Khái niệm hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường tại Việt

Một phần của tài liệu Quyền tự do kinh doanh trong thành lập doanh nghiệp và quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường (Trang 45)

tại Việt Nam.

1. Khái niệm hợp đồng kinh tế.

Khi Đảng và Nhà nước ta quyết định chuyển nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước thì quan điểm về hợp đồng kinh tế như trước kia là còn phù hợp nữa. Và để đáp ứng nhu cầu khách quan của việc điều chỉnh các quan hệ kinh tế, Hội đồng Nhà nước(nay là Uỷ ban thường vụ

Quốc hội) đã ban hành Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/09/1989. Theo Điều 1 của Pháp lệnh, khái niệm hợp đồng kinh tế được ghi nhận như sau : “ Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận bằng văn bản, tài liệu giao dịch giữa các bên ký kết về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các thoả thuận khác có mục đích kinh doanh với sự quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng và thực hiện kế hoạch của mình ”.

Trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung và bao cấp trước đây, hợp đồng kinh tế có những vai trò và chức năng cực kỳ “vĩ đại”. Hợp đồng kinh tế được coi là công cụ cơ bản để quản lý nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.Nhưng trong nền kinh tế thị trường, hợp đồng kinh tế không còn là công cụ pháp lý của Nhà nước, không còn là công cụ để xây dựng và thực hiện kế hoạch của Nhà nước như cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trước đây nữa. Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận của các chủ thể kinh doanh theo nguyên tắc tự do, tự nguyện. Nhà nước chỉ có thể sử dụng pháp luật để tác động vào các quan hệ kinh tế đảm bảo lợi ích chính đáng của các bên tham gia quan hệ hợp đồng đó và lợi ích chung của toàn xã hội. Như vậy, chỉ có pháp luật về hợp đồng mới là công cụ của Nhà nước chứ không phải là hợp đồng.Nhà nước chỉ có thể áp dụng pháp luật của mình để can thiệp vào các quan hệ hợp đồng của các chủ thể kinh doanh, chứ không thể sử dụng hợp đồng đó để can thệp vào chính quan hệ hợp đồng. Rõ ràng hợp đồng kinh tế là công cụ của các nhà kinh doanh chứ không thể là công cụ của Nhà nước như trước đây.

Vậy vai trò của hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường hiện nay đã khác hẳn vai trò của hợp đồng kinh tế trong cơ chế tập trung quan liêu bao cấp trước đây. Nhận thức không đúng về hợp đồng kinh tế sẽ làm giảm đi vai trò to lớn của hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường.

2. Đặc điểm của hợp đồng kinh tế.

Từ khái niệm hợp đồng kinh tế ở trên ta rút ra một số đặc điểm sau về hợp đồng kinh tế:

Hợp đồng kinh tế là sự thoả thuận giữa các bên ký kết. Quan hệ ý chí ở đây được xác lập một cách tự nguyện bình đẳng.

Sự thoả thuận ở đây được thể hiện dưới hình thức văn bản hoặc tài liệu giao dịch theo quy định của pháp luật.

Mục đích của hợp đồng phục vụ việc kinh doanh của các bên. Hợp đồng kinh tế là hình thức pháp lý của các quan hệ trao đổi, mua bán hàng hoá, vật tư … nhằm mục đích sản xuất kinh doanh, phục vụ việc xây dựng và thực hiện kế hoạch của chính các bên ký kết hợp đồng .

Chủ thể của hợp đồng kinh tế là pháp nhân và cá nhân có đăng ký kinh doanh nhưng ít nhất một bên phải là pháp nhân.

3. Phân biệt Hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự.

Trong điều kiện của nền kinh tế hiện nay, quan hệ tài sản trong hợp đồng kinh tế và trong hợp đồng dân sự không còn có sự khác nhau như trước đây nữa. Chúng đều là quan hệ hàng hoá tiền tệ và đều phản ánh nhu cầu của thị trường. Chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự cũng đều là cá nhân và pháp nhân, do đó giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự không còn ranh giới rõ ràng nữa. Hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự đều là sự thoả thuận giữa các chủ thể về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng về quyền, nghĩa vụ và không trái pháp luật. Mặc dù vậy, giữa hợp đồng kinh tế và hợp đồng dân sự vẫn có một số điểm khác biệt sau đây:

Một là: Quan hệ tài sản do hợp đồng dân sự điều chỉnh phát sinh trong lĩnh vực tiêu dùng và nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Còn quan hệ tài sản do hợp đồng kinh tế điều chỉnh phát sinh trong hoạt động kinh doanh. Như vậy, mục đích của các bên tham gia quan hệ dân sự là nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng, còn mục đích của các bên tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế là để kinh doanh kiếm lời.

Hai là: Chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng kinh tế và dân sự cũng có sự khác nhau.Nhu cầu tiêu dùng thì ai cũng có, cho nên mọi tổ chức, mọi cá nhân có đủ năng lực hành vi pháp lý và năng lực hành vi dân sự đều có thể ký kết hợp đồng dân sự để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mình. Nhưng hợp đồng kinh tế chỉ được ký kết giữa pháp nhân với pháp nhân và pháp nhân với cá nhân có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Ba là: Hình thức của hợp đồng kinh tế thì phải được ký kết bằng văn bản. Còn hình thức của hợp đồng dân sự thì không bắt buộc phải ký kết bằng văn bản. Hình thức của hợp đồng dân sự có thể được ký kết bằng lời nói, văn

bản hoặc hành vi cụ thể khi pháp luật không quy định đối với loại hợp đồng đó phải được ký kết bằng một hình thức nhất định.

III. Quyền ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường .

Như đã nói ở trên, mỗi một cơ chế kinh tế thì có một kiểu pháp luật hợp đồng kinh tế riêng của mình. Bởi vậy, quyền ký kết hợp đồng kinh tế của Doanh nghiệp ở mỗi thời kỳ là khác nhau.

1. Thời kỳ khôi phục kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa nền kinh tế quốc dân (1954- 1959).

Vào cuối những năm 50, nền kinh tế nước ta còn là một nền kinh tế nhiều thành phần. Lúc đó, nền kinh tế quốc doanh tuy giữ vai trò chủ đạo, nhưng chưa lớn mạnh, kinh tế tập thể còn nhỏ yếu, kinh tế tư bản Nhà nước còn ở trình độ thấp, kinh tế cá thể trong nông nghiệp và thủ công nghiệp còn rất rộng lớn, kinh tế tư bản tư doanh vẫn còn tồn tại. Để điều chỉnh quan hệ hợp đồng trong hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau như vậy, Chính phủ đã ban hành Điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh số 735- TTg ngày 10/4/1956. Có thể nói rằng, bản Điều lệ này đã phản ánh và định hướng cho các quan hệ kinh tế thị trường vào những năm đó. Với 4 chương 22 điều, bản Điều lệ đã điều chỉnh có hiệu quả quan hệ hợp đồng kinh doanh giữa các chủ thể kinh doanh.

Điều lệ đã đưa ra các nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh doanh thể hiện rõ bản chất của hợp đồng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Điều 3 Điều lệ viết: "Hợp đồng phải xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thật thà, hai bên cùng có lợi và có lợi cho nền kinh tế quốc dân". Các chủ thể được tự nguyện trong giao kết hợp đồng nghĩa là họ không chịu sự áp đặt của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Họ được do tìm bạn hàng, tự do thoả thuận, lựa chọn đối tượng để ký hợp đồng. Các bên được bình đẳng, tức là ngang nhau về quyền lợi và nghĩa vụ đối với bản hợp đồng, đối với pháp luật. Phải thật thà không được lừa dối, dựa vào hợp đồng nhằm kiếm lời không chính đáng cho mình, làm hại cho các bên tham gia ký kết với mình hoặc hại cho lợi ích quốc gia.

Theo điều 4 của Điều lệ, chủ thể của hợp đồng rất rộng, phù hợp với cơ chế nhiều thành phần khi đó: "Bản Điều lệ này áp dụng cho tất cả các cơ

sở kinh doanh muốn ký kết hợp đồng với nhau, bất cứ là quốc doanh hay tư doanh, bất cứ là người Việt Nam hay ngoại kiều kinh doanh trên đất nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà".

2. Thời kỳ bước đầu xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung (1960- 1974).

Đầu năm 1960 khi công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế sắp hoàn thành thì cũng là lúc kết cấu thành phần kinh tế nước ta có sự thay đổi căn bản. Kinh tế quốc doanh dần dần nắm vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể đã được mở rộng qua phong trào hợp tác xã hoá trong nông nghiệp và thủ công nghiêp, kinh tế tư bản tư doanh đã được thay thế bằng hình thức tư bản nhà nước chủ yếu dưới dạng công tư hợp doanh. Vào thời điểm này, Nhà nước ta đã xác định bước vào xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, một nền kinh tế chỉ còn tồn tại hai thành phần kinh tế chủ yếu là quốc doanh và tập thể được vận hành theo cơ chế kế hoạnh hoá tập trung cao độ. Trong điều kiện đó, Điều lệ tạm thời về hợp đồng kinh doanh không còn thích hợp nữa. Các nguyên tắc hoàn toàn tự do, tự nguyện, bình đẳng, thật thà, hai bên cùng có lợi không còn phù hợp nữa. Sự thay đổi của cơ chế kinh tế dẫn đến sự thay đổi của pháp luật. Do đó, Nhà nước ta đã ban hành Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế kèm theo Nghị định số 04- TTg ngày 04/01/1960.Điều lệ này có 13 điều được chia thành 4 chương nhằm mục đích thông qua việc ký kết hợp đồng kinh tế mà tăng cường quan hệ và trách nhiệm giữa các xí nghiệp quốc doanh và cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thắng lợi kế hoạch Nhà nước và những nguyên tắc của chế độ hạch toán kinh tế.

Về nguyên tắc ký kết, điều 2 coi "ký kết hợp đồng kinh tế là một kỷ luật bắt buộc trong quan hệ kinh tế giữa các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan nhà nước". Cơ sở để ký kết là chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Các xí nghiệp quốc doanh, các cơ quan Nhà nước chỉ được ký kết trong phạm vi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Hợp đồng kinh tế chỉ được điều chỉnh hay huỷ bỏ khi Nhà nước điều chỉnh hay huỷ bỏ chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước.

Về chủ thể, theo Điều 7 của Điều lệ thì: "trách nhiệm ký kết hợp đồng là trách nhiệm của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND địa phương, Giám đốc hoặc Phó giám đốc các xí nghiệp quốc doanh TW hoặc địa phương. Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND địa phương ký kết các hợp đồng dài hạn hợp đồng nguyên tắc có quan hệ giữa hai hay nhiều ngành ở TW hoặc địa phương để làm cơ sở cho những cơ quan, xí nghiệp ký kết các hợp đồng kinh tế cụ thể". Như vậy,

theo tinh thần của bản Điều lệ này thì quan hệ hợp đồng kinh tế chỉ tồn tại trong khu vực quốc doanh. Hợp đồng được ký kết giữa các xí nghiệp quốc doanh và hợp tác xã không được coi là hợp đồng kinh tế vì các hợp tác xã chưa phải là những đơn vị hạch toán kinh tế, trình độ kế hoạch và trình độ quản lý còn thấp.

Đến cuối thập kỷ 60, Đảng và Nhà nước chủ trương bước đầu cải tiến quản lý kinh tế. Pháp luật hợp đồng kinh tế đã có bước phát triển mới với Quyết định số 113/TTg ngày 11/09/1965 và chỉ thị số 17/TTg ngày 20/07/1967 quy định bổ sung và sửa đổi một số vấn đề sau:

-Diện ký kết hợp đồng kinh tế được mở rộng đến Hợp tác xã có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

-Căn cứ để ký kết hợp đồng kinh tế bao gồm cả phương hướng, nhiêm vụ kế hoạnh.

-Các đơn vị kinh tế có thể ký kết các hợp đồng kinh tế ngoài kế hoạch Nhà nước.

-Các bên có thể thoả thuận tạm thời sửa đổi hợp đồng khi có sự biến động về kinh tế xã hội.

Như vậy trong thời kỳ này, hợp đồng kinh tế đã trở thành công cụ pháp lý của việc thực hiện kế hoạch Nhà nước. Do quan niệm kế hoạch Nhà nước là pháp lệnh cho nên việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế là kỷ luật của Nhà nước đối với các cơ quan, tổ chức kinh tế. Hợp đồng kinh tế mang đậm nét yếu tố tổ chức-kế hoạch, yếu tố tài sản trong hợp đồng chỉ là thứ yếu. Chế độ hợp đồng kinh tế đáp ứng đòi hỏi của cơ chế quản lý kế hoạch hoá tập trung nền kinh tế quốc dân trong một thời kỳ nhất định.

3.Thời kỳ thực hiện chủ trương cải tiến kinh tế (1975- 1988).

Sau 15 năm thực hiện chế độ hợp đồng kinh tế theo Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế ban hành kèm theo Nghị định 04-TTg ngày 04/01/1960, Nhà nước ta đã ban hành Điều lệ về chế độ hợp đồng kinh tế kèm theo Nghị định số 54-CP ngày 10/3/1975. Đây là bản Điều lệ chính thức đầu tiên (trước đó chỉ là các Điều lệ "tạm thời") của Nhà nước ta về chế độ hợp đồng kinh tế gồm 27 điều, không chia thành chương, mục.

Về nguyên tắc ký kết, vẫn với quan điểm hướng nền kinh tế theo một kế hoạch tập trung thống nhất và coi hợp đồng kinh tế là một công cụ để thực hiện kế hoạnh cho nên bản Điều lệ đã đề ra nguyên tắc ký kết hợp đồng kinh tế tại Điều 2: "ký kết hợp đồng kinh tế là một kỷ luật Nhà nước". Nhà nước bắt buộc các tổ chức ký kết hợp đồng kinh tế trong mọi hoạt động kinh tế có liên quan với nhau. Tính bắt buộc đó là do tính pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước quy định. Để bảo đảm kỷ luật ký kết hợp đồng kinh tế, Nhà nước quy định các trường hợp các tổ chức kinh tế được miễn ký kết hợp đồng kinh tế. Ngoài ra, Nhà nước còn áp dụng các biện pháp, hình thức trách nhiệm pháp lý đối với các tổ chức từ chối hoặc trì hoãn ký kết hợp đồng kinh tế.

Về chủ thể, Điều lệ quy định các tổ chức sau đây phải ký kết hợp đồng kinh tế:

-Tổ chức quốc doanh;

-Các tổ chức công ty hợp doanh;

-Các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị bộ đội, các tổ chức xã hội (gọi là đơn vị hợp toán);

-Hợp tác xã các loại được công nhận theo các Điều lệ hiện hành;

-Các tổ chức sản xuất thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp được phép kinh doanh và có tài sản ở ngân hàng;

Như vậy, chủ thể của hợp đồng kinh tế đã được mở rộng hơn so với Điều lệ tạm thời về chế độ hợp đồng kinh tế kèm theo Nghị định số 04- TTg ngày 04/01/1960 và một số văn bản quy định sửa đổi và bổ sung đã nêu ở trên.

Nghiên cứu pháp luật về hợp đồng kinh tế trong thời kỳ này cho thấy Nhà nước đã có những cải tiến mạnh mẽ chế độ hợp đồng kinh tế theo hướng mở rộng quyền tự chủ và chủ động trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức kinh tế, kiên quyết xoá bỏ lối quản lý hành chính không phù hợp với các yêu cầu của nguyên tắc hạch toán kinh tế và phương thức kinh doanh xã hội chủ nghĩa.

Một phần của tài liệu Quyền tự do kinh doanh trong thành lập doanh nghiệp và quyền tự do ký kết hợp đồng kinh tế trong nền kinh tế thị trường (Trang 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w