Không gian thời gian trong các tác phẩm du ký

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 46 - 49)

Chương II: Du ký trên Nam Phong tạp chí Bức tranh hiện thực rộng lớn

3.2. Không gian thời gian trong các tác phẩm du ký

Thời gian - không gian là những yếu tố nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc chuyển tải nội dung và tư tưởng cho tác phẩm văn học. Không chỉ tạo ra thời điểm và bối cảnh xác định cho cốt truyện, mà trong thời gian, không gian còn trực tiếp tham gia và thúc đẩy quá trình phát triển của truyện. Và cùng với như thời gian, không gian là hình thức tồn tại của thế giới nghệ thuật.

Du ký với đặc trưng là thể văn ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe của người đi, nên nó đòi hỏi cao ở tính khách quan, chính xác. Bởi vậy, ngay từ yếu tố thời gian trong các tác phẩm đã được các nhà du ký chú ý, coi trọng. Nếu như thời gian trong các tác phẩm truyện ngắn, hay tiểu thuyết thường là thời gian phiếm định, hư cấu, người viết tiểu thuyết không bắt buộc phải ghi rõ ngày tháng xảy ra câu chuyện, thì với các tác phẩm du ký điều ấy là ngược lại. Thời gian trong du ký là thời gian thực, thời gian được xác định. Ngay ở phần mở đầu bài du ký, các tác giả đã thường thông báo cho người đọc thời gian câu chuyện xảy ra. Trong Mấy ngày chơi Thất Khê, tác giả Nguyễn Thế Xương đã ghi rõ thời gian chuyến du lịch Thất Khê của mình, đó là: “Ngày 23 tháng Tám năm Đinh Mão mùa thu, sau kỳ trăng sang, là ngày 18 tháng 9 năm 1927 Tây, chính ngày chủ nhật” [30,415].

Hay trong bài ký Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh [30,508], nhà du ký Nguyễn Đức Tánh cũng đều ghi chính xác mỗi ngày tháng mà thầy trò ông tham gia “cuộc du lịch học khóa”: “Ngày 23 tháng Hai năm 1928, quan Đốc trường Cao đẳng Tiểu học Vịnh đưa học trò lớp đệ tứ niên đi chơi ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh… Ngày thứ năm 8 tháng 3 năm 1928, quan Đốc trường Cao đẳng Tiểu học Vịnh đưa học trò lớp đệ tứ niên đi du lịch các nơi cổ tích ở hạt Nam Đàn (Nghệ An)… Ngày thứ năm mồng năm tháng tư tây năm 1928…”.

Việc ghi lại chính xác thời gian diễn ra các câu chuyện, sự kiện, khiến cho câu chuyện của các nhà du ký trở nên chân thực và đáng tin cậy hơn, nó cũng cho thấy thái độ tôn trọng của người viết đối với độc giả. Thời gian không chỉ mang tính chất thông báo đơn thuần, mà nhiều khi nó còn là yếu tố, là mắt xích

xâu chuỗi các sự kiện, sự việc, góp phần thúc đẩy diễn biến của cốt truyện. Trong bài Qua chơi mấy nơi cổ tích đất Ninh Bình [30,115] của tác giả Đông Châu, thời gian được nhắc tới rất nhiều lần. 6 giờ hôm 20 tháng 3 năm Ất sửu (tức ngày lễ Phục sinh 12 tháng tư năm 1925), là mốc khởi đầu cho chuỗi thời gian của tác phẩm. Tiếp sau đó là hàng loạt những mốc thời gian như: “12 giờ trưa hôm ấy”, “khi mặt trời xế chiều”, “đi độ chừng vài ba mươi phút”, “khi ấy vào bảy giờ tối”, “thuyền đi chừng vào hai giờ sáng”, “khi xe trở ra chừng vào hồi 11 giờ”… được tác giả nói tới. Dường như mỗi bước chân qua, tác giả đều ghi lại dấu mốc thời gian, khiến cho câu chuyện trở nên rõ ràng và đôi khi người đọc có cảm giác như chính mình cũng tham gia vào chuyến du lịch đó.

Một số tác phẩm khác được viết dưới dạng nhật ký, nên thời gian trong đó càng được ghi lại chính xác từng ngày giờ. Cũng bởi hình thức này, mà người đọc có thể theo dõi dễ hơn những cuộc hành trình dài, những bài du ký “dài hơi” của các tác giả như: Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, Trên đường Nam Pháp của Tùng Hương. Trong phần mở đầu của Pháp du hành trình nhật , Phạm Quỳnh cũng đã lí giải việc ghi chép nhật ký của mình: “Tôi đi Tây chuyến này định quan sát được điều gì hay khi trở về sẽ biên tập thành sách để cống hiến các đồng bào. Song đợi đến khi về nhà thời lâu lắm; vậy trong khi đi, tôi có giữ quyển nhật ký, ngày ngày ghi chép, được tờ nào gởi về báo đăng trước, toàn là những lời ký thực…” [31,346].

Cũng giống như thời gian, không gian trong du ký là không gian thực, không gian mang tính địa lý. Việc xác định rõ các nơi chốn, địa điểm khiến cho sự chân thực của các tác phẩm du ký càng được nâng cao. Trong các bài du ký, ở mỗi nơi dừng chân, các tác giả luôn ghi lại thật chính xác địa điểm, tên từng vùng miền. Bằng cách ấy, cho phép độc giả có sự hình dung cụ thể về các danh thắng, các vùng miền văn hóa, thậm chí về cả những nước ngoài xa xôi khác. Nói như nhà nghiên cứu Vũ Tuấn Anh, thì người xưa viết và đọc du ký là một cách cảm nhận về không gian. Ở đây, có thể là không gian nhỏ hẹp của một địa danh, một di tích, một làng quê, cũng có thể là không gian rộng lớn của cả một

vùng miền, một đất nước. Theo chân tác giả Nguyễn Bá Trác đến với Hạn mạn du ký, ta có thể đến những địa danh, những đất nước như: Thành Bangkok (Siam), Hương Cảng, Tứ Xuyên, Bắc Kinh, Thượng Hải, Nhật Bản… Hay cùng du lịch với thầy trò Nguyễn Đức Tánh trong Các nơi cổ tích đất Nghệ Tĩnh, người đọc cũng sẽ lần lượt được tới thăm các nơi như: Nam Đàn, Lam Thành, Hoành Sơn, Phủ Diễn, Cửa Lò…

Từ những cái tên, những địa danh ấy, người viết du ký còn giới thiệu cho bạn đọc biết tới những không gian văn hóa, không gian sinh hoạt trong và ngoài nước. Đó là không gian hội hát quan họ trong Cuộc đi chơi năm tầng núi của tác giả Tùng Vân; là không gian văn hóa của người Ai Lao trong Ai Lao hành trình

của Trần Quang Huyến; là không gian sinh hoạt của người Thổ, người Mán trong Bài ký phong thổ tỉnh Tuyên Quang của tác giả Nguyễn Văn Bân…

Như vậy, nhằm nâng cao tính xác thực cho những điều mắt thấy tai nghe, các tác giả du ký đã luôn ý thức trong việc ghi lại không gian và thời gian một cách cụ thể, rõ ràng trong các tác phẩm của mình. Thời gian có tác dụng xâu chuỗi các sự kiện, còn không gian thì chắp nối các địa danh. Có thể nói kiểu thời gian - không gian thực, chính là một đặc trưng nghệ thuật của thể du ký nói riêng, thể loại ký nói chung.

Một phần của tài liệu Khảo sát thể du ký trên Nam Phong tạp chí (1917 – 1934). (Trang 46 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w