PHÂN TÍCH ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG MARKETING THÂM NHẬP THỊ TRƯỜNG THAN NHẬT BẢN CỦA
2.4.2. Những hạn chế:
Bên cạnh những ưu điểm, thành công đã đạt được, ta cũng thấy Coalimex còn tồn đọng những nhược điểm tương đối lớn, có ảnh hưởng trực tiếp tới công việc kinh doanh nói chung và công tác triển khai chiến lược Marketing thâm nhập thị trường than Nhật Bản nói riêng.
Thứ nhất: Coalimex chưa thiết lập được bộ phận tìm kiếm và nghiên cứu thông tin có hệ thống trên thị trường Nhật. Công việc này còn dựa nhiều vào các lực lượng bên ngoài, hay nếu có thì cũng còn mang tính chất manh mún, bị động vào các đối tác. Việc sử dụng các lực lượng bên ngoài, như đã phân tích, vừa có những ưu điểm nhưng lại ẩn chứa những mối đe doạ tiềm tàng. Nếu như công ty quá dựa vào những thông tin do lực lượng này cung cấp mà không sớm thiết lập cho mình một lực lượng riêng để trực tiếp thu thập và nghiên cứu thông tin cho công tác thâm nhập trên một thị trường có quá nhiều đối thủ cạnh tranh này thì những thông tin thu thập sẽ không đảm bảo chính xác, Công ty sẽ không thực sự biết được những khách hàng hiện tại và tiềm năng trên thị trường Nhật của mình muốn gì, nhu cầu cho thời gian tới biến đổi như thế nào và các động thái của đối thủ cạnh tranh ra sao…Nghiên cứu thị trường là công đoạn đầu tiên của chiến lược Marketing, do vậy nếu việc nghiên cứu không chính xác sẽ dẫn tới việc hoạch định sai các chính sách Marketing đồng thời gây nên thất bại cho chiến lược.
Thứ hai: Mặc dù than Anthracite Hòn Gai có nhiều ưu điểm nhưng giá bán còn khá cao so với giá bán của các đối thủ cạnh tranh. Điều này phát sinh từ việc khai thác sàng tuyển, vận chuyển than còn có chi phí khá lớn. Xu hướng cạnh tranh hiện nay trên thị trường không chỉ đơn thuần là chất lượng, mà còn là những giá trị ưu đãi thương mại dành cho các đối tác, trong đó quan trọng nhất là các yếu tố về giá cả. Do bị chi phí cao nên vô hình chung giá than Việt nam bị đội lên rất cao. Đây là một nhược điểm nổi bật, thiết nghĩ Coalimex cần quan tâm chú ý khi tiến hành thâm nhập thị trường than Nhật Bản.
Thứ ba: Hệ thống phân phối còn phụ thuộc nhiều vào các công ty thương mại Nhật bản, do đó nhiều khi công ty không thể chủ động trong vấn đề định giá mà hay bị ép giá. Điều này ngày càng có xu hướng tăng do cạnh tranh trên thị trường than thế giới nói chung và thị trường Nhật Bản ngày càng khốc liệt. Nếu công ty không có chính sách giá hợp lý với các chính sách ưu đãi thoả đáng khác khác thì các hộ tiêu thụ sẵn sàng tìm đối tác khác. Hơn nữa việc xuất khẩu bằng phương thức CIF trên thị trường Nhật Bản còn bị giới hạn nên chưa tăng được lợi nhuận thực tế cho công ty.
Thứ tư: Công tác định vị thị trường và những công tác khác như kiểm soát và điều chỉnh hoạt động Marketing trên thị trường Nhật Bản chưa được thực hiện nghiêm chỉnh, do đó sự phản ứng trước biến động của thị trường còn chậm.
Thứ năm: Trong quá trình kế hoạch chiến lược Marketing của mình, các nhà quản trị Marketing Coalimex chưa thiết lập đầy đủ các bước của một chiến lược Marketing thâm nhập, đặc biệt là công tác Marketing mục tiêu chưa rõ ràng. Mặc dù chính sách giá của Coalimex đã được áp dụng nhưng khả năng cạnh tranh vẫn còn thấp. Khi gặp một đối thủ mạnh hơn thì công ty còn lúng túng. Cũng từ nguyên nhân chưa có một bộ phận chức năng chuyên trách thực hiện các hoạt động Marketing cho nên việc triển khai các phối thức Marketing-mix trên thị trường Nhật bản chưa có tính chuyên nghiệp.
Thứ sáu: Ngân sách Marketing thâm nhập trên thị trường còn cứng nhắc, không linh hoạt theo từng thời điểm.