Thành phố Đà Nẵng, điều kiện tự nhiên và những giá trị lịch sử văn hóa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay pptx (Trang 35 - 39)

thực trạng và những vấn đề đang đặt ra hiện nay

2.1. Thực trạng môi trường văn hóa ở thành phố Đà Nẵng thời gian qua

2.1.1. Thành phố Đà Nẵng, điều kiện tự nhiên và những giá trị lịch sử - văn hóa hóa

Nằm ở trung độ Việt Nam, nối liền hai đầu đất nước (cách Hà Nội 759 km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 917 km về phía Nam), thành phố Đà Nẵng hiện nay có diện tích tự nhiên 1.248,4 km2, dân số 716.281 người (năm 2000); bao gồm 7 đơn vị hành chính, trong đó có 5 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) và 2 huyện (Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa) [11, tr. 29]. Là một địa bàn có vị trí rất quan trọng về chiến lược quốc phòng, kinh tế, văn hóa và giao lưu quốc tế, hội tụ nhiều điều kiện về cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội tương đối phát triển, Đà Nẵng được xác định là trung tâm kinh tế hàng đầu của khu vực, đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Môi trường sinh thái nhân văn của thành phố Đà Nẵng là sự hội tụ đầy đủ các yếu tố của một nước Việt Nam thu nhỏ: có vùng biển, hải đảo, bán đảo (có bờ biển đẹp trải dài hơn 30 km, mặt biển rộng hàng trăm hải lý, tiếp cận hải phận quốc tế có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển và khai thác dầu mỏ); có vùng núi, trung du, đồng bằng (có nhiều điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp, vườn rừng, chăn nuôi); có đô thị lớn với những quân cảng, thương cảng, sân bay quốc tế, hệ thống bưu chính viễn thông hiện đại và một hệ thống giao thông thủy, bộ, đường sắt chạy suốt chiều dài, rộng của địa phương (có nhiều tiềm năng để phát triển thương nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch...).

Đây là địa danh từng được công nhận là "núi non hùng vĩ", "phong cảnh hữu tình". Từ đỉnh đèo Hải Vân (vốn được mệnh danh Hải Vân đệ nhất hùng quan, cao gần

1000m) trải dài xuống chân núi phía Nam, suốt ven bờ một vùng vịnh lớn tàu thuyền tấp nập, nơi có cửa con sông Hàn uốn khúc ngoạn mục, ôm lấy cánh cung cảng biển Tiên Sa, với "bức bình phong" tự nhiên bán đảo Sơn Trà xanh ngắt, cao gần 700 m án ngữ ở phía Đông. Đây cũng là khởi điểm của những bãi biển (Mỹ Khê, Non Nước...) xanh ngắt, mơ mộng, mịn màng và trong sạch nhất nước. Phía Nam thành phố là danh thắng Ngũ Hành Sơn nổi tiếng, với 5 hòn núi (đủ cả kim, mộc, thổ, thủy, hỏa) có những hang động, nhũ đá đẹp mê hồn, gắn với những câu chuyện huyền tích xa xưa, say đắm lòng du khách bốn phương. Ôm gọn phía Tây thành phố là dãy Trường Sơn trùng điệp, cảnh sắc sinh động, với hơn 35 nghìn ha rừng là lá phổi quan trọng của thành phố. Nơi đây còn có một điểm du lịch sinh thái Bà Nà có cảnh quan hùng vĩ, đa dạng sinh học, khí hậu ôn hòa như Sa Pa, Đà Lạt nổi tiếng trong cả nước. Từ đây nhìn xuống, thành phố như một hình cánh cung, được ôm ấp bởi màu xanh bất tận của ruộng vườn, cây trái, kiêu hãnh hướng mặt ra biển Đông đón nhận những ngọn gió trong lành. Đây còn là giao điểm nối liền các Di sản văn hóa thế giới nổi tiếng ở khu vực Trung Bộ: về phía Bắc hơn 70 km là di sản Cố đô Huế, về phía Tây Nam 70 km là quần thể di tích Thánh địa Mỹ Sơn, về phía Nam 30 km là Đô thị cổ Hội An; là điểm nút giao thông quan trọng nối liền Bắc - Nam, Đông - Tây trong chiến lược phát triển của đất nước cũng như của khu vực Đông Nam á...

Bên cạnh những giá trị tiêu biểu về mặt sinh thái nhân văn, Đà Nẵng còn là mảnh đất có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm và truyền thống cách mạng kiên cường, là mảnh đất đã sản sinh ra nhiều giá trị nhân văn, giá trị văn hóa có vị trí hàng đầu ở khu vực miền Trung cũng như cả nước.

Trong từng khúc quanh của lịch sử dân tộc, Đà Nẵng đã thể hiện mình như một trung tâm của các biến động lịch sử, chính là vị trí trọng yếu của khu vực miền Trung và cả nước. Đây được coi là phần đất đầu tiên của Tổ quốc ở phía Nam luôn quật cường chống sự xâm lược của các thế lực đế quốc phương Tây. Ngày 1 tháng 9 năm 1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha chọn Đà Nẵng làm mục tiêu xâm lược đầu tiên. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Tri Phương, quân dân Đà Nẵng với lòng quả cảm, hy sinh vô bờ bến đã kiên quyết bám trụ đấu tranh trong vòng 1 năm 6 tháng, làm thất bại ý đồ và kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải rút khỏi Đà Nẵng. Ngày 8 tháng 3 năm

1965 hải quân lục chiến Mỹ cũng chọn Đà Nẵng làm nơi đổ bộ đầu tiên để mở rộng cuộc chiến tranh đẫm máu xâm lược miền Nam nước ta. Cùng sát cánh với quân dân Quảng Nam, quân dân Đà Nẵng đã kiên cường chiến đấu, gây cho chúng những tổn thất nặng nề, tạo nên truyền thống "Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ". Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, nơi đây đã từng chịu nhiều đau thương, mất mát, nhưng cũng thật quật cường, bất khuất trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm.

Đà Nẵng là nơi phát sinh và hội tụ các danh sĩ, sĩ phu yêu nước, các phong trào chống xâm lược mà tên tuổi của nó gắn liền với tên tuổi của các trí thức tầm cỡ quốc gia như: Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phạm Phú Thứ, Thái Phiên, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... Tiếp nối truyền thống đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Đà Nẵng đã viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hơn 6 vạn người con ưu tú của quê hương đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Những tấm gương tiêu biểu như Mẹ dũng sỹ Thanh Khê (mẹ Nhu), Lê Độ, Phan Hoành Sơn... tiếp tục tô thắm truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của người dân trên mảnh đất này.

Quảng Nam, Đà Nẵng xưa còn nổi tiếng về truyền thống hiếu học, thông minh với truyền thuyết "ngũ phụng tề phi", "tứ hổ", "tứ kiệt", "ngũ tử đăng khoa", vùng đất đã từng mang địa danh "Địa linh nhân kiệt" sản sinh ra bao lớp người hào kiệt, trí dũng. Các trí sĩ tài danh (tiến sĩ: Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng; phó bảng: Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu; hoàng giáp: Phạm Như Xương) không chỉ là những nhà khoa bảng đỗ đạt cao mà còn là những nhà yêu nước lỗi lạc, có nhiều đóng góp cho đất nước. Ngày nay, đội ngũ trí thức ưu tú của thành phố có mặt khắp nơi trên cả nước đảm nhận những trọng trách quan trọng và ngay trên địa phương mình, họ đang trở thành lớp chủ nhân tương lai xây dựng quê hương giàu đẹp. Đây là truyền thống quý báu được mãi lưu truyền trở thành ngọn đuốc sáng cho mọi thế hệ noi theo.

Môi trường văn hóa truyền thống ở thành phố Đà Nẵng được sinh thành từ bản chất thuần hậu, tư chất thông minh của người dân xứ Quảng vốn đã được nuôi dưỡng, đào luyện bởi MTTN tràn đầy sóng gió, MTXH trong sạch, lành mạnh. Triết lý sống khẳng khái, nhân văn của người dân nơi đây tạo dựng nên một nền văn hóa giàu sức sáng tạo, vừa cứng cỏi,

tao nhã vừa in đậm tính nhân văn. Sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 5, tờ 9 đã nhận xét về con người nơi đây: "...Đàn ông lo việc cày ruộng, đàn bà lo việc nuôi tằm, dệt lụa, núi sông hùng vĩ nên con người tư chất thông minh, kẻ sĩ có lòng trung thực, lời nói ngang nhiên, thẳng thắn, tính người nóng nảy ít trầm tính, nhưng thật thà, chất phác, phong tục tiết kiệm" [10, tr. 27]. Đây chính là chủ nhân của một di sản văn hóa vật chất và tinh thần hết sức đa dạng, phong phú. Đó là các loại hình nghệ thuật tuồng, dân ca bài chòi, hát ru, hò khoan; các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, tín ngưỡng, lễ hội...đậm đà bản sắc dân tộc còn được lưu giữ và bảo tồn khá nguyên vẹn cho tới hôm nay. Các làng nghề truyền thống đá mỹ nghệ Non Nước, dệt chiếu, đan lát Yến Nê... ghi dấu ấn sáng tạo, tài hoa của các thế hệ đi trước.

Tuy là một trong những thành phố diễn ra quá trình đô thị hóa (ĐTH) sớm nhất ở nước ta, lại trải qua nhiều biến động lịch sử dữ dội, người dân Đà Nẵng vẫn giữ được truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, tinh thần đoàn kết cộng đồng, tương thân tương ái keo sơn, bền chặt, lòng nhân ái, nghĩa tình, thủy chung son sắt... Đây là môi trường hết sức thuận lợi để xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, văn minh.

Tiếp nối truyền thống đó, trong hơn 25 năm qua thành phố Đà Nẵng đã tạo ra những bước chuyển biến quan trọng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) trong thời kỳ 1997 - 2000 bình quân năm tăng 10,19% (bằng 1,47 lần so với mức bình quân chung cả nước). Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 18,96%; dịch vụ tăng 6,95%; nông - lâm - thủy sản tăng 3,83%.

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đáng kể theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tương đối tỷ trọng nông nghiệp, phù hợp với xu thế chung của cả nước và các đô thị lớn. Tỷ trọng công nghiệp trong GDP từ 35,31% năm 1997 tăng lên 40,75% năm 2000; tỷ trọng dịch vụ đạt 51,7%; nông - lâm - thủy sản từ 9,7% giảm xuống 7,6% [14, tr 12]. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, tiện nghi phục vụ sinh hoạt và nhu cầu hưởng thụ ĐSVH tinh thần được cải thiện rõ rệt... Thành phố Đà Nẵng đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại - một trung tâm kinh tế, văn hóa và khoa học - công nghệ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay pptx (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)