Thành công của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam

Một phần của tài liệu Vấn đề lí luận về hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (Trang 127 - 132)

Qua kết quả phân tích và đánh giá thực trạng sử dụng phí bảo hiểm và kết quả phân tích hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và một số DNBH phi nhân thọ Việt Nam nói riêng, có thể khẳng định rằng mặc dù là một thị trường mới nổi, nhưng thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm đã đạt được những thành quả nhất định.

Thứ nhất, hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ ở Việt Nam giai đoạn 2003-2007 có tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định. Doanh thu phí bảo hiểm năm sau luôn cao hơn năm trước và các DNBH phi nhân thọ đã sử dụng phí đúng mục đích, đó là: bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm; trích lập các quỹ dự phòng; nộp ngân sách Nhà nước và chi phí cho các hoạt động kinh doanh v.v...

Thứ hai, hiệu quả xã hội trong quá trình sử dụng phí bảo hiểm là khá cao. Điều này thể hiện rõ nhất ở hai chỉ tiêu: hiệu quả bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm; hiệu quả tạo thêm việc làm cho người lao động. Mặc dù cả hai chỉ tiêu này tính ra có sự khác nhau giữa các DNBH và giữa các năm, song nhìn tổng thể toàn thị trường ta thấy, phí bảo hiểm mà các DNBH phi nhân thọ thu được chủ yếu là để bồi thường và chi trả tiền bảo hiểm nhằm giúp khách hàng tham gia bảo hiểm nhanh chóng khắc phục hậu quả rủi ro để ổn định cuộc sống và sản xuất. Đồng thời, tính bình quân toàn thị trường, cứ 1 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đã tạo thêm từ 1,6 đến 2 chỗ làm việc mới cho người lao động.

Thứ ba, các DNBH phi nhân thọ đã có những đóng góp tích cực vào công tác đề phòng hạn chế tổn thất, từ đó làm cho hiệu quả xã hội của bảo

hiểm ngày càng được nhận thức cao hơn và đầy đủ hơn. Chính công tác này đã gián tiếp nâng cao hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm. Theo số liệu của Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam năm 2007, các DNBH phi nhân thọ đã đóng góp 5% phí bảo hiểm cháy nổ cho Bộ Công an để góp phần phát triển lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Cũng vào năm này, mỗi DNBH phi nhân thọ còn phải đóng góp 2% phí bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đối với người thứ ba vào quỹ tuyên truyền và đảm bảo an toàn giao thông. Những khoản đóng góp này đều được quản lý và sử dụng đúng quy chế, đúng mục đích. Nhờ vậy, đã góp phần tích cực làm giảm thiểu tai nạn giao thông và các rủi ro cháy nổ trong cả nước. Và hiệu quả xã hội sử dụng phí bảo hiểm ở đây là rất lớn và không thể đo đếm được.

Thứ tư, hiệu quả kinh tế của việc sử dụng phí bảo hiểm đã dần được cải thiện. Cụ thể, hiệu quả sử dụng phí tính theo lợi nhuận của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã có xu hướng tăng. Mặc dù tốc độ tăng của hiệu quả sử dụng phí tính theo lợi nhuận không lớn nhưng trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay kết hợp với sự tham gia của rất nhiều các doanh nghiệp nước ngoài trên thị trường thì có thể thấy đây là nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam. Hiệu quả đầu tư trở lại nền kinh tế từ phí bảo hiểm cũng gia tăng đáng kể và đạt mức trên dưới 0,08 lần năm 2007. Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam đã phần nào ý thực được vai trò của hoạt động đầu tư đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Những kết quả đạt được này là do cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan:

Nguyên nhân khách quan:

- Hệ thống pháp luật về hoạt động KDBH ngày càng được hoàn thiện và từng bước đạt được những chuẩn mực khu vực và quốc tế. Sự ra đời của

Luật KDBH năm 2000 cùng hàng loạt các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật luôn cập nhật đã có tác dụng tích cực đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm ngày càng đa dạng và phong phú. Các chuẩn mực, các quy định mang tính pháp lý đã được các DNBH thực hiện đầy đủ và nghiêm túc hơn như việc trích lập dự phòng, nộp ngân sách v.v...

- Quy mô thị trường ngày càng lớn mạnh. Điều này thể hiện ở chỗ, số lượng các DNBH phi nhân thọ tham gia thị trường tăng từ một doanh nghiệp năm 1994 lên 24 doanh nghiệp năm 2007, các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ cũng tăng từ 400 năm 2002 lên hơn 700 sản phẩm năm 2007. Các sản phẩm mà các DNBH phi nhân thọ tung ra thị trường về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của tuyệt đại bộ phận khách hàng, bao gồm cả khách hàng là các cá nhân hay các tổ chức kinh tế - xã hội.

- Tình hình chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng luôn ở mức cao, đời sống của người dân cũng ngày một cao hơn. Đây là nguyên nhân sâu xa làm cho thị trường bảo hiểm nói chung và thị trường bảo hiểm phi nhân thọ nói riêng phát triển và ổn định. Có thể nói, đây là một đặc điểm rất quan trọng và có tính quyết định đến mọi mặt hoạt động kinh doanh của mỗi DNBH. Chính vì vậy mà nhiều DNBH nước ngoài luôn tìm kiếm cơ hội để được thâm nhập thị trường bảo hiểm Việt Nam. Một đất nước với hơn 80 triệu dân. Chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo là một thực tế khách quan mà tất cả các nước, các chính khách và các nhà đầu tư nước ngoài nhận xét.

Một nền kinh tế tăng trưởng cao và phát triển ổn định là mong muốn của bất kỳ thị trường dịch vụ nào trong đó có thị trường bảo hiểm. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tốc độ phát triển cao, giai đoạn từ năm 2000 đến 2007, tốc độ tăng trưởng đã đạt mức bình quân 7,68%. Riêng năm 2007, tốc độ này là 8,49% và GDP đạt mức tuyệt đối là 71 tỷ đô la Mỹ,

nếu tính bình quân đầu người sẽ là 820 đô la. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam chưa thực sự phát triển bền vững, những khó khăn do thiên tai và dịch bệnh còn nhiều, song tất cả các ngành đều có tốc độ tăng trưởng vượt kế hoạch. Năm 2007 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48 tỷ đô la, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,3 tỷ đô la Mỹ. Do kinh tế phát triển và tăng trưởng cao, cho nên vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2000 đến 2007 tăng rất nhanh, vượt 38% so với mức bình quân 5 năm trước đó. Từ đó, đã làm cho cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội thay đổi căn bản. Nếu như năm 2000 cơ cấu vốn đầu tư trong nước chỉ chiếm 48% thì đến năm 2007 con số này đã là 77% so với tổng vốn đầu tư toàn xã hội v.v... Có thể nói, đây không chỉ là đặc điểm, mà còn là môi trường lý tưởng cho bất kỳ một DNBH nào. Và đây cũng là nguyên nhân rất quan trọng để các DNBH phi nhân thọ mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường và thực hiện đa dạng hoá các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ v.v...

Nguyên nhân chủ quan:

- Năng lực tài chính của các DNBH phi nhân thọ đã dần được cải thiện. Vốn pháp định của các doanh nghiệp được bổ sung đáp ứng yêu cầu của Luật kinh doanh bảo hiểm cũng như yêu vầu về năng lực tài chính của thị trường. Mặt khác, các DNBH phi nhân thọ của Việt Nam về cơ bản đều đã trở thành các DNBH cổ phần. Nhận thức về huy động vốn để nâng cao năng lực tài chính, phát triển thương hiệu và cơ cấu lại tổ chức để đảm bảo nâng cao hiệu quả kinh doanh đã được các DNBH chú trọng nhiều hơn so với những năm trước đó. Năm 2004 Bảo Minh tiến hành cổ phần hoá; tiếp đến là Công ty bảo hiểm Dầu khí (PVI) vào năm 2006 và đầu năm 2007 Bảo Việt đã tiến hành cổ phần hóa. Như vậy cho đến nay về cơ bản các DNBH phi nhân thọ của Việt Nam đều đã trở thành những DNBH cổ phần. Vốn điều lệ của các doanh nghiệp cũng tăng lên nhanh chóng. Chẳng hạn, trước khi cổ phần, nguồn vốn

này của Bảo Minh chỉ đạt 600 tỷ, năm 2006 đã tăng lên 1.100 tỷ. Hay PVI, trước khi cổ phần (năm 2005) vốn điều lệ chỉ có hơn 300 tỷ đồng, năm 2007 tiến hành cổ phần hoá xong, nguồn vốn nay đã là 900 tỷ... Các DNBH phi nhân thọ khác, kể cả các DNBH 100% vốn nước ngoài, cũng tìm cách tăng vốn điều lệ. Động thái này đã làm cho năng lực tài chính, năng lực kinh doanh của họ được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là tỷ lệ giữ lại trong tái bảo hiểm của các doanh nghiệp đã ngày càng cao hơn. Nếu tính chung toàn thị trường, thì tỷ lệ giữ lại phí bảo hiểm phi nhân thọ năm 2004 là 67,5%. Do môi trường pháp lý ngày càng thông thoáng và minh bạch hơn, nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới sau khi đất nước gia nhập WTO, cho nên hầu hết các DNBH phi nhân thọ đã chú tâm đến việc quảng bá hình ảnh và thương hiệu của mình. Các doanh nghiệp lớn như Bảo Việt Việt Nam, Bảo Minh, PVI v.v... sau khi tiến hành cổ phần hoá đã cơ cấu lại tổ chức bộ máy và cơ cấu lại các mảng hoạt động kinh doanh, từ đó đã làm cho xu hướng cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng trên thị trường lộ rõ v.v...

- Năng lực kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm từng bước được nâng cao. Trong điều kiện hội nhập và mở cửa, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã ý thức được vai trò của việc phải tăng cường năng lực kinh doanh của mình thông qua việc từng bước cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng các công nghệ quản lý mới hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh. Một số doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm các đối tác chiến lược nhằm tận dụng công nghệ và trình độ quản lý của họ.

- Các doanh nghiệp bảo hiểm đã từng bước phủ kín hoạt động KDBH trên địa bàn của tất cả 64 tỉnh và thành phố trong cả nước. Các công ty bảo hiểm lớn trên thị trường như Bảo Việt, bảo Minh có hệ thống các công ty thành viên tại tất cả các tỉnh thành. Các doanh nghiệp khác cũng có mặt tại hầu hết các trung tâm kinh tế chính trị trong cả nước, góp phần đáp ứng một

cách nhanh nhất nhu cầu bảo hiểm của các cá nhân và tổ chức.

- Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đã xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 vào hoạt động kinh doanh, từng bước chuẩn hoá các khâu trong qui trình kinh doanh bảo hiểm và đảm bảo phục vụ khách hàng tốt nhất có thể.

- Công tác marketing được thực hiện ngày càng bài bản. Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng dần ý thức được công tác chăm sóc khách hàng trước và sau bán hàng góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp và cải thiện chất lượng khai thác.

Một phần của tài liệu Vấn đề lí luận về hiệu quả sử dụng phí bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (Trang 127 - 132)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(189 trang)