2.1. Sự hình thành và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức tỉnh HảiDương Dương
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội tỉnh Hải Dương
2.1.1.1. Đặc điểm tự nhiên
Tỉnh Hải Dương bao gồm thành phố Hải Dương và 11 huyện, với tổng số 263 xã, phường, thị trấn; là tỉnh nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, với diện tích tự nhiên 1.660,9 km2, dân số 1,7 triệu người, thuộc vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, được tách ra từ tỉnh Hải Hưng (bao gồm Hải Dương và Hưng Yên) từ ngày 01-01- 1997.
Phía Bắc của Hải Dương giáp các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang và Quảng Ninh; phía Tây giáp tỉnh Hưng Yên; phía Nam giáp Thái Bình; phía Đông giáp thành phố Hải Phòng. Hải Dương nằm giữa khu vực tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là điểm trung chuyển giữa thành phố cảng Hải Phòng với Thủ đô Hà Nội (cách Hải Phòng 45 km về phía Đông và cách Hà Nội 57 km về phía Tây). Phía Bắc của tỉnh có hơn 20 km quốc lộ 18 chạy qua, nối sân bay quốc tế Nội Bài với cảng Cái Lân, tạo điều kiện giao lưu hàng hoá từ vùng Bắc Bộ ra biển và giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới.
2.1.1.2. Đặc điểm kinh tế
Từ năm 2000 đến 2006, hầu hết các ngành kinh tế của Hải Dương đều có sự phát triển vượt bậc. Khu vực công nghiệp, xây dựng (CN-XD) đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 21 %/năm. Trong đó, công nghiệp tăng gần 12 lần, với nhịp độ tăng bình quân 24%/năm. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài từ chỗ không có đã tăng nhanh và tới năm 2006, chiếm 45,0% giá trị sản lượng công nghiệp của tỉnh, thu hút trên 60.000 lao động có kỹ thuật vào làm việc trong tổng số gần 130.000 lao động khu vực công nghiệp. Nông nghiệp vẫn phát triển tương ứng với tốc độ phát triển nông nghiệp chung cả nước. Khu vực dịch vụ, đặc biệt là thương mại và du lịch có bước chuyển biến tích cực. Năm 2000, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội của Hải Dương đạt 2.969 tỷ đồng; năm 2001 đạt 3.267 tỷ đồng và đến năm 2006 đạt
4.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân từ năm 2001-2006 là 108,7%. Tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu năm 2000 đạt 45.538 USD; năm 2001 đạt 55.075 USD và đến năm 2006 đạt 100.000 USD, tốc độ tăng bình quân từ năm 2001-2006 là 117%. Kim ngạch nhập khẩu năm 2000 là 36.703 USD; năm 2001 là 55.798 USD và đến năm 2006 là 120.000 USD, tốc độ tăng bình quân là 126,7%.
Kinh tế (GDP) giai đoạn 2001-2006, đạt mức tăng trưởng bình quân 10,5 %/năm, cao hơn bình quân thời kỳ 1996 - 2000 là 9,2%/năm và bình quân chung cả nước 7,3 - 7,4 %/năm.
2.1.1.3. Đặc điểm xã hội - Về dân số:
Hải Dương là một trong những địa phương có tốc độ tăng dân số nhanh. Từ năm 2000-2006, tỷ lệ tăng là 2,1%/năm. Đến hết năm 2006 dân số tỉnh Hải Dương là 1.711.364 người, mật độ dân số 1.038 người/km2. Trong đó dân số thành thị là 328.357 người, chiếm 19,2% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ này có xu hướng tăng nhanh. Dự kiến đến năm 2010 thành phố Hải Dương đạt đô thị loại 2.
- Về nguồn nhân lực:
Hải Dương có nguồn nhân lực dồi dào. Người dân Hải Dương có đức tính cần cù, hiếu học, nghiêm túc trong lao động và có trình độ văn hoá, có khả năng tiếp cận với tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Đó là những điều kiện thuận lợi quan trọng để hình thành đội ngũ công nhân, cán bộ quản lý, công chức, cán bộ kỹ thuật và lao động có chất lượng tốt. Năm 2000, Hải Dương có 879.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 52 % dân số; Năm 2006, Hải Dương có 890.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 52,3 % dân số. Số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế là 809.000 người.
Hàng năm, nguồn lao động ở Hải Dương được bổ sung từ 1,5 đến 2 vạn người. Đó là những người vừa tốt nghiệp phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, các trường dạy nghề, các trường cao đẳng, đại học. Nguồn lao động có trình độ được bổ sung hàng năm như vậy chính là nguồn lực mạnh mẽ tạo sự phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.