Điều 54 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định:
1. Việc xóa án do Tòa án quyết định, căn cứ vào tính chất của tội đã phạm, vào nhân thân, vào thái độ chấp hành chính sách, pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án, trong các trường hợp sau đây:
a) Đã bị phạt tù đến năm năm về tội đặc biệt nguy hiểm xâm phạm an ninh quốc gia mà không phạm tội mới trong thời hạn năm năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu;
b) Đã bị phạt tù trên năm năm không kể về tội gì mà không phạm tội mới trong thời hạn mười năm, kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu.
2. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án lần đầu phải chờ một năm sau mới lại được xin xóa án. Nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi thì phải sau hai năm mới lại được xin xóa án [6].
Theo quy định trên, người bị kết án sẽ được Tòa án xem xét xóa án khi không phạm tội mới trong một khoảng thời gian nhất định (năm năm hoặc mười năm) kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi việc thi hành bản án đã quá thời hiệu. Tuy nhiên không phải người phạm tội nào cũng được xóa án khi đáp ứng được khoảng thời gian trên, mà khi xem xét xóa án cho người phạm tội, Tòa án còn phải căn cứ vào nhân thân, thái độ chấp hành chính sách, pháp luật và thái độ lao động của người bị kết án. Nhà làm luật cũng dự liệu được trường hợp khi người phạm tội chưa đáp ứng được đầy đủ những điều kiện của xóa án mà đã xin xóa án. Đó là nếu bị bác đơn xin xóa án lần đầu phải chờ một năm sau mới lại được xin xóa án, nếu bị bác đơn lần thứ hai phải sau hai năm mới lại được xin xóa án.
Vấn đề xóa án theo quyết định của Tòa án là một vấn đề khá phức tạp. Nếu theo Điều 54 và Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1985 thì xóa án do Tòa án quyết định chỉ khác trường hợp đương nhiên xóa án ở điều kiện được xóa án, còn thủ tục để được cấp giấy chứng nhận xóa án theo quy định tại Thông tư số 02 ngày 01/08/1986, hướng dẫn về xóa án, cũng tương tự nhau, chỉ khác ở chỗ: Trong quá trình giải quyết, việc ra quyết định xóa án được tiến hành chặt chẽ hơn, gần giống như thủ tục giải quyết một vụ án hoặc quyết định miễn, giảm, tạm đình chỉ thi hành hình phạt tù. Đó là, khi người bị kết án đã có đủ điều kiện được xóa án, phải làm đơn xin xóa án và các giấy tờ chứng nhận theo quy định. Nếu Chánh án tòa án có thẩm quyền thấy hồ sơ đã đầy đủ thì chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn mười ngày, Viện trưởng Viện kiểm sát phải có ý kiến và gửi trả hồ sơ cho Tòa án. Sau khi Chánh án quyết định (xóa án hay không xóa án) thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu quyết định của Chánh án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm thì có thể kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm. Thông tư số 02 không quy định cho người có đơn xin xoá án được đốcng cáo theo thủ tục phúc thẩm nếu như họ không đồng ý với quyết định của Chánh án, nhất là đối với những quyết định bác đơn xin xóa án.
Như vậy, thủ tục xóa án do Tòa án quyết định gần giống như thủ tục giải quyết một vụ án "vụ án xóa án". Nếu như tất cả những người có đủ điều kiện xóa án đều làm đơn xin xóa án thì số lượng công việc của các Tòa án sẽ quá tải. Nhưng trên thực tế, số
người xin xóa án là rất ít, có những Tòa án trong một năm không giải quyết trường hợp xóa án nào.