TRONG CÁC DOANH NGHIỆP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN VIỆT NAM.
Phân tích hiệu quả hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu mang lại kết quả kinh doanh cao nhất cho doanh nghiệp, cho nên yêu cầu hòan thiện nội dung phân tích hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Dừng ở giới hạn của đề tài nghiên cứu, tác giả chỉ đề cập đến những quan điểm cơ bản, có tính chất định hướng cho việc hòan thiện phân tích hiệu quả kinh
doanh góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh ở các doanh nghiệp khai thác khóang sản Việt Nam như sau:
3.3.1. Hòan thiện phân tích để đánh giá chính xác hiệu quả kinh doanh Hiệu quả kinh doanh là kết quả của quá trình xem xét khả năng sử dụng các nguồn lực đầu vào. Do đó, tất cả các giai đoạn của hoạt động sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp đều ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, họ có thể kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình bằng cách sử dụng hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả kinh doanh. Thông qua đó sẽ cho phép các doanh nghiệp kịp thời phát hiện những tồn tại, thiếu sót cũng như ưu điểm khi doanh nghiệp áp dụng cơ chế điều phối quá trình kinh doanh của mình.
Trên cơ sở thiết lập hệ thống chỉ tiêu dưới dạng tỷ lệ, hệ số,... sẽ biểu thị ý nghĩa các mối quan hệ và phản ánh khuynh hướng có thể kết luận được. Mặt khác, phân tích hiệu quả kinh doanh không những giúp doanh nghiệp thực hiện chức năng kiểm soát thành công mà còn xác định được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân để từ đó có cơ sở xây dựng chiến lược phát triển. Hoàn thiện quá trình phân tích hiệu quả kinh doanh giúp nhà quản lý có được những kết luận chính xác sau khi tiến hành “mổ xẻ” thật tỷ mỷ nội dung nghiên cứu. Mặt khác, nó còn góp phần đưa doanh nghiệp đứng trong hành lang có độ an toàn cao nhất, cũng như góp phần nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh trên thị trường
3.3.2. Hòan thiện phân tích để các cơ quan quản lý nắm được thực trạng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp
Những tác động qua lại của các yếu tố ấy và với tính chất tương hỗ của chúng sẽ giúp bản thân doanh nghiệp nhận thấy được tính “cộng hưởng” của các yếu tố về vốn, tài sản và các nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong quá trình vận động [34]. Không những thế, hoàn thiện nội dung phân tích hiệu quả kinh doanh sẽ giúp cơ quan quản lý đánh giá ưu, nhược điểm của doanh nghiệp để từ đó xác định được chính xác những nguy cơ tiềm ẩn và có biện pháp củng cố kịp thời.
Phân tích hiệu quả kinh doanh tại các doanh nghiệp này sẽ làm căn cứ cho cơ quan Nhà nước đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp qua các chỉ tiêu phản ánh tình hình thực trạng về tình hình tài chính, sức sản xuất, sức sinh lợi,… Từ đó, Nhà nước có cơ hội kết hợp với doanh nghiệp xác định nguyên nhân để tìm ra biện pháp hỗ trợ và điều tiết khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế quốc gia đối với ngành nghề này.
3.3.3. Hòan thiện phân tích để thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho quá trình ra quyết định
Thông tin là yếu tố quyết định sự thành bại, cũng như tạo ra cơ hội kinh doanh cho tất cả các doanh nghiệp và phục vụ cho mọi đối tượng quan tâm như thông tin liên quan đến ngành kinh doanh, môi trường kinh doanh, hệ thống pháp luật, chính sách điều tiết kinh tế của Nhà nước,… Hiện nay, công tác phân tích các chỉ tiêu hiệu quả kinh doanh chỉ dựa vào số liệu hạch toán tại thời điểm kết thúc năm tài chính nên không thể phản ánh một cách đầy đủ sự vận động của tất cả các nguồn lực đầu vào; cũng như tình hình sử dụng các nguồn lực của doanh nghiệp.
Mặt khác, quá trình phân tích họat động kinh doanh nói chung và hiệu quả kinh doanh nói riêng được căn cứ trên nhiều nguồn thông tin sẽ không thể tạo ra kết nối giữa các yếu tố sẽ đảm bảo độ chính xác và tính khoa học cho các chỉ tiêu phân tích. Quyết định quản lý chỉ thực sự có hiệu lực và giá trị khi tính xác thực của nội dung phân tích ở trạng thái hoàn thiện, đầy đủ, kịp thời của thông tin cung cấp. Có như vậy, phân tích hiệu quả kinh doanh sẽ vẽ nên một bức tranh toàn cảnh, có chiều sâu về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, và lúc này các nhà phân tích mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ của mình.
3.3.4. Hòan thiện phân tích để xác định rõ lợi thế cạnh tranh quốc gia trong quá trình hội nhập
Trong thời gian vừa qua các quan hệ kinh tế quốc tế của nước ta tiếp tục được mở rộng. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 168 nước thuộc tất cả các châu lục bao gồm tất cả các nước và các trung tâm kinh tế lớn
của thế giới; là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ, có quan hệ thương mại với 160 nước và vùng lãnh thổ; các nhà đầu tư của trên 80 nước và vùng lãnh thổ đã đầu tư trực tiếp vào Việt Nam [62].
Những sự kiện trên đã cho thấy Việt Nam đang từng bước hội nhập vào nền khi tế thế giới, điều này đã được khẳng định rõ khi Việt Nam là thành viên của Asean, WTO, triển khai thực hiện tốt các cam kết về khu vực mậu dịch tự do Asean,… Nhằm đáp ứng thực sự yêu cầu của quá trình hội nhập trong sức ép cạnh tranh của thị trường thế giới với xu hướng tự do hóa thương mại, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần phải khẳng định vị trí của mình trong tiến trình hội nhập dựa trên cơ sở xác định giá trị lợi thế của bản thân. Để hội nhập thành công, bản thân các doanh nghiệp khai thác khóang sản Việt Nam cần nhận thấy được vai trò của hoạt động phân tích hiệu quả kinh doanh, cũng như tiến hành sửa đổi quan điểm quản lý ở doanh nghiệp.