Dựa vào tiêu chuẩn đánh giá chất lượng câu hỏi trắc nghiệm và đề thi trắc nghiệm như đã trình bày ở mục III chương I phần nội dung ta thấy :
- Bài trắc nghiệm trong đề có giá trị và đáng tin cậy.
- Hệ thống 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn trong đề tài đều có giá trị.
Tuy nhiên, khi dùng các câu hỏi này vào việc kiểm tra mức độ hiểu bài của học sinh sau khi học xong chương các định luật bảo toàn hoặc các kỳ thi học kỳ thì người sử dụng nếu muốn thì có thể trau chuốt thêm các câu hỏi bằng cách chỉnh sửa lại các câu mồi có mức xác suất là NS và các câu mồi có hệ số tương quan điểm nhị phân có giá trị gần bằng không.
TIỂU KẾT
Nội dung chủ yếu trong chương này là trình bày về việc tổ chức thực nghiệm sư phạm và xử lí kết quả thực nghiệm sư phạm. Kết quả là: bài trắc nghiệm trong đề tài có giá trị và đáng tin cậy, hệ thống 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn đều có giá trị.
Dựa vào các số liệu thu được, các câu hỏi được phân tích một lần nữa và đảm bảo được các yêu cầu sau :
¾ Phân tích từng lựa chọn.
¾ Tần số và tỉ lệ các lựa chọn có phù hợp không?
¾ Hệ số tương quan điểm nhị phân của các lựa chọn cáo phù hợp hay không? ¾ Mức xác suất của các lựa chọn có tốt không?
¾ Độ khó của bài có phù hợp không?
PHẦN III : KẾT LUẬN
Trong giai đoạn hiện nay hầu hết các trường phổ thông trung học đều đã đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh dưới hình thức cho học sinh làm bài kiểm tra trắc nghiệm khcách quan. Đặc biệt là trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học _ cao đẳng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo đã áp dụng hình thức thi bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan cho thấy sự quyết tâm cao của ngành trong việc đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Trước tình hình đó, yêu cầu đặt ra cho người giáo viên là phải biết cách soạn thảo, đánh giá và chọn ra câu hỏi trắc nghiệm khách quan có giá trị để phục vụ cho công việc giảng dạy và giáo dục học sinh, giúp học sinh làm quen với phương pháp học tập theo xu hướng mới đồng thời rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích câu hỏi, kỹ năng làm bài trắc nghiệm, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh có chất lượng và hiệu quả. Từ đó cho thấy việc áp dụng hình thức kiểm tra và thi bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan cho các môn học nói chung và môn vật lý nói riêng là điều cấp thiết và hợp thời đại.
I. Những kết quảđạt được của việc nghiên cứu đề tài
Qua quá trình nghiên cứu đề tài "nghiên cứu xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn chương các định luật bảo toàn trong chương trình vật lý lớp 10" tôi đã đạt được một số kết quả sau:
Nhận thức của bản thân từ quá trình nghiên cứu đề tài
- Đề tài là cơ sở lý thuyết về vai trò của phương pháp trắc nghiệm khách quan trong dạy học và tại sao phải dùng phương pháp trắc nghiệm khách quan trong việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, từ đó thấy được tầm quan trọng của việc áp dụng phương pháp trắc nghiệm khách quan trong dạy và học các môn học nói chung và môn vật lý nói riêng. Ngoài ra, đề tài còn giúp cho người đọc làm quen với phương pháp đo lường trong giáo dục mà cụ thể là phương pháp trắc nghiệm khách quan trong kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.
- Đề tài chỉ nghiên cứu trong phạm vi một chương của môn học vật lý lớp 10, kết quả đã chọn ra được 20 câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn đúng với dự kiến ban đầu đã đề ra. Trong chương các đinh luật bảo toàn gồm có 5 bài với 7 đơn vị kiến thức đó là : xung lượng, động lượng (bao gồm cả định luật bảo toàn động lượng, va chạm đàn hồi và không đàn hồi, chuyển động bằng phản lực), công , công suất, động năng, thế năng, cơ năng. Mỗi đơn vị kiến thức đều có mục tiêu cần đạt được ở các mức độ khác nhau và các câu hỏi được soạn đều dựa trên mục tiêu ấy, các lựa chọn của mỗi câu đều được phân tích và sau khi thực nghiệm các câu hỏi đều được phân tích thêm một lần nữa để xem câu hỏi đưa ra có giá trị hay không? Kết quả là 20 câu hỏi này đều có giá trị.
- Do thời gian để làm một câu hỏi trắc nghiệm của học sinh là rất ngắn nên trong đề tài này về phần bài tập tôi chỉ chọn những câu hỏi nhỏ học sinh chỉ cần nhớ công thức và biến đổi qua vài bước trung gian đơn giản, thay số vào là có thể tìm ra được kết quả. Nhưng để phân biệt được trình độ nhận thức của học sinh thì tôi có đưa vào những câu hỏi bài tập đòi hỏi học sinh phải tư duy, phải có định hướng trước khi giải bài tập và có vài câu học sinh phải nhớ lại một số kiến thức cơ bản ở những chương trước mới có thể giải được. Đây là những câu hỏi để phân biệt học sinh khá – giỏi.
- Qua việc nghiên cứu đề tài tôi được tiếp cận và hiểu rõ hơn về kỹ thuật xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Đó chính là cách thức xây
dựng, cách viết câu hỏi, cách trình bày và chấm một bài trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn (cụ thể là câu hỏi trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn mà tôi đã xây dựng). Đồng thời trải qua công việc thực nghiệm tôi đã biết được công việc cụ thể của người giám thị khi tiến hành coi kiểm tra bằng phương pháp trắc nghiệm khách quan. Đây có thể nói là một kinh nghiệm vô cùng quý giá đối với công tác giảng dạy của tôi sau này.
- Hiểu được phương pháp xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, cụ thể là các ưu và nhược điểm của từng loại câu trắc nghiệm từ đó vận dụng linh hoạt vào từng trường hợp cụ thể để đạt kết quả tốt nhất.
- Biết cách soạn và đánh giá câu hỏi trắc nghiệm và bài trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn từ đó chọn ra những câu hỏi có giá trị góp phần nâng cao chất lượng dạy và học cụ thể là ở trường phổ thông.
- Hiểu được phương pháp lý luận của vấn đề nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên do thời gian nghiên cứu có giới hạn và với cương vị là một sinh viên trình độ nhận thức cũng như kinh nghiệm còn hạn chế nên:
- Trong quá trình soạn thảo chưa qui hoạch được tốt bài trắc nghiệm và chưa phân tích tốt nội dung chương các định luật bảo toàn, kết quả là số lượng câu hỏi được chọn trong đề tài tuy đạt đúng theo dự kiến đề ra nhưng còn ít so với số câu hỏi trắc nghiệm được đem đi thực nghiệm (40 câu) và một số câu hỏi ở mức độ trí lực có độ khó chưa phù hợp, câu hỏi ở mức độ biết (hiểu) lại có độ khó nhỏ hơn các câu hỏi ở mức độ hiểu (vận dụng)...
- Do điều kiện không cho phép tôi chưa có điều kiện thực nghiệm bài trắc nghiệm với số lượng học sinh đủ lớn có trình độ ngang nhau ở các lớp khác nhau hay ở các trường khác nhau nên các kết quả thu được chỉ có tính tương đối.
Sau khi ra trường, nếu có điều kiện nghiên cứu sâu hơn tôi sẽ khắc phục được một phần nào đó những nhược điểm trên, từ đó sẽ lựa chọn được nhiều câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn tốt hơn cả về mặt số lượng và chất lượng.
Nhận thức của bản thân sau quá trình thực nghiệm sư phạm
Soạn các câu hỏi trắc nghiệm khách quan để áp dụng vào việc kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh là một công việc không đơn giản, đòi hỏi phải nghiên cứu thật sâu, thật kĩ kiến thức, câu hỏi phải phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh nhất là những học sinh trung bình.
Ngoài ra, phương pháp trắc nghiệm khách quan còn giúp cho tôi phân loại được trình độ học sinh, đồng thời rèn luyện cho học sinh tính cẩn thận, tỉ mỉ, khả năng phân tính, nhận định tình huống và khả năng làm việc nhanh chóng, chính xác... hiểu chính xác kiến thức vật lý trên cơ sở khoa học. Từ đó, tôi có thể đề ra những phương pháp cơ bản để giải quyết những vướng mắc có khả năng gặp phải khi tiến hành phương pháp trắc nghiệm khách quan.