Giá trị của lễ hội ở huyện Thọ Xuân

Một phần của tài liệu Lễ hội ở huyện Thọ Xuân -Thanh Hóa với việc phát triển du lịch địa phương (Trang 52 - 58)

Thọ Xuân vốn được mệnh danh “địa linh nhân kiệt” của tỉnh Thanh. Truyền thống lịch sử văn hóa kinh tế từ đời này sang đời khác đã để lại những giá trị rất giàu nhân văn. Trong đó, hoạt động lễ hội là một phần không thể thiếu ở các trung tâm cộng đồng làng, xã. Những lễ hội này mang nhiều giá trị quan trọng đối với Thọ Xuân, không chỉ ở lĩnh vực văn hóa mà cả kinh tế.

2.2.3.1. Lễ hội có giá trị cố kết cộng đồng

Lễ hội nào cũng là của và thuộc về một cộng đồng người nhất định, đó có thể là cộng đồng làng, xã (hội làng), cộng đồng nghề nghiệp (hội nghề), cộng đồng tôn giáo (hội chùa, hội đền, hội nhà thờ), cộng đồng dân tộc (hội Đền Hùng), quốc tế đến cộng đồng nhỏ hẹp hơn, như gia tộc, dòng họ,... Chính lễ hội là dịp biểu dương sức mạnh của cộng đồng và là chất kết dính tạo nên sự cố kết cộng đồng. Mỗi cộng đồng hình thành và tồn tại trên cơ sở của những nền tảng gắn kết, như gắn kết do cùng cư trú trên một lãnh thổ (cộng cư), gắn kết về sở hữu tài nguyên và lợi ích kinh tế (cộng hữu), gắn kết bởi số mệnh chịu sự chi phối của một lực lượng siêu nhiên nào đó (cộng mệnh), gắn kết bởi nhu cầu sự đồng cảm trong các hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa (cộng cảm),... Lễ hội là môi trường góp phần quan trọng tạo nên niềm cộng mệnh và cộng cảm của sức mạnh cộng đồng.

Đối với mỗi người dân Thọ Xuân, hàng năm cứ đến ngày 21, 22 tháng tám âm lịch, ngày 7, 8 tháng ba hay ngày 10 tháng hai âm lịch,… ai ai cũng háo hức, và nhớ về

ngày hội của quê hương mình. Mọi người đều có ý thức tham gia lễ hội để thờ cũng chư vị thần linh, những vị anh hùng dân tộc và để vui chơi giải trí. Lễ hội giúp con người hòa nhập vào thiên nhiên, gắn bó giữa các cá nhân với cộng đồng, mường tượng về quá khứ cội nguồn để hướng tới những dự cảm trong tương lai và chính những điều này đã tạo nên tính cộng đồng trong lễ hội của địa phương. Tính cộng đồng của các lễ hội ở huyện Thọ Xuân được bắt nguồn từ tình đoàn kết, gắn bó keo sơn trong cộng đồng dân cư trong sự giao hòa và tự hòa nhập của mỗi cá nhân. Mỗi lần diễn ra lễ hội, toàn thể nhân dân trong vùng, mà cụ thể là nhân dân trong làng kẻ ít người nhiều tùy vào hoàn cảnh mà có sự đóng góp để góp phần giúp lễ hội tiến hành quy mô hơn, đặc biệt những lễ hội lớn như Lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn luôn được sự quan tâm của người dân xứ Thanh và cả nước.

Có thể nói, lễ hội ở huyện Thọ Xuân đã xóa nhòa mọi ranh giới giữa con người với nhau, kể cả ranh giới phân biệt cả nam và nữ, giữa già với trẻ, giữa giàu với nghèo, … Khi đến với hội, mọi người bị cuốn hút vào, ràng buộc với nhau, gắn bó tình cảm cộng đồng với nhau. Chính vì thế, những cách biệt xã hội, những mâu thuẫn căng thẳng hay những xích mích ngày thường nhiều lúc đã được xóa nhòa trong lễ hội. Do đó, cộng đồng làng xã ngày càng gắn kết hơn, hòa đồng hơn và cùng nhau phát triển.

2.2.3.2. Lễ hội đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần

Bên cạnh đời sống vật chất, đời sống tinh thần, tư tưởng còn hiện hữu đời sống tâm linh. Đó là đời sống của con người hướng về cái cao cả thiêng liêng - chân, thiện, mỹ - cái mà con người ngưỡng mộ, ước vọng, tôn thờ, trong đó có niềm tin tôn giáo tín ngưỡng. Chính tôn giáo, tín ngưỡng, các nghi lễ, lễ hội góp phần làm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của con người, đó là “cuộc đời thứ hai”, đó là trạng thái “thăng

hoa” từ đời sống trần tục, hiện hữu.

Lễ hội không chỉ có giá trị cố kết cộng đồng mà lễ hội còn đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của người dân Thọ Xuân, nhu cầu tìm kiếm cứu cánh của sự sống mà các cộng đồng dân cư, nhất là cư dân nông nghiệp cần đến. Như đã trình bày, Thọ Xuân là huyện phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp với sự bồi đắp phù sa của sông Chu, do đó sự phụ thuộc vào tự nhiên là khá phổ biến và trở thành hiện tượng tất yếu, nhất là các thời kì trước đây. Lễ hội bao giờ cũng được tổ chức tại một không gian linh thiêng nhất định. Đó là đình, nơi các vị thành hoàng sau khi nhận được sắc phong của nhà nước phong kiến đã chiếm một vị trí quan trọng giữa lòng dân làng xã. Qua bao thế hệ, Thành Hoàng đã trở thành nơi hội tụ tinh thần của làng xã, là nơi gửi gắm niềm tin

và hy vọng của mọi thành viên trong làng. Cho nên, mở lễ hội để thờ cúng Thành Hoàng là nhu cầu cần thiết để cả làng được “người an, vật thịnh”, mùa màng “phong đăng hòa

cốc”. Những điều cầu mong đó có thành hiện thực hay không, người ta ít nghĩ đến. Ở

đây, người ta sẽ cảm thấy yên tâm hơn, tin tưởng hơn ở tương lai một khi họ đã chân thành cầu xin các vị thần linh. Vì thế, họ cần có lễ hội để thỏa mãn nhu cầu đó. Người ta tin rằng, chỉ trong lễ với thời gian, không gian linh thiêng của nó, mọi lời cầu xin mới được “thiêng hóa” vì có sự chứng giám của các vị thần linh.

Vì vậy, lễ hội không chỉ là nơi gặp gỡ, vui chơi giữa các thành viên trong cộng đồng mà đây là dịp để con người gần gũi với các thần linh hơn. Nói khác đi, đây là dịp để con người trần tục có cơ hội tiếp xúc, gửi gắm niềm tin và hy vọng của mình vào thế lực siêu hình, một chỗ dựa vững chắc cho tâm linh của họ. Đây chính là “miền đất thánh” mang lại sức mạnh cho con người để chống chọi và vượt qua mọi gian khó mà

vươn tới những điều tốt đẹp của cuộc đời. Họ tin tưởng vào điều đó, có thể đời họ chưa đạt tới được, nhưng chắc chắn đời con, đời cháu họ sẽ đạt được. Do đó, lễ hội có chức năng khá quan trọng là nơi đáp ứng nhu cầu của đời sống tinh thần của mọi thành viên trong cộng đồng.

2.2.3.3. Lễ hội thể hiện tưởng nhớ người có công với dân tộc

Tất cả mọi lễ hội cổ truyền đều hướng về nguồn. Đó là nguồn cội tự nhiên mà con người vốn từ đó sinh ra và nay vẫn là một bộ phận hữu cơ; nguồn cội cộng đồng, như dân tộc, đất nước, xóm làng, tổ tiên, nguồn cội văn hóa,... Hơn thế nữa, hướng về nguồn đã trở thành tâm thức của con người Việt Nam - “uống nước nhớ nguồn”, “ăn

quả nhớ kẻ trồng cây”. Chính vì thế, lễ hội bao giờ cũng gắn với hành hương - du lịch,

mà đối với lễ hội Thọ Xuân đó là tưởng nhớ đến anh hùng dân tộc Lê Hoàn, đến Lê Lợi và các vị khai quốc công thần dưới triều Lê Sơ,…

Cứ hàng hàng năm, đến hẹn lại lên, lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn lại diễn ra và thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Lễ hội Lam Kinh tái hiện lại đầy đủ cuộc đời của vua Lê Thái Tông, từ khi xây dựng cơ nghiệp trải qua bao thăng trầm để đến với khúc ca khải hoàn. Hay lễ hội Lê Hoàn diễn lại từ tích chào đời đặc biệt của nhà vua đến những cảnh lên ngôi và nhiều hoạt động như: Cày tịch điền, đánh giặc,… của nhà vua. Sự tái hiện lịch sử ấy càng tạo điều kiện cho lòng yêu nước, yêu dân tộc và luôn biết ơn những cha anh đi trước trong mỗi thế hệ trẻ Thọ Xuân nói riêng, Thanh Hóa nói chung càng sục sôi hơn.

Là người dân Việt Nam, ai ai cũng mang trong mình truyền thống “uống nước

nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây là những truyền thống văn hóa tốt đẹp mà

chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy, phát huy từ ngay chính gia đình và ra ngoài xã hội. Các lễ hội ở huyện Thọ Xuân chính là một hình thức để truyền thống quý báu này phát huy.

2.2.3.4. Lễ hội thể hiện khiếu thẩm mĩ của cộng đồng

Từ khi chuẩn bị vào hội, tất cả mọi người trong làng từ già đến trẻ, trai đến gái đều phải tiến hành quét dọn, sửa sang đường phố, nhà cửa, ruộng vườn. Mọi người đều háo hức hẳn lên như mong chờ một điều gì đó tốt đẹp hơn đang tới. Bắt đầu từ không khí chung đó, ai cũng hồ hởi, phấn khởi hơn, muốn làm một điều gì đó xứng đáng với sự trang trọng của lễ hội. Những người già trong làng thì tiến hành lau dọn chùa, đền, lăng, tượng,… còn những thanh niên trai tráng thì dọn dẹp đường sá, làm lại sân đình,… tạo cho lễ hội có nhiều nét tươi trẻ và diện mạo mới.

Vì vậy, từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ đồ vật bình thường đến con người, tất cả đều phải mơi đều phải đẹp. Những thời gian khác nhau trong năm có thể lam lũ thế nào cũng xong, nhưng giờ đây mọi sinh hoạt đều phải thay đổi, phải mới mẻ. Các lễ hội ở huyện Thọ Xuân diễn ra chủ yếu vào những ngày nông nhàn, hay trong tiết trời xuân mát mẻ, lúc này con người với tâm trạng thoải mái, vui tươi và chính vì vậy tạo nên cho lễ hội không khí rộn ràng, náo nức lạ thường. Các nghi trượng, hương án, cờ quạt, kiệu, … đền thờ sơn son thiếp vàng, đình làng tươm tất với màu gỗ bóng loáng,… tạo nên không khí vừa trang nghiêm, linh thiêng mà đẹp đẽ.

Các lễ vật cũng phải có màu sắc, dáng vẻ, được bày đặt một cách có nghệ thuật, theo một chủ ý nhất định, khác hẳn ngày thường. Xôi phải có màu đỏ từ gấc, đơm một cách gọn ghẽ, bắt mắt. Gà hay những lễ vật khác đều phải đạt những tiêu chuẩn nhất định. Hay món ăn truyền thống tôm hữu trong phần hội vốn đơn giản, dung dị là thế cũng được sắp xếp cầu kì, trang trí đẹp mắt. Vẻ đẹp của lễ vật chứng tỏ tấm lòng thành kính thực sự của dân làng đối với các bậc tổ tiên, thần linh. Điều đó càng làm cho không khí buổi lễ trang trọng hơn, thành kính hơn và thật hơn mà chân thật hơn thì bao giờ cũng đẹp, cũng mang bản chất của cái đẹp.

Biểu hiện khác của cái đẹp cộng đồng được thể hiện trong lễ hội ở huyện Thọ Xuân đó là những con người tham gia lễ hội, cả chủ lẫn khách đều bước vào hội với một tâm trạng hướng thiện, cầu thiện. Ai cũng có một niềm vui, tin tưởng và hy vọng. Đối với những người cử lễ hay dự lễ cũng cùng chung tâm trạng, cùng cách ứng xử sao cho

từ y phục, dáng vẻ đến lời ăn tiếng nói, cử chỉ, thái độ,… đều đẹp hơn ngày thường, ngời lên khuôn mặt rạng ngời.

2.2.3.5. Giá trị bảo tồn và trao truyền văn hóa

Lễ hội không chỉ là tấm gương phản chiếu nền văn hóa dân tộc, mà còn là môi trường bảo tồn, làm giàu và phát huy nền văn hóa dân tộc. Cuộc sống của con người Việt Nam nói chung và Thọ Xuân nói riêng không phải lúc nào cũng là ngày hội, mà trong chu kỳ một năm, với bao ngày tháng nhọc nhằn, vất vả, lo âu, để rồi “xuân thu nhị (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

kỳ”, “tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”, cuộc sống nơi thôn quê vốn tĩnh lặng ấy

vang dậy tiếng trống chiêng, nở bừng cơ hội, người người tụ hội nơi đình đền, chùa mở hội. Nơi đó, con người hóa thân thành văn hóa, văn hóa làm biến đổi con người, một “bảo tàng sống” về văn hóa dân tộc được hồi sinh, sáng tạo và trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nếu như không có nghi lễ và hội hè thì các làn điệu dân ca như quan họ, hát xoan, hát dậm,...; các điệu múa xênh tiền, con đĩ đánh bồng, múa rồng, múa lân,...; các hình thức sân khấu chèo, hát bội, rối nước, cải lương,...; các trò chơi, trò diễn: đánh cờ người, chọi gà, chơi đu, đánh vật, bơi trải, đánh phết, trò trám,... ra đời và duy trì như thế nào trong lòng dân tộc suốt hàng nghìn năm qua.

Các lễ hội ở huyện Thọ Xuân mang trong mình nhiều giá trị văn hóa đặc sắc như: những nghi thức cúng tế; các điệu múa, điệu hát rí ren, hay những trò múa “Ngũ quốc

lân bang đồ tiến cống” độc đáo trong lễ hội làng Xuân Phả, những cảnh chạy trận tái

hiện lịch sử trong lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn; những món ăn đặc sản như bánh gai Tứ Trụ, bánh răng bừa,... Đặc biệt, trò Xuân Phả là một trong ba di sản văn hóa, văn nghệ quý ở xứ Thanh (gồm tổ khúc hò sông Mã, tổ khúc dân ca Đông Anh và trò Xuân Phả). Nếu hò sông Mã hay dân ca Đông Anh thể hiện lối sinh hoạt thường ngày của nhân dân thì trò Xuân Phả thể hiện lối sinh hoạt cung đình, mang đậm tính chất ngoại giao,... đây là những điệu múa mang tính liên tục, như một vở diễn có năm lớp tương đương với năm trò diễn và đậm chất của người Việt cổ. Trò múa Xuân Phả đã từng đại diện cho văn hóa dân gian xứ Thanh tham gia trong các sự kiện quan trọng của tỉnh, của đất nước như Festival Huế, lễ hội Lam Kinh, lễ hội chào thiên niên kỷ mới (2000),...

Chính nhờ có những lễ hội được diễn ra hàng năm của các làng trong huyện mà văn hóa của người dân địa phương được bảo tồn và giao lưu văn hóa với các vùng miền trong cả nước, góp phần làm cho những nét đẹp trong văn hóa người Việt được gìn giữ và phát huy.

Với sự phong phú của hệ thống lễ hội của huyện Thọ Xuân, trong đó có những lễ hội lớn như lễ hội Lam Kinh, lễ hội Lê Hoàn,… với sự trải dài cả về không gian và thời gian của các lễ hội (ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, phân bố đều trong năm) đã có sự hấp hẫn đối với du khách trong và ngoài. Lễ hội dân gian truyền thống của Thọ Xuân là một “tài nguyên” vô giá đối với sự phát triển của du lịch của địa phương.

Lễ hội chính là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng đối với sự phát triển du lịch của cả nước. Nước ta có những lễ hội lớn thu hút được sự quan tâm của toàn thể nhân dân và khách du lịch quốc tế như: Lễ hội Thánh Gióng, lễ hội đền Hùng, lễ hội chùa Hương,… những lễ hội này góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch, nhất là lễ hội lại diễn ra vào đầu năm, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi. Lễ hội ở Thọ Xuân luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, do đó quy mô các lễ hội ngày càng mở rộng hơn. Tiêu biểu là lễ hội Lam Kinh 2010, hòa chung trong không khí Đại lễ ngàn năm Thăng Long, lễ hội được tổ chức hoành tráng tại khu di tích Lam Kinh và còn biểu diễn tại đền Ngọc Sơn và Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội. Vì vậy lễ hội Lam Kinh đã gây được tiếng vang lớn và thu hút được đông đảo du khách thập phương về dự hội.

Trong những năm gần đây, khi mà ngành du lịch của cả nước ngày càng phát triển mạnh, cùng với những chính sách đầu tư cho phát triển du lịch của nhà nước. Các tài nguyên du lịch được tiến hành khai thác ngày càng có hiệu quả hơn, và trong tương lai, với giá trị văn hóa truyền thống mà lễ hội ở Thọ Xuân lưu giữ sẽ là điều kiện để ngành du lịch của địa phương phát triển.

Một phần của tài liệu Lễ hội ở huyện Thọ Xuân -Thanh Hóa với việc phát triển du lịch địa phương (Trang 52 - 58)