Những khó khăn, tồn tại

Một phần của tài liệu Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hoá - Thực tiễn áp dụng tại công ty cổ phần công nghiệp dịch vụ Cao Cường (Trang 72 - 77)

I. TỔNG QUAN VỀ CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHIỆP DỊCH VỤ CAO

2. Những khó khăn, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, công việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá của công ty cổ phần công nghiệp dịch vụ Cao Cường vẫn còn một số khó khăn cần khắc phục.

2.1. Những hạn chế do những quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại mang lại

Thứ nhất, Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (25/8/1989) ra đời được coi là một bước tiến đáng kể trong quá trình xây dựng và ban hành chế độ pháp lý về hợp đồng kinh tế ở Việt Nam. Sau Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế có Bộ luật Dân sự 1995 và Luật Thương mại 1997 cùng tham gia điều chỉnh các quan hệ hợp đồng kinh tế. Nhưng trong ba văn bản này thì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế được áp dụng nhiều nhất khi các bên viện dẫn văn bản pháp luật để điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá, rất ít trường hợp các bên căn cứ vào Luật Thương mại. Còn trong thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp kinh tế thì rất ít khi toà án viện dẫn đến các quy định của Luật Thương mại 1997.

Khi Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 được Quốc hội thông qua và ngày 1/1/2006 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế hết hiệu lực. Nhưng trên thực tế trong những tháng đầu của năm 2006 nhiều doanh nghiệp khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá vẫn căn cứ vào pháp lệnh Hợp đồng khinh tế 1989. Đây có thể nói là một thói quen trong lựa chọn luật áp dụng, mà cũng có thể nói các doanh nghiệp vẫn thích một luật (pháp lệnh), một nghị định, một thông tư để điều chỉnh một lĩnh vực quan hệ pháp luật, mà ở đây là quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá. Doanh nghiệp chưa quen kiểu có một luật khung (Bộ luật Dân sự) và một luật điều chỉnh (Luật Thương mại).

Thứ hai, khi xây dựng, soạn thảo Bộ luật Dân sự 2005 và Luật thương mại 2005, các nhà làm luật có kỳ vọng là đảm bảo sự thống nhất giữa hai văn bản pháp luật đó. Thực tế cho thấy, các quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 trong một mức độ nào đó đã đáp ứng được điều đó. Tuy nhiên, giữa Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 tồn tại một số mâu thuẫn giữa hai văn bản pháp luật đó, điển hình là các quy định về phạt vi phạm, Khoản 2 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2005 quy định:" Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận" và không giới hạn mức phạt vi phạm tối đa. Trong khi Điều 301 Luật Thương mại 2005 lại quy định "Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm".

Sự khác biệt về mức phạt vi phạm dẫn đến sự khác biệt trong việc quy định mối quan hệ giữa phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại. Điểm 2 Khoản 3 Điều 422 Bộ luật Dân sự 2005 quy định rằng "Trong trường hợp các bên thoả thuận phạt vi phạm mà không có thoả thuận về bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải nộp tiền phạt vi phạm". Theo Khoản 2 Điều 307 Luật Thương mại 2005 quy định "Trong trường hợp các bên có thoả thuận phạt vi phạm mà không có thoả thuận bồi thường thiệt hại thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả hai chế tài phạt

vi phạm và bồi thường thiệt hại". Tại sao lại có sự khác biệt giữa các quy định liên quan đến phạt vi phạm trong hai văn bản vừa mới được ban hành? Sự không thống nhất giữa các quy định về phạt vi phạm trong Bộ luật Dân sự 2005 và Luật Thương mại 2005 trong tương lai gần chắc chắn sẽ gây ra cuộc tranh luận liên quan đến việc xác định văn bản nào sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng cụ thể.

Thứ ba, theo quy định của Khoản 3 Điều 31 Luật Thương mại 2005, Luật Thương mại được áp dụng ngay cả khi bên tham gia hợp đồng không vì mục đích sinh lời yêu cầu áp dụng nó. Vậy thì một câu hỏi nữa có thể được đặt ra, nếu cũng trong hợp đồng đó bên tham gia không vì mục đích kiếm lời lựa chọn Trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng đó thì liệu pháp luật có chấp nhận sự lựa chọn đó hay không? Tất nhiên là không. Bởi vì trong hợp đồng ký kết giữa một bên là thương nhân với một bên khác không phải là thương nhân nếu có thoả thuận Trọng tài thì thoả thuận trọng tài đó bị coi là vô hiệu theo quy định của Khoản 1 Điều 10 Pháp lệnh Trọng tài Thương mại 2003 và tranh chấp phát sinh từ những hợp đồng nói trên không thuộc thẩm quyền của Trọng tài.

Trên đây là một số điểm chưa thật thống nhất giữa các văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ hợp đồng thương mại, trong đó có hợp đồng mua bán hàng hoá. Điều này sẽ ít nhiều gây ra khó khăn cho các bên khi tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá.

Dưới đây ta sẽ xem xét những khó khăn của chính bản thân Công ty trong điều kiện thực tế hiện nay.

2.2. Những khó khăn của công ty cổ phần công nghiệp dịch vụ Cao Cường

Thực hiện kinh doanh trong nền kinh tế thị trường tuy có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. Điều dễ nhận thấy trong nền kinh tế thị trường đó là sự cạnh tranh khốc liệt, thương trường được ví như chiến trường. Nếu doanh nghiệp không nhanh nhạy nắm bắt thị trường thì dễ dàng bị thất bại, bị phá sản. Công ty cổ phần công nghiệp dịch vụ Cao Cường là một doanh nghiệp mới được thành lập và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh nên việc thu hút khách hàng lớn gặp khá nhiều khó khăn. Để cho người tiêu dùng biết và quen với sản phẩm của Công ty và để ký được nhiều hợp đồng mua bán hàng hoá, thời gian đầu đôi khi Công ty bỏ qua những quy định của pháp luật. Đó là những quy định về chủ thể hợp đồng, thẩm quyền ký kết, luật áp dụng: Khi ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, đại diện ký kết của Công ty luôn là Tổng giám đốc Công ty. Nhưng bên đối tác ai tham gia ký kết, thẩm quyền, trách nhiệm theo pháp luật lại không được Công ty nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể. Nếu đó là đại diện theo pháp luật thì không có việc gì xảy ra nhưng việc phải bàn là vấn đề đại diện theo uỷ quyền. Như hợp đồng mua

bán hàng hoá mà Công ty ký kết với Công ty cổ phần Sông Đà 12, chi nhánh Hải Dương (địa chỉ: thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) ngày 31/3/2006 có ghi đại diện ký kết hợp đồng là Phó giám đốc Phạm Văn Tán, nhưng lại không ghi đại diện theo uỷ quyền, cũng không có giấy uỷ quyền, vì Phó giám đốc hoàn toàn không phải là đại diện theo pháp luật, nếu là đại diện thì chỉ là đại diện theo uỷ quyền. Khi đàm phán ký kết hợp đồng này, Công ty không hề đề cập hay quan tâm và có thể không xác định được đây là đại diện theo uỷ quyền. Công ty thường có quan điểm rằng không nên đặt vấn đề tìm hiểu về thẩm quyền của bên đối tác, vì làm như vậy là mất lịch sự, không tôn trọng nếu đòi hỏi đối tác của mình đưa ra những chứng cớ xác nhận thẩm quyền của họ. Trong cơ chế thị trường hiện nay, các quan hệ kinh tế rất phức tạp, những hành vi kinh doanh nhiều khi không kiểm soát hết được, ai có thể giám chắc rằng Công ty không bị lừa dối. Bởi vậy, Công ty cần lưu ý đến vấn đề uỷ quyền ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Bởi theo quy định của pháp luật thì hợp đồng được ký kết trong phạm vi uỷ quyền thì người uỷ quyền phải chịu trách nhiệm như chính mình đã ký. Nếu người được uỷ quyền ký vượt quá phạm vi uỷ quyền, thì phần vượt quá phạm vi uỷ quyền bị vô hiệu, do đó việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá mà không chú ý đến uỷ quyền thì có thể gây ra những hậu quả không đáng có, gây thiệt hại lớn đối với Công ty. Cũng may không có tranh chấp từ những hợp đồng như vậy xảy ra. Hay về vấn đề chọn luật áp dụng, đến ngày 1.1.2006 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế hết hiệu lực thi hành, nhưng trong một số hợp đồng mua bán hàng hoá mà Công ty đã ký kết những tháng đầu năm 2006 vẫn thấy phần căn cứ ghi: Căn cứ Pháp lệnh HĐKT, Căn cứ Nghị định số 17/HĐBT ngày 16/01/1990 quy định chi tiết Pháp lệnh HĐKT. Những hợp đồng như vậy chủ yếu được bên khách hàng soạn thảo, Công ty biết như vậy là không đúng nhưng vẫn đồng ý theo ý của bạn hàng, với mong muốn khi thực hiện những hợp đồng như vậy sẽ không có tranh chấp xảy ra. Trên thực tế khi hết thời gian hợp đồng có hiệu lực không có tranh chấp xảy ra thật.

Công ty chưa chủ động tìm kiếm khách hàng, nhất là những khách hàng ở xa, mà phần lớn là do khách hàng tự tìm đến Công ty để ký kết hợp đồng. Điều đó là hết sức thụ động, khiến cho Công ty bỏ qua nhiều cơ hội mở rộng thị trường của mình.

Việc soạn thảo các mẫu hợp đồng mua bán hàng hoá đem lại cho Công ty nhiều tiện ích, nhưng bên cạnh đó là không ít nhược điểm. Đó là sự cứng nhắc, không linh hoạt trong quan hệ hợp đồng. Khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hoá, không phải khách hàng nào cũng muốn tiết kiệm thời gian theo kiểu ký kết hợp đồng trên một hợp đồng đã được soạn thảo sẵn. Bởi vậy, tuỳ từng khách hàng việc sử dụng hợp đồng mẫu mới đem lại hiệu quả ký kết. Việc sử dụng hợp đồng

có sẵn không nêu cao tinh thần trách nhiệm, do đó không phát huy được tính sáng tạo, mày mò tìm hiểu trong công việc, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, tính chuyên môn của công việc đàm phán.

Xem xét các hợp đồng mua bán hàng hoá được soạn thảo sẵn, thì thấy các điều khoản trong hợp đồng còn thiếu tính cụ thể rõ ràng, chưa mang tính ràng buộc chặt chẽ, nếu xảy ra tranh chấp thì thật đáng tiếc vì những điều khoản thiếu tính rõ ràng như vậy. Ví dụ như điều khoản thanh toán trong hợp đồng thường ghi là: "Bên A thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản cho bên B…" mà không quy định đồng tiền thanh toán. Biết rằng trong hợp đồng mua bán hàng hoá trong nước thì đồng tiền thường được sử dụng là VND, nhưng cũng có trường hợp giá của hàng hoá được tính bằng USD, trong trường hợp như vậy thì nên ghi rõ đồng tiền thanh toán, bởi trong tình hình hiện nay khi mà giá cả mọi thứ thay đổi nhanh, sự quy đổi USD sang VND cũng thay đổi từng ngày, có thể hai bên đều hiểu đồng thanh toán là gì nhưng trong hợp đồng mọi điều khoản đều phải rõ ràng. Những quy định về thanh toán như vậy trong hợp đồng mua bán hàng hoá sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính của Công ty, đến kế hoạch thu chi của Công ty, từ đó ảnh hưởng đến tính chủ động về tài chính trong các quan hệ thanh toán, bị động trong hoạt động sản xuất kinh doanh và có thể xảy ra tranh chấp từ sự quy định thiếu cụ thể, rõ ràng ở điều khoản này.

Công ty có số lượng vốn không nhiều và Công ty chủ trương kinh doanh đa lĩnh vực, nên trong quá trình thực hiện hợp đồng của Công ty thì vấn đề nợ quá hạn cũng cần phải được xem xét. Bởi việc để khách hàng chiếm dụng vốn sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của Công ty.

Khi nghiên cứu, tìm hiểu các hợp đồng mua bán hàng hoá đã được ký kết tại Công ty, có một vấn đề rất đáng quan tâm mà không thấy được quy định trong các hợp đồng của Công ty. Đó là việc chuyển giao rủi ro. Chuyển giao rủi ro là một vấn đề rất quan trọng. Nó ràng buộc trách nhiệm của các bên tham gia hợp đồng. Thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm xác định trách nhiệm đối với hàng hoá thuộc về ai, từ đó mà xác định bên nào phải chịu trách nhiệm nếu nỡ có thiệt hại xảy ra. Chính vì không được quy định trong hợp đồng, nên khi có rủi ro xảy ra các bên sẽ đổ trách nhiệm cho nhau làm nảy sinh tranh chấp. Mặc dù trong luật cũng có quy định về thời điểm chuyển rủi ro, nhưng các bên thoả thuận và ghi vào hợp đồng thì sẽ cụ thể và dễ hơn trong việc thực hiện.

Công ty cũng gặp một số khó khăn, hạn chế về vấn đề nhân lực. Mặc dù Công ty đã lựa chọn, tuyển dụng được những cán bộ giỏi, có năng lực chuyên môn cao, tận tâm với công việc, nhưng trình độ của cán bộ công nhân viên trong Công ty còn chưa toàn diện về mặt nghiệp vụ

pháp luật, ngoại ngữ, tin học và kinh nghiệm thực tế. Vì Công ty mới thành lập và đi vào hoạt động được khoảng 5 năm, đội ngũ cán bộ vẫn còn trẻ nên còn thiếu kinh nghiệm. Trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, sự đầu tư của nước ngoài vào nước ta đang diễn ra sôi động như hiện nay thì những hạn chế về nghiệp vụ pháp luật, ngoại ngữ, tin học, kinh nghiệm thực tế là khó khăn lớn trong việc thu hút khách hàng và các đối tác làm ăn.

Đó là một số những tồn tại mà công ty cổ phần công nghiệp dịch vụ Cao Cường cần phải khắc phục trong thời gian tới để công việc ký kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá của Công ty diễn ra thuận lợi hơn và đạt hiệu quả cao trong những năm tiếp theo.

II. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN HỆ THỐNG PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ

Một phần của tài liệu Pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hoá - Thực tiễn áp dụng tại công ty cổ phần công nghiệp dịch vụ Cao Cường (Trang 72 - 77)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(97 trang)
w