2.Một vài giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho nông dân

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện Phú Lương (Thái Nguyên) lãnh đạo thực hiện chính sách ruộng đất (từ 1997 đến 2008)” (Trang 55 - 61)

Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, song nó lại chỉ có ở một hạn mức nhất định và không thể tái sinh. Trong giai đoạn hiện nay, cùng với sự bùng nổ dân số, sự phát triển của nền kinh tế thì tài nguyên này đang dần trở nên khan hiếm và quý giá hơn bao giờ hết. Vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta cần đưa ra được những biện pháp để sử dụng nguồn tài nguyên này một cách hợp lý, với hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ngày nay, sử dụng đất bền vững, tiết kiệm và có hiệu quả ngày càng cao đã trở thành chiến lược quan trọng không chỉ là của mỗi địa phương hay quốc gia mà nó có tính toàn cầu. Nó đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của nhân loại, bởi nhiều lẽ:

Một là, tài nguyên đất vô cùng quý giá. Bất kỳ nước nào, quốc gia nào địa phương nào hay cá nhân nào, thì đất đều là tư liệu sản xuất nông - lâm nghiệp chủ yếu và đặc biệt quan trọng, đồng thời là cơ sở lãnh thổ để phân bố các ngành kinh tế quốc dân. Thêm vào đó, đất là một nguồn tài nguyên có hạn, hiện nay dưới tác động của nhiều yếu tố về kinh tế và xã hội thì tài nguyên đất cho nông nghiệp đang dần bị thu hẹp lại mà chủ yếu là do áp lực tăng dân số, sự phát triển đô thị hóa, công nghiệp hóa và các hạ tầng kỹ thuật.

Hai là, do điều kiện tự nhiên, hoạt động tiêu cực của con người, hậu quả của chiến tranh,… nên một phần diện tích đất đáng kể đã, đang và sẽ còn bị thoái hóa, hoặc ô nhiễm dẫn tới tình trạng giảm, mất khả năng sản xuất và nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. Lịch sử đã chứng minh rằng sản xuất nông nghiệp phải được tiến hành trên đất tốt mới có hiệu quả. Tuy nhiên, để hình thành đất với độ phì nhiêu cần thiết cho canh tác nông nghiệp phải trải qua hàng nghìn năm, thậm chí hàng vạn năm. Vì vậy, mỗi khi sử dụng đất đang sản xuất nông nghiệp cho các mục đích khác cần cân nhắc kỹ để không rơi vào tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt.

Một là, có một thực trạng đang gây ra một số cản trở nhất định trong việc nâng cao hiệu quả khai thác ruộng đất ở Phú Lương cũng như những địa phương khác trong cả nước, đó là tình trạng phân tán và manh mún về ruộng đất. Thực trạng này đã gây ra những khó khăn nhất định trong việc sử dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mà đặc biệt là việc tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trước thực trạng này, nông dân ở Phú Lương nói riêng và các địa phương khác trong cả nước nói chung cần phải nhanh chóng lựa chọn những giải pháp thích hợp mà ưu tiên hàng đầu là giải pháp “dồn điền đổi thửa” để ruộng liền ruộng, từ đó nhân dân có điều kiện để phát triển nông nghiệp theo tính chất hàng hóa phục vụ cho yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hai là, để có thể tận dụng được tối đa tiềm năng đất cho nông nghiệp thì cần phải ưu tiên sử dụng đất tốt cho nông nghiệp, dành đất xấu (có khả năng sản xuất thấp) cho các mục đích phi nông nghiệp. Điều hòa giữa áp lực tăng dân số và tăng trưởng về kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng đất bền vững. Quản lý hệ thống nông nghiệp nhằm đảm bảo có sản phẩm tối đa về lâu dài, đồng thời duy trì độ phì nhiêu đất.

Ba là, đối với những địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển rừng như Phú Lương thì cần yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm phát triển tài nguyên

rừng nhằm thỏa mãn nhu cầu về thương mại, chất đốt, xây dựng và dân dụng mà không làm mất nguồn nước và thoái hóa đất.

Bốn là, sử dụng đất trên cơ sở quy hoạch bảo đảm lợi ích trước mắt cũng như lâu dài của người sử dụng đất và cộng đồng. Khi phân bố sử dụng đất cho các ngành kinh tế ở địa phương cần sử dụng bản đồ, tài liệu đất và đánh giá phân hạng đất đai mới xây dựng, nâng cao chất lượng quy hoạch và dự báo sử dụng lâu dài.

Năm là, thực hiện chiến lược phát triển đa dạng, khai thác tổng hợp đa mục tiêu: nông - lâm kết hợp, nông - lâm và chăn nuôi kết hợp, nông - lâm - ngư kết hợp, nông ngư kết hợp...Phải bảo vệ tốt tài nguyên đất và nước, phát triển thủy lợi, giữ vững cân bằng sinh thái nhằm duy trì sự tác động hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị của địa phương và với các địa phương lân cận khác. Phát triển các cây lâu năm có giá trị kinh tế, thương mại cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương như: chè, quế, …từ đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhân dân.

Sáu là, áp dụng các quy trình, công nghệ và khoa học kỹ thuật vào sản xuất và canh tác thích hợp với điều kiện ở địa phương. Đặc biệt trong canh tác nông nghiệp, cần quan tâm thâm canh ngay từ đầu, thâm canh liên tục và theo chiều sâu.

Bảy là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý và bảo tồn tài nguyên đất. Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, giao đất, giao rừng, cho dân vay vốn phát triển sản xuất, thâm canh nhằm xóa đói, giảm nghèo và bảo đảm an toàn lương thực. Phát động quần chúng làm công tác bảo vệ đất. Đẩy mạnh hợp tác giữa các tổ chức trong nước, khu vực và quốc tế trong việc thực hiện các chính sách, chương trình, dự án và kế hoạch hành động bảo vệ và sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững.

* Tiểu kết chương 3

Trong những năm (1997 – 2008), dưới sự lãnh đạo thực hiện những chính sách ruộng đất của Đảng của Đảng bộ huyện Phú Lương, tình hình quan hệ sở hữu và sử dụng ruộng đất của huyện đã có những thành tựu quan trọng đáng kể. Song, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thì vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định mà chủ yếu là tình trạng manh mún về ruộng đất. Thêm vào đó, một số loại đất còn chưa được khai thác hết tiềm năng. Đứng trước thực trạng này, trong những năm tiếp theo, Đảng bộ huyện cần phải đề ra được những chủ trương, biện pháp thích hợp nhằm nâng cao công tác quản lý đất đai, khai thác được triệt để, có hiệu quả những tiềm năng sẵn có của địa phương. Trong đó chú trọng tới các biện pháp làm giảm và khắc phục tình trạng phân tán và manh mún về ruộng đất; ưu tiên đất tốt cho sản xuất nông nghiệp, phát triển rừng một cách hợp lý; áp dụng các quy trình công nghệ và các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất và canh tác thích hợp với điều kiện của địa phương. Từ đó góp phần vào việc phát triển mạnh hơn nữa kinh tế nông nghiệp của huyện, nâng cao đời sống nhân dân.

KẾT LUẬN

Phú Lương là một huyện miền núi, một huyện có vị trí địa lý rất quan trọng cả về kinh tế lẫn quân sự, trong thời kỳ cách mạng Phú Lương chính là cửa ngõ, là lá chắn bảo vệ cho An Tòan Khu (ATK) cách mạng. Phú Lương có điều kiện tự nhiên tương đối thuận lợi, nhân dân các dân tộc huyện Phú Lương lao động cần cù, sáng tạo. Do đó, Phú Lương có nhiều tiềm năng để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện.

Từ sau cách mạng Tháng Tám 1945 thành công. Đảng ta luôn coi trọng và rất quan tâm tới vấn đề ruộng đất, nông dân, nông nghiệp và nông thôn. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Đảng ta tiến hành cải cách ruộng đất (1953- 1956), thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”. Kết quả của nó là đã biến “giấc mơ ngàn đời” của người nông dân miền Bắc thành hiện thực.

Từ năm 1958 đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, toàn miền Bắc trong đó có huyện Phú Lương đã tiến hành tập thể hoá nông nghiệp. Vì thế mà hình thức sở hữu ruộng đất đã có sự thay đổi. Trong đó, chế độ sở hữu tập thể về ruộng đất hoàn toàn chiếm ưu thế. Một thực tế là trong thời kì tập thể hoá nông nghiệp ruộng đất sản xuất nông nghiệp lại rơi vào tình trạng lãng phí, nông dân không thiết tha với ruộng đất do đó mà năng suất và sản lượng trong nông nghiệp giảm sút. Từ những thực tế hạn chế đó Đảng ta đã nhận thấy rằng cần phải khắc phục những hạn chế của mô hình hợp tác xã kiểu cũ, tìm tòi và từng bước đưa ra những bước thi thích hợp để từng bước đưa nền nông nghiệp của nước ta phát triển đi lên.

Trên cơ sở nội dung của Đại hội Đảng lần thứ VI của Đảng (12 - 1986) đó là: tiến hành đổi mới đất nước một cách toàn diện trên tất cả các mặt. Trước yêu cầu đó, tháng 4 - 1988 Bộ chính trị đã cho ra đời Nghị quyết 10. Từ khi có nghị quyết 10 của Bộ chíng trị, huyện Phú Lương tiến hành khoán gọn ruộng đất đến từng hộ dân. Điều này đã khắc phục được tình trạng ruộng đất vô chủ, có tác dụng kích thích tính tự cường hăng say lao động và sản xuất của nông dân.

Trước đây, trong thời kỳ cách mạng kháng chiến chống Pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, tháng 4 - 1978 Quốc hội đã quyết định hợp nhất Thái Nguyên và Bắc Kạn thành tỉnh Bắc Thái. Sau khi đất nước đã được thống nhất, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới và để thuận tiện hơn về mặt quản lý các đơn vị hành chính tháng 6 - 1996, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc phân chia lại địa giới hành chính, theo đó tỉnh Bắc Thái được tách thành hai tỉnh là Thái Nguyên và Bắc Kạn.

Huyện Phú Lương từ năm 1997 đến năm 2008, dưới sự lãnh đạo thực hiện những chính sách ruộng đất của Đảng của Đảng bộ huyện Phú Lương đã đạt được nhiều thành tựu thành tựu nổi bật về quản lý đất đai và phát triển kinh tế nông nghiệp. Những thành tựu đó đạt được là bắt nguồn từ những thay đổi trong quan hệ quan hệ sở hữu, sử dụng ruộng đất và phương thức quản lý đất nông nghiệp. Những thành tựu to lớn đó đã khẳng định rằng, những chủ trương, biện pháp của Đảng bộ huyện Phú Lương trong việc thực hiện các chính sách ruộng đất của Đảng là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Đảng bộ huyện đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào tình hình thực tế ở địa phương.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây ở Phú Lương đã xuất hiện tượng mua bán, tập trung, tích tụ ruộng đất diễn ra một cách tự do không thông qua các cơ quan có thẩm quyền, hiện tượng lợi dụng chiếm đất công, tình trạng tranh chấp đất đai, sử dụng ruộng đất một cách lãng phí, ….Tất cả những thực trạng đó đã và đang trở thành vấn đề bức xúc. Tất nhiên, lời giải cho những bài toán này không phải là của các nhà nông học, các hộ nông dân, mà trước hết nó thuộc về trách nhiệm của các cơ quan xây dựng chính sách và những người thực thi chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn trên phạm vi cả nước nói chung và huyện Phú Lương nói riêng.

Một phần của tài liệu Đảng bộ huyện Phú Lương (Thái Nguyên) lãnh đạo thực hiện chính sách ruộng đất (từ 1997 đến 2008)” (Trang 55 - 61)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(66 trang)
w