Riêng trong năm 2005, Trung Quốc là nước thu hút vốn FDI nhiều nhất trên thế giới với số vốn lên đến 52 tỷ USD, hơn 150.000 công ty có vốn FDI vào hoạt động tại đất nước này. Các công ty nước ngoài đã sử dụng trên 20 triệu lao động, chiếm khoản một nửa kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu nhưng hầu hết các hoạt động này là kết quả của giao dịch nội bộ trong tập đoàn. Nguồn vốn FDI giữ vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển nền kinh tế xã hội cũng như góp phần đưa nền kinh tế Trung Quốc hội nhập với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới.
Theo chính phủ Trung Quốc, thông qua các hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh, một số công ty có vốn FDI đang sử dụng thủ thuật chuyển giá để nhằm làm giảm hoặc tránh nghĩa vụ nộp thuế. Có nhiều công ty nước ngoài tuy tiếp tục báo cáo thua lỗ nhưng lại tăng cường mở rộng hoạt động tại Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đang đẩy mạnh việc kiểm tra hoạt động của các MNC, đặc biệt là thực hiện chính sách cứng rắn đối với vấn đề chuyển giá. Trung Quốc đã ban hành quy định về chống chuyển giá và kế hoạch kiểm toán đặc biệt. Đồng thời, Trung Quốc cũng đang đào tạo hơn 500 viên chức thuế quan để thực hiện việc thanh tra hoạt động chuyển giá.
Thực tế cho thấy dù các cuộc kiểm toán về định giá chuyển giao đang diễn ra do cơ quan thuế nhà nước – SAT tiến hành nhưng cũng chỉ trong phạm vi các khu vực có vốn FDI nhỏ, đơn giản và có kim ngạch xuất khẩu lớn, những công ty cung cấp nguyên vật liệu và bán thành phẩm do phía nước ngoài kiểm soát. Tuy vậy SAT cho rằng các cuộc kiểm tra này trong thời gian trước mắt chỉ là để thử nghiệm thu nhập các kinh nghiệm chống chuyển giá hơn là đưa ra kết luận cụ thể.
Các quy định về chống chuyển giá của Trung Quốc được xây dựng gần với thông lệ quốc tế và dựa theo các hướng dẫn của OECD. Tuy nhiên, có bốn điểm khác nhau cơ bản mà luật chống chuyển giá của Trung Quốc được tăng cường hơn so với luật của Mỹ :
- Một là, nghĩa vụ thuế ở Trung Quốc không được hợp nhất, một tập đoàn đa quốc gia đầu tư thành lập một vài công ty con tại nước này có thể sẽ chịu thanh tra về chống chuyển giá nhiều lần. Quan trọng hơn, những vấn đề đã được cục thuế Thượng Hải chấp thuận nhưng không có nghĩa là sẽ được chấp thuận bởi cơ quan thuế ở Quảng Châu. Trong khi đó, các công ty hoạt động kinh doanh ở những nơi khác nhau ở Mỹ là đối tượng của một cuộc thanh tra chống chuyển giá duy nhất.
- Hai là, các điều chỉnh về định giá chuyển giao được cơ quan thuế Trung Quốc đưa ra không chỉ áp đặt để tính thuế thu nhập mà còn tính thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu và các khoản thuế khác nếu có liên quan. Trong khi đó, cơ quan thuế Mỹ chỉ áp đặt và tính lại phần thuế thu nhập.
- Ba là, ở Mỹ, các chỉ số về mức nâng giá hợp lý do cơ quan thuế lập nên dựa trên các nguồn thông tin mà mọi người đều biết. Còn ở Trung Quốc, cơ quan thuế xây dựng các dữ liệu từ việc so sánh bí mật.
Pháp luật thuế chống chuyển giá của Trung Quốc là công cụ pháp lý quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho cơ quan thuế Trung Quốc quản lý thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các MNC hoạt động sản xuất kinh doanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, họ cần một sự cân bằng giữa thất thu thuế và nhu cầu đầu tư nước ngoài nên họ chỉ áp dụng hình thức phạt theo luật trong những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
So sánh về hoạt động chống chuyển giá giữa Mỹ và Trung Quốc
Sự so sánh chỉ mang tính tương đối vì do mức độ phát triển của từng nền kinh tế khác nhau rất xa. Mỹ – với một nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, họ
phải đối đầu với các hoạt động chuyển giá tinh vi, phức tạp do các MNC tiến hành. Để đối phó với các hoạt động chuyển giá này họ đã trang bị cả một hệ thống luật pháp rất chặt chẽ như các đạo luật về chống chuyển giá như IRS Sec.482 và sau đó là đạo luật bổ sung IRS Sec.6662 với các nguyên tắc chế tài rất rõ ràng, nghiêm khắc cho hành vi chuyển giá của các MNC. Thế nhưng chính phủ Mỹ cũng không phải lúc nào cũng ngăn chặn được tình trạng này. Còn Trung Quốc – chuyển giá đối với quốc gia này chưa phải là vấn đề mà chính phủ quá quan tâm vì họ đang dành ưu tiên cho việc thu hút FDI. Sở dĩ lựa chọn Trung Quốc vì những đặc điểm tương đồng giữa hai nền kinh tế Việt Nam và Trung Quốc chẳng hạn như điều là các nền kinh tế thị trường sơ khai, vừa mới chuyển tiếp từ mô hình kinh tế tập trung bao cấp. Hệ thống chính trị giữa hai quốc gia cũng giống nhau đó là đều do một Đảng lãnh đạo và trong khi nỗ lực phát triển kinh tế thị trường thì cả hai quốc gia đều đặt kinh tế dưới sự giám sát chặt chẽ của nhà nước với định hướng XHCN. Chính vì thế, việc theo dõi và rút kinh nghiệm từ các chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc mà trong đó bao gồm cách ứng xử của chính phủ Trung Quốc đối với các MNC trong các hoạt động chuyển giá là thực sự rất cần thiết.
Tại Việt Nam chúng ta, cũng đã tồn tại các hành vi chuyển giá do các MNC thực hiện tuy ở mức độ và quy mô chưa rõ nét. Động cơ thực sự của chuyển giá chỉ mới nằm ở thôn tính thị trường và đẩy các đối tác Việt Nam ra ngoài cuộc chơi cũng như nhằm tránh các rủi ro về biến động tỷ giá. Tuy vậy, trong tương lai chắc chắn chúng ta sẽ phải đối phó với các hoạt động chuyển giá thực sự do các MNC tiến hành. Do đó, chúng ta cần gấp rút chuẩn bị các biện pháp chống chuyển giá ngay lúc còn chưa quá muộn.