Giọng cổ điển, trang trọng

Một phần của tài liệu GIỌNG ĐIỆU THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (Trang 29)

5. Phương pháp nghiên cứu

2.2.2.Giọng cổ điển, trang trọng

Khi thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên trên đất Gia Định, cuộc sống yên bình phút chốc bỗng trở nên hỗn loạn, thay đổi nhanh chóng, biết bao cảnh tượng đau thương trong cơn biến loạn li “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/Dáo dác đàn chim mất tổ bay”, đất Nam bộ ngập tràn trong khói lửa chiến tranh “Trời Gia Định trời chiều rạng ráng, âm hồn theo cơn bóng ác dật dờ; Đất Biên Hòa đêm vắng trăng lờ, oan quỷ nhóm ngọn đèn dầu hiu hắt. An Hà quận đang khi bạch trú, gió cây vụt thổi, cát bụi bay con trốt dậy bên thành. Long Trường Giang mỗi lúc hoàng hôn, khói nước xông

mù, lửa đóm nháng binh ma chèo dưới vực” (Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh). Triều đình lại bạc nhược, bỏ mặc dân tình lầm than, đầu hàng lần lượt cắt đất cho giặc, thì nhân dân miền Nam nói chung và nhân dân lao động nói riêng, dưới sự lãnh đạo của các bậc hào kiệt yêu nước, đã đứng dậy cầm khí giới chống giặc một cách tự nguyện. Trong cảnh đất nước sục sôi máu lửa của chiến tranh, có biết bao hình tượng con người yêu nước đã chiến đấu và hy sinh anh dũng vì nghiệp lớn của dân tộc, từ những người nông dân áo vải cho đến những anh hùng lãnh binh đã sống và chiến đấu bằng tất cả nghị lực, sức mạnh của mình. Nguyễn Đình Chiểu đã dành nhiều trang viết ca ngợi họ với một thái độ chân thành và giọng điệu trang trọng, cảm phục.

Nếu như trước kia, trước nạn ngoại xâm, mỗi khi giai cấp phong kiến đứng ra

lãnh đạo cuộc kháng chiến, nhân dân hào kiệt anh hùng bốn phương tụ hợp lại và làm được những cuộc chiến tranh nhân dân, và đó chính là sức mạnh của các cuộc kháng chiến đời Lý, đời Trần, của Lê Lợi, Nguyễn Trãi hay của Nguyễn Huệ. Nhưng đến cuối thế kỉ XIX, chế độ phong kiến phản động nhà Nguyễn đã trở thành kẻ phản bội, đầu hàng và trong nhân dân nhất là ở Nam bộ, vua quan đã bị lên án nghiêm khắc. Lúc bấy giờ, những nhà nho yêu nước thà chịu mang tiếng nghịch thần đã đứng hẳn vào hàng ngũ của nhân dân để tiếp tục kháng chiến: Đó là Trương Định:

“Giúp đời dốc trọn ơn nam tử, Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần.” (Thơ điếu Trương Định)

Đó là Phan Tòng:

“Viên đạn nghịch thần treo trước mắt, Lưỡi gươm địch khái nắm trong tay.” (Thơ điếu Phan Tòng – Bài I)

Bằng những lời hào hùng, Nguyễn Đình Chiểu đã nêu những tấm gương rực rỡ trong lịch sử, ngợi ca những anh hùng nghĩa sĩ giữ trọn tiết tháo, làm nên những công tích phi thường, những người thà chịu chém chứ không hàng giặc, những người mình đầy máu và thương tích. Nhà thơ đã dành những lời thơ hết sức thiết tha, đạt đến một nghệ thuật lớn về trữ tình và tính anh hùng ca, để ca ngợi, nhắc nhở ghi công trạng của những lãnh tụ nghĩa binh chống pháp:

“Vì nước tấm thân đã nấy, còn mất cũng cam; Giúp người cái nghĩa đáng làm, nên hư nào hại. Rạch Lá, Gò Công mấy trận, người thấy đã kinh; Cửa Khâu, Trại Cá các nơi, ai nghe chẳng hãi

Nào nhọc sức họ tào biên số, lương tiền nhà ruộng, cho một câu hiểu nghĩa lạc quyên;

Nào nhọc quan võ khố bình cân, thuốc đạn ghe buôn, quyền bốn chữ giang thương đạo tải.

Núi đất nửa năm ngăn giặc, nào thành đồng lũy sắt các nơi; Giáo tre ngàn dặm đánh Tây, là ngựa giáp xe nhung mấy cái.” (Văn tế Trương Công Định)

Việc Trương Định không chịu tuân theo lệnh Tự Đức để hàng giặc, trái lại theo đề nghị của nhân dân, tiếp tục phất cao cờ kháng chiến, Nguyễn Đình Chiểu hết lời ca ngợi Trương Định bằng những lời chân thành, nhiệt tình và tràn đầy sự khâm phục toàn vẹn:

Sáu tỉnh còn noi dấu tướng quân…

Giúp đời dốc trọn ơn thiên tử Ngay chúa nào lo tiếng nghịch thần”. (Điếu Trương Tướng quân – Liên hoàn thập nhị thủ - bài II)

Vì nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc mà sẵn sàng tử chiến, những con người anh hùng muôn thưở như Trương Định được nhân dân yêu quý, trân trọng dường nào, nhưng chính những người yêu nước ấy lại bị lên án là phản nghịch, vì sự đầu hàng của triều Nguyễn. Cái chết oanh liệt nhưng bất ngờ của tướng quân họ Trương là một tổn thất lớn đối với kháng chiến. Riêng đối với Đồ Chiểu, sự hy sinh của người anh hùng này là cả một sự đau xót không gì an ủi nổi. Hơn ai hết, Đồ Chiểu đã khóc trước cái tang chung ấy với tất cả tấm lòng thành kính:

“Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng, gặp lúc gian truân;

Đất Gò Công cây cối ủ ê, cảm niềm thần tử, hết lòng trung ái; Xưa còn làm Tướng, giốc rạng giồi hai chữ Bình Tây

Nay thác theo thần, xin dựng hộ một câu phúc thái.” (Văn tế Trương Công Định)

“Tướng quân mất rồi, mấy chỗ nghĩa binh thêm bái xái”, nhưng hình ảnh của họ rất hiên ngang, đẹp đẽ, đi vào lịch sử:

“Làm người trung nghĩa đáng bia son Đứng giữa càng khôn tiếng chẳng mòn Cơm áo đền bồi ơn đất nước

Râu mày giữ vẹn phận tôi con Tinh thần hai chữ phao sương tuyết Khí phách ngàn thu rỡ núi non.” (Thơ điếu Phan Tòng)

Qua nguyên mẫu một Trương Định, Phan Tòng,… Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên hình tượng người sĩ phu tiêu biểu cho cả một tầng lớp kẻ sĩ ưu tú nhất của thời đại lúc bấy giờ. Và đã khẳng định quan niệm về người anh hùng của Cụ Đồ. Người anh hùng trong thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu không nhất thiết phải là những người xuất thân từ tầng lớp cao quý, tầng lớp trên của xã hội. Người anh hùng trong tác phẩm của ông đôi lúc chỉ là những người nông dân bình thường, quanh năm gắn bó với đồng ruộng “cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó”, quen với cái cuốc cái cày nhưng khi có xâm lược, họ hồ hởi xông lên đứng ở vị trí tuyến đầu trong khi trên mình là manh áo vải tay cầm ngọn tầm vông. Chính người nông dân đã cùng các vị lãnh tụ

nghĩa binh lập nên những chiến công lừng lẫy: “Mấy trận Gò Công để tiếng đồn

Dấu đạn hãy chìm tàu bạch quỷ” (Thơ điếu Trương Định)

Và khi các lãnh tụ nghĩa binh hy sinh thì chính họ, những người nông dân lại là những lực lượng kế tục sự nghiệp đấu tranh chống giặc cứu nước:

“Sáu tỉnh còn noi dấu tướng quân” (Thơ điếu Trương Định)

Chính hoàn cảnh lịch sử, và sự gắn bó với nhân dân đã giúp cho Nguyễn Đình

Chiểu nhận thấy được vai trò lịch sử của người nông dân, tái hiện một cách chân thực hình ảnh của họ vào trong văn học. Nguyễn Đình Chiểu đã ca ngợi những nghĩa sĩ nông dân bằng những hình tượng thật chói lọi, bằng những lời văn trang trọng và đẹp

đẽ. Người nông dân đã đứng lên giết giặc cứu nước với đầy đủ sự giác ngộ cần thiết, mà thời đại cho phép. Họ đã bước vào cuộc chiến với tư thế hiên ngang, hăm hở đầy tự tin “nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình”, “Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”. Điều đáng chú ý là họ đã có sự thay đổi thái độ, cách nhìn cách nghĩ về chiến tranh. Nếu như trước kia, trong chiến tranh của vua chúa, họ đã tìm mọi cách lẩn trốn, có người thay tên đổi họ, bỏ quê quán ra đi, thì giờ đây họ rất hăng hái tham gia chiến đấu. Chứng tỏ họ đã có ý thức phân biệt được đâu là chiến tranh phi nghĩa và đâu là chiến tranh chính nghĩa. Càng chán ghét chiến tranh phi nghĩa bao nhiêu thì họ càng hăm hở chiến đấu bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ hạnh phúc của họ. Trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù, họ phải trả bằng máu của mình, biết bao người dân đã ngã xuống để giành lại nền độc lập tự do cho non sông đất nước:

“Gần Côn Lôn, xa Đại Hải, máu thây trôi nổi ai nhìn, Hàng cai đội bậc quản cơ, xương thịt rã rời ai cất?” (Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh) (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nguyễn Đình Chiểu trân trọng, cảm phục cái chết vẻ vang của họ “một trận

khói tan, nghìn năm tiết rỡ”. Cái chết của những người nghĩa binh áo vải là ánh sáng muôn đời của truyền thống đấu tranh của dân tộc mỗi khi có giặc ngoại xâm, bởi họ xem cái chết là sự khẳng định phẩm cách không chịu đầu Tây, “ở với man di rất khổ”, họ nêu cao khí tiết: “thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh”. Cái

chết của họ để tỏ rõ chí khí của người nông dân trước hành vi xâm lược trắng trợn của kẻ thù. Những người nông dân đã cùng nhau đấu tranh vì họ có chung ý nghĩ “thà thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen; thác mà ưng đình miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”. Nguyễn Đình Chiểu đã nâng cái chết của người nông dân thành những lí luận về lẽ sống và cái chết. Điều đó đã làm cho lời văn của ông tuy bi thương nhưng không hề bi lụy.

Giọng thơ trang trọng đó, đã khẳng định hình tượng văn học thành công nhất của Nguyễn Đình Chiểu, có ý nghĩa văn học sử quan trọng bậc nhất, là hình tượng người nghĩa binh, người anh hùng vô danh tiêu biểu cho sức mạnh, cho lòng dũng cảm tuyệt vời và đức hy sinh cao cả, xứng đáng đại diện cho toàn bộ những giá trị tinh thần dân tộc. Nguyễn Đình Chiểu dành trọn cả tấm lòng trân trọng sâu sắc đối với những con người dám sống và hy sinh cho lý tưởng dân tộc. Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu đã dựng được một tượng đài bất tử về người nông dân chống ngoại xâm “sống anh dũng, chết vẻ vang”. Những chứng tích chiến tranh có thể sẽ bị xóa nhòa theo quy luật của thời gian, nhưng tiếng thơm của những người nghĩa sĩ sẽ còn sống mãi trong lòng thương mến, cảm phục của nhân dân qua các thế hệ. 2.2.3. Giọng bi hùng

Sự kết hợp chất giọng bi hùng trong thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu, đã làm

cho giọng thơ hoành tráng mang âm hưởng anh hùng ca, phản ánh được một thời đại lịch sử khổ nhục nhưng vĩ đại của dân tộc ta. Khi viết về những người chiến sĩ nhân dân và những cuộc chiến đấu chống giặc của nhân dân, thì thơ văn Nguyễn Đình Chiểu mang đậm nét hùng tráng như là một hồi kèn xung trận. Ngòi bút đó sắc bén không kém gì khi ông ca ngợi các vị thủ lĩnh của nghĩa binh, cũng như khi ông phê phán kẻ thù.

Nối tiếp truyền thống dùng sức mạnh của ngòi bút làm vũ khí chiến đấu của cha ông ta ngày trước như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Nguyễn Đình

Chiểu đã viết những lời hùng hồn và sắc bén vạch rõ tội ác của quân thù, kết án những hành động phi nghĩa “trời không dung đất không tha” của chúng:

“Từ thưở Tây qua cướp đất, xưng tân trào gây nợ oán cừu. Chẳng qua dân mắc nạn trời, hoài cựu chúa mang lời phản trắc.

Các bậc sĩ nông công cổ, liền mang tai với súng song tâm. Mấy nơi tổng lý xã thôn đều mắc hại cùng cờ tam sắc”.

(Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh)

Gót giày xâm lược của giặc đi tới đâu là nhân dân ta bị dìm vào trong nước sôi lửa bỏng, chịu cơ cực trăm đường nghìn nỗi. Chúng cướp đoạt và bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy, dân lành tan nhà nát cửa:

“Phạt cho đến người hèn kẻ khó: thâu của quay treo; Tội chẳng tha con nít đàn bà: đốt nhà bắt vật

Trải mười mấy năm trời khốn khó, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết, trẻ già nghe nào xiết đến tên.

Đem ba tấc hơi mọn bỏ liều, hoặc sông hoặc biển hoặc núi hoặc rừng, quen lạ thảy đều rơi nước mắt.”

(Văn tế nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh)

Không chỉ thế bọn cướp nước còn lợi dụng tôn giáo và thuốc phiện để đầu độc nhân dân ta:

“Dân mà mê đạo Tây rồi

Nước ngoài muốn lấy, mấy hồi phòng lo Dầu ai tránh khỏi mê đồ

Lại đem nha phiến trao cho hút liền Tới ngày ôm những ống đèn

Nào rồi toan việc đánh phiên dẹp loàn”. (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Nguyễn Đình Chiểu không chỉ vạch trần, lên án một cách quyết liệt những hành động khủng bố dã man, cướp bóc trắng trợn, đầu độc thâm hiểm trên, ông còn thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc qua cách gọi của ông đối với chúng. Bao giờ cũng vậy, nhắc tới bọn cướp nước, Nguyễn Đình Chiểu luôn dành sẵn thái độ căm ghét tột cùng. Ông cho bọn chúng là lũ dê đã xông vào phá phách nhà cửa, vườn ruộng của nhân dân: “Bờ cõi mấy năm từng dọn dẹp

Râu ria một lũ tới xông pha” (Con Dê thi)

Ông gọi bọn chúng bằng những cách gọi thật khinh bỉ, xem chúng như những

con vật: dê, quạ, kiến, chó … thậm chí là lũ quỹ trắng, lũ mọi… Lòng căm thù lên cao đến mức: “Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan;

Ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ.” (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Càng căm hờn bọn đế quốc xâm lược thì không thể nào quên nỗi căm hờn đối với bọn tay sai bán nước:

“Liu riu rừng quạnh nghe chim hót, Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi’. (Nước lụt thi)

Bọn vua quan hèn hạ, cơ hội, đục nước béo cò, Nguyễn Đình Chiểu gọi chúng là lũ chó ngồi “lổm xổm giường cao”, những “đấu bèo vô dụng”,… Ông đã lên án

mạnh mẽ việc vua đầu hàng cắt đất cho giặc, đẩy non sông vào cảnh lầm than: Kể từ Thạch Tấn ở ngôi, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

U, Yên mấy quận cắt bồi Khiết đan, Sinh dân nào xiết bùn than,

U, Yên trọn cũng giao bàn về Liêu”. (Ngư Tiều y thuật vấn đáp)

Tình trạng bóc lột áp bức nhân dân, sự thối nát của triều đình đã bị ông thẳng tay vạch mặt:

“Muôn dân ép ráo mỡ dầu,

Ngày trau khí giới, tháng xâu điện, đài, Thêm bầy gian nịnh chen vai,

Gây nên mọi rợ từ ngoài lấn trong.” (Dương Từ - Hà Mậu)

Điều đó cho thấy lần đầu tiên trong lịch sử, một kẻ thù mới mẻ của dân tộc đã bị chỉ tên vạch mặt với sự phẫn nộ ngùn ngụt, bọn người bán nước và lũ cướp nước được ví với đầy đủ những thứ mạt hạng.

Lời thơ của Nguyễn Đình Chiểu không chỉ lên án tố cáo tội ác của giặc, mà qua đó nhà thơ đã thể hiện nỗi đau buồn của người trí thức trước cảnh đất nước sa vào tay giặc. Nguyễn Đình Chiểu đã hình dung nạn ngoại xâm đang dày xéo quê hương đất nước mình như một nạn lụt lớn. Đứng trước cái tai nạn ghê gớm ấy, ông đã phải kêu lên một cách thống thiết:

“Trời mưa từng trận gió tưng hồi Bốn mặt giang sơn ngập cả rồi”

Trong cảnh lụt lội này, dân đen thì chìm đắm, còn lũ chó thì ngồi lổm nhổm ở

giường cao, ai là người đến cứu vớt nhân dân? Lòng yêu nước và căm thù của Nguyễn Đình Chiểu lúc này đã lộ ra trong nỗi buồn day dứt không nguôi. Không buồn làm sao được khi quân thù vẫn chiếm cứ từng mảnh đất của Tổ quốc thân yêu, bao chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống, mà triển vọng của kháng chiến vẫn mờ mịt. Chung quanh ông tất cả đều ảm đạm đau thương. Từ cây cỏ, núi non, chim đá mọi thứ đều kêu cứu, kêu đau “…Líu lo chim hót trên cành/ Như tuồng kẻ mách tình hình dân đau…” . Những vùng quê của đất nước đâu đâu cũng “sầu giăng”, biết bao cảnh xơ xác điêu tàn làm lòng người xót xa:

“Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng, Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ”. (Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc)

Chiến tranh bao giờ cũng gắn liền với sự mất mác, hy sinh nhưng nạn nhân của

những cuộc chiến tranh bảo vệ chính nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược, không phải chỉ riêng những nghĩa quân chết trận, mà còn là sự đau xót “não nùng” của những người thân của họ. Nguyễn Đình Chiểu đã phát họa đặc sắc nỗi đau vô hạn những người mẹ, người vợ nơi quê nhà:

“Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ”.

Một phần của tài liệu GIỌNG ĐIỆU THƠ VĂN NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU (Trang 29)