNG TẠO VÀO DẠY HỌC BÀI THƠ SÓNG CỦA XUÂN QUỲNH (Trang 58 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)