So với mức phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay, có thể thấy, mục tiêu tính đúng, tính đủ lương tối thiểu được đặt ra là khá cao nhưng thực tế đạt được còn thấp. Mức lương tối thiểu do với nhu cầu của người lao động và nhu cầu đặt ra là quá thấp không đủ chi cho nhu cầu cần thiết của bản thân. Hiện nay, lương tối thiểu ở nước ta là 540.000 đồng/tháng nhưng theo tính toán thì tiền lương tối thiểu ở nước ta phải đạt trên 600.000 đồng/tháng thì mới được coi là hợp lý. Việc quy định mức lương tối thiểu chủ yếu phụ thuộc vào khả năng ngân sách Nhà nước, chưa tôn trọng thực tế mức tiền công đã hình thành trên thị trường và các kết quả nghiên cứu khoa học. Vì vậy, lương tối thiểu chưa thực sự là cơ sở hình thành mức tiền công trên thị trường sức lao động, dẫn tới tiền lương thấp hơn nhiều lần so với thu thập thực tế của người lao động.
Về việc xác định tiền lương tối thiểu, ngoài trừ hệ thống nhu cầu của người lao động, các căn cứ xác định mức lương tối thiểu chung chỉ được phản ánh trong lý luận nhiều hơn thực tế áp dụng. Chúng ta vẫn áp đặt khả năng cân đối ngân sách với đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách Nhà nước để xác định là chủ yếu. Bên cạnh đó, không có sự luân chuyển lao động và sự đa dạng hoá các hình thức tổ chức lao động giữa các vùng, ngành, nghề nên tiền lương tối thiểu chung ở nước ta còn có nhiều bất hợp lý, nhất là đối với khu vực sản xuất kinh doanh. Vì vậy mức lương tối thiểu không phát huy được chức năng cân đối cung - cầu giữa các vùng, các ngành, nghề. Việc quy định mức
lương tối thiểu chung chỉ có ý nghĩa đối với việc trả lương từ ngân sách Nhà nước, với việc đóng bảo hiểm xã hội, không có tác dụng trong việc hình thành đúng chi phí tiền lương trong sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng chỉ có ý nghĩa đối với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng tuy đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của người lao động nhưng vẫn còn đại khái, chung chung, chủ yếu các tỉnh thành có mức lương tối thiểu cao chỉ nằm ở những khu công nghiệp cũ còn đại đa số các khu công nghiệp vẫn áp dụng mức lương tối thiểu bằng mức lương tối thiểu chung.
Bên cạnh đó, trong khu vực sản xuất kinh doanh, do có nhiều mức lương tối thiểu khác nhau theo loại hình doanh nghiệp, chưa tạo điều kiện tốt để hình thành đúng giá tiền công trên thị trường, chưa thúc đẩy tự do hoá của người lao động đi tìm việc làm. Trong khu vực hành chính sự nghiệp, nhất là một số đơn vị sự nghiệp có thu, do áp dụng thống nhất mức tiền lương tối thiểu đã dẫn đến hậu quả làm chậm tiến trình xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp mang tính dịch vụ công.
Mặc dù theo quy định thì Chính phủ có thẩm quyền quyết định và công bố mức lương tối thiểu ngành, lương tối thiểu vùng, nhưng trên thực tế thì chưa được xây dựng và áp dụng. Trong khi đó ở nước ta, sự khác nhau về yếu tố địa lý, kinh tế, xã hội giữa các vùng và điều kiện lao động, doanh thu giữa các ngành là khá rõ ràng.
Cơ sở và phương pháp xây dựng tiền lương tối thiểu chưa được luật hoá một cách rõ ràng. Cải cách chính sách tiền lương chủ yếu dựa trên các đề án của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Cho nên ít người lao động hiểu được tại sao tiền lương tối thiểu lại được quy định như thế, có phù hợp với quyền và nghĩa vụ của mình không.
Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu ở nước ta hiện nay không tuân theo quy luật vốn có của nó khi giá cả thay đổi thì chưa chắc tiền lương tối thiểu đã được thay đổi, mà nếu có thay đổi thì mức lương mới vẫn ở mức thấp so với
điều kiện thực tế. Điều này xuất phát từ chỗ việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu tạo ra gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Hễ nói đến tăng tiền lương là nói đến cân đối ngân sách. Quan điểm này dẫn đến việc không thực hiện đúng tiến trình cải cách đã đặt ra, làm cho tiền lương bên cạnh guồng máy sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, tiền lương không được coi là động lực để phát huy hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, dẫn đến duy trì mức lương tối thiểu thấp, không gắn với hiệu quả công việc và không kích thích người lao động gắn bó với nghề nghiệp của mình. Quan điểm “ngân sách” bao trùm cả khu vực kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước đã biến tiền lương thành yếu tố đơn thuần của phạm trù phân phối, tách rời các căn cứ của nó là trình độ phát triển sản xuất, năng suất lao động, các lợi thế cạnh tranh, làm cản trở tính linh hoạt của tiền lương trong cơ chế thị trường, không khuyến khích việc sử dụng và bố trí lao động hợp lý, tạo sự chia cắt thị trường lao động giữa các khu vực.
Mặt khác, pháp luật chưa phân biệt sự khác nhau giữa tiền lương tối thiểu của các doanh nghiệp (yếu tố trong chi phí sản xuất, phân phối lần đầu phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp) với tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức (phân phối lại hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng cân đối ngân sách) nên đã đồng nhất tiền lương tối thiểu của cán bộ, công chức với các đối tượng hưởng lương khác nhau trong các quan hệ lao động theo các cơ chế thị trường.
Việc quy định tiền lương tối thiểu trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có lợi và bảo vệ được người lao động trước sức ép về việc làm do cung lớn hơn cầu, trước sự kém hiểu biết của người lao động và kém hiệu quả của tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, sự chênh lệnh của các mức lương giữa các khu vực gây ra sự chia cắt thị trường lao động và gây tổn hại cho các khu vực kinh tế khác nhau. Khi chỉ số giá sinh hoạt tăng lên làm cho tiền lương thực tế của người lao động bị giảm sút. Tuy nhiên, cho đến nay danh mục các hàng hoá tính để xác định mức tăng giá để điều chỉnh lại tiền lương tối thiểu vẫn chưa có.
Cơ chế quản lý tiền lương tối thiểu vẫn mang nặng tính hành chính, chưa tạo điều kiện cho các bên có liên quan. Đến nay, ở Việt Nam chỉ có cơ quan ban hành, chưa có bộ máy chức năng để thanh tra, giám sát và điều chỉnh các mức lương tối thiểu, vì vậy các mức lương tối thiểu vừa lỏng lẻo vừa cứng nhắc.
Việc chậm chạp trong đổi mới chính sách về tiền lương tối thiểu đã tạo nên sự phản ứng của người lao động để bảo vệ quyền lợi cho mình. Điển hình là cuối năm 2005, đầu 2006 vừa qua, hàng chục nghìn công nhân ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã tiến hành đình công để đòi tăng mức lương tối thiểu sau khi Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ra đời tăng mức lương tối thiểu chung. Điều đó đã làm ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt làm ảnh hưởng tới trật tự xã hội và làm thay đổi lộ trình chính sách tiền lương ở nước ta.
Tình trạng vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu ngày càng gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng và phức tạp. Tuy nhiên, ở nước ta vẫn chưa có một cơ chế hợp lý để điều chỉnh vấn đề này, cho nên các tranh chấp về tiền lương tối thiểu thường tồn tại ở dạng tập thể mà chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, cơ chế giải quyết tranh chấp ở nước ta còn nhiều hạn chế và chưa bảo vệ được quyền lợi cho người lao động cho nên họ không sử dụng các con cơ chế khác để bảo vệ quyền lợi cho mình mà đã phải sử dụng “vũ khí cuối cùng” để đấu tranh bằng cách tổ chức các cuộc đình công buộc người sử dụng lao động phải nhân nhượng.
Trên thực tế, thanh tra lao động hoạt động kém hiệu quả, người lao động thì ở thế yếu nên luôn có suy nghĩ “ thà yếu còn hơn không có,” cho nên vi phạm pháp luật thì nhiều mà không bị phát hiện và xử lý. Chẳng hạn Công ty giày Huê Phong (thành phố Hồ Chí Minh ) có tới 6.000 lao động được trả lương chỉ 400.000 đồng/tháng trong suốt mấy năm qua, nhưng mãi tới ngày 13/02/2006 do phản ứng của lao động ở các doanh nghiệp khác, thì khi Chính
phủ ra Nghị định số 03/2006/NĐ-CP, 6000 công nhân này mới tiến hành đình công đòi tăng lương.
Trong 10 năm qua, tỷ giá giữa đồng đôla Mỹ (USD) và đồng Việt Nam (VNĐ) liên tục thay đổi. Trong khi đó, ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài căn cứ để tính tiền lương tối thiểu vẫn giữ giá quy đổi VNĐ với USD của năm 1997 (1 USD = 13.900 đồng ) cho nên dẫn tới tình trạng tiền lương tối thiểu bị giảm sút, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo.
Thực tế ở nước ta là có nhiều doanh nghiệp chưa có công đoàn, nếu doanh nghiệp đã có công đoàn thì thường hoạt động kém hiệu quả, cán bộ công đoàn không đủ năng lực hoặc không dám đấu tranh bảo vệ người lao động, trong một số trường hợp còn vì tư lợi cá nhân mà câu kết với người sử dụng lao động vi phạm pháp luật về tiền lương tối thiểu.