Cái đói và nỗi ám ảnh “chết đói”.

Một phần của tài liệu Cái đói chủ đề ám ảnh trong các tác phẩm của nhà văn Nam cao (Trang 33 - 45)

Cái đói không chỉ là hiện thực khắc nghiệt thường ngày đang hành hạ bao con người đang trong tình trạng sống dở, chết dở, mà còn trở thành nỗi ám ảnh chết đói. Nhiều nhân vật của Nam Cao bất kể lúc nào cũng sợ chết đói. Trước một cơn bão đang vần vũ bên ngoài, những người nông dân lo sợ chết đói. Thậm chí “ ngay trong những căn nhà vững chãi, người ta cũng thức. Người ta thở dài, người ta chép miệng, rên lên như người sốt rét. Người ta lo chết đói. Lúa lớp này đang dở. Cây cối mà trận bão trước còn để sót vừa mới hơi lại. Trận này nữa là không còn một giống cây gì còn sống nổi. Rồi đây vườn sẽ chỉ còn đất trắng, củ chuối mà ăn cũng không còn nữa. Nhà nào nhà ấy, lại sắp sửa xem có thể đi nơi nào được, thì vợ chồng con cái bồng bế nhau mà đi”( Làm tổ )

Cái chết nào cũng đáng sợ, nhưng đối với các nhân vật của Nam Cao, kiểu chết đáng sợ nhất là chết đói. Hài trong Quên điều độ dù ốm yếu, nhưng anh ta tự nhủ: “ Thà cứ làm việc cho chết quách”. Bởi vì “ hắn không dạy thì chết đói. Thiếu gì kẻ chẳng lấy gì làm can đảm phải bán dần sự sống đi để giữ cho mình khỏi chết. Có lẽ chết đói là một cách chết mà chúng ta sợ nhất trong bao nhiêu cách chết. Ta có thể liều chết mà kiếm ăn”.

Những suy nghĩ này được thể hiện dưới dạng lời văn nửa trực tiếp. Đó là suy nghĩ của Hài, của người trần thuật và của tất cả “chúng ta”.

Ám ảnh “chết đói” không chỉ biến con người ta thành những kẻ “ liều chết mà kiếm ăn”, đáng sợ hơn, nó làm thui chột những tài năng, nó hủy hoại những ước vọng đẹp đẽ

của con người, biến con người trở thành những kẻ tầm thường. Còn gì đáng buồn, đáng lo hơn khi cuộc sống của con người chỉ thu vào việc làm thế nào để có cái ăn cho khỏi chết đói: “Có thú vị gì là cái lối sống co quắp vào mình, cái lối sống quá ư loài vật, chẳng còn biết một việc gì ngoài cái việc kiếm thức ăn đổ vào cái dạ dày. Có ai muốn gục mặt xuống làm gì? Đau đớn thay cho những kiếp sống khao khát muốn lên cao nhưng lại bị áo cơm ghì sát đất.” Nam Cao đã thể hiện điều đó ở rất nhiều hình tượng. Trong Những truyện không muốn viết, thêm một lần nữa, nhà văn khẳng định nỗi lo lắng, băn khoăn ấy.

Nhân vật “ tôi” trong Những truyện không muốn viết là một văn sĩ. Anh trăn trở, vật lộn giữa một bên là tâm huyết nghề nghiệp, văn chương và một bên là trách nhiệm của một người chồng, người cha. Anh là một người đam mê nghệ thuật, muốn được “ phụng sự nghệ thuật”. Tuy nhiên, đó chưa phải là lí do để anh trở thành một văn sĩ. Quan trọng hơn lí do “phụng sự nghệ thuật” là lí do mưu sinh. Viết gần như là lí do duy nhất anh có thể kiếm được tiền. Động lực này luôn thúc đẩy anh ham viết hơn. Anh bộc bạch: “Giá thử viết mà không được một xu nhỏ thì có lẽ tôi cũng ham vừa vừa thôi”. Gia đình nợ nần, vợ con nheo nhóc là trách nhiệm lớn mà anh phải gánh vác: “Ai chẳng biết: Không có vé sợi cũng không chết đói? Phải, chết thì không chết. Nhưng mà gầy. Tôi, cái ấy đã dĩ nhiên: tôi vẫn gầy. Con tôi thì cũng vậy: bởi nó giống tôi. Nhưng vợ tôi, vẫn có tiếng là phì nộn, lớp này xem ra cũng khô hạc lắm. Ăn đói luôn, còn gì? Tôi nhìn vợ tôi mà thương hại. Tôi an ủi y thế này:

-Thôi, mình ạ. Ta không có sợi thì đi dệt thuê cũng được. Chẳng được cơm thì được cháo. Còn tôi cố cắm đầu viết suốt ngày. Mấy trăm bạc nợ lãi trả hết rồi, chỉ còn xoay gạo ăn thôi thì đỡ lo… Ấy là nói thế, chứ tôi lo làm sao được. Tôi chỉ mặc. Không có tiền thì còn đói. Tôi đói đã quen rồi.” Ám ảnh chết đói đã biến anh thành một người không thể nghĩ được cái gì xa hơn, cao hơn những nhu cầu tối thiểu của gia đình và bản thân: “Trọn đời tôi, tôi chỉ sợ chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến những cái to tát làm sao được? Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong gạo, mua nước mắm và mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang Lùn về cho con”. Lời bộc bạch thật thảm hại, nhưng chính là sự thật của biết bao người thuộc tầng lớp trí thức như nhân vật văn sĩ này. Trí thức phải là những người được nhìn xa, trông rộng, phải có tư tưởng lớn, hành động mạnh mẽ, lỗi lạc, vinh quang, cuộc sống khoáng đạt. Trí thức “không bao giờ thèm mong sau này làm

một ông Phán tầm thường, mắt cận thị và lưng gù, tháng tháng lĩnh lương về nuôi vợ, nuôi con?” (Sống mòn); trí thức không phải đối mặt với những nhu cầu, những lo lắng tủn mủn, vụn vặn; không phải lúc nào cũng lo để dành tiền, phải sống “sẻn so”. Trí thức phải là những “vĩ nhân đem những sự thay đổi lớn lao đến cho xứ sở mình” (Sống mòn). Những ước vọng, lí tưởng đó của Thứ đều ít nhiều có điểm chung với những khát khao của Hộ (Đời thừa), Điền (Giăng sáng). Vậy mà tất cả họ đều đau khổ khi nhận thấy mình là những kẻ vô tích sự.

Hộ trong Đời thừa là một người rất “mê văn”, đã có lần Hộ nói: “Tôi mê văn quá nên mới khổ. Ấy thế, mà tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi, chưa chắc tôi đã đổi. Tôi cho rằng: những khi được đọc một đoạn văn hay như đoạn này, mà lại hiểu được tất cả cái hay, thì dẫu ăn một món ăn ngon đến đâu cũng không thích bằng. Sướng lắm!” Văn chương chính là niềm vui đối với Hộ, anh ta cho rằng không có lạc thú nào để có thể so sánh với văn chương.

Anh không những mê văn mà còn ôm ấp một hoài bão lớn: “Đầu hắn mang một hoài bão lớn. Hắn khinh những lo lắng tủn mủn về vật chất. Hắn chỉ lo vun trồng cho cái tài của hắn ngày một thêm nảy nở. Hắn đọc, ngẫm nghĩ, tìm tòi, nhận xét và suy tưởng không biết chán. Đối với hắn lúc ấy, nghệ thuật là tất cả; ngoài nghệ thuật không còn gì đáng quan tâm nữa.” Anh ta sẵn sàng từ chối công việc kiếm hàng trăm bạc mà chấp nhận viết và lấy năm đồng bạc. Hộ luôn chấp nhận cuộc sống eo hẹp, cực khổ để đeo đuổi nghề viết văn của mình: “Đói rét không có nghĩa lí gì đối với gã trẻ tuổi say mê lí tưởng.” Hộ đã mơ ước về một dự định, hắn cho ra đời một tác phẩm “sẽ làm mờ những tác phẩm khác cùng ra đời một thời”. Hắn tuyên bố: “Rồi các anh xem… Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn giải Nôbel và được dịch ra mọi thứ tiếng trên hoàn cầu!”

Thế nhưng, những hoài bão này không thực hiện được khi cuộc đời của anh ta gắn liền với cuộc đời của Từ. Hộ đã cúi xuống nỗi đau của Từ để mở rộng đôi vòng tay và trước nỗi đau của con người Hộ không thể coi rằng nghệ thuật là tất cả. Vì mục đích của Hộ là phải kiếm tiền bằng cách sáng tác. Cho nên Hộ đã không thận trọng, không nghiêm túc trong yêu cầu của nghệ thuật chân chính, anh phải cho ra đời những bài viết vội vàng và viết những bài báo mà người đọc sẽ quên ngay. Đây là điều đau đớn luôn giằng xé trong

tâm hồn Hộ. Anh luôn cho mình là người thừa, là một kẻ vô ích vì anh không đem lại cho văn chương một điều gì mới lạ. Điều đó dẫn tới việc “người nghệ sĩ trong Hộ dường như đã chết. Thôi thế là hết, ta đã hỏng, ta đã hỏng hết đi rồi.” Đây là tấn bi kịch chính của cuộc đời Hộ. Hộ chỉ còn con đường duy nhất là thoát li vợ con để rãnh ran theo đuổi sự nghiệp, để đạt được “hoài bão lớn lao”, đạt được lí tưởng anh hằn say mê, anh phải gỡ bỏ mọi sự ràn buộc của tình thương. Thế nhưng, kết cục Hộ cũng không thể dứt bỏ được. Anh cho rằng việc thoát li vợ con để tạo cho mình sự rãnh ran là tàn nhẫn, đó là việc vứt bỏ tình thương. “Hộ có thể hi sinh thứ tình yêu vị kĩ nhưng hắn không thể vứt bỏ tình thương , có lẽ hắn nhu nhược, hèn nhát, tầm thường, nhưng hắn còn được gọi là người”.

Đối với Hộ, tình thương chính là tiêu chuẩn để xác định tư cách làm người, và nếu như con người không có tình thương thì con người chỉ là “một thứ quái vật bị sai khiến bởi lòng tự ái”. Cuộc đời tàn nhẫn này đã buộc Hộ đứng trước hai con đường nghệ thuật và tình thương, và anh đã chấp nhận sự hy sinh về mặt nghệ thuật. Anh đã hy sinh lẽ sống thứ nhất để thực hiện lẽ sống thứ hai. Đó là sự hy sinh quá lớn đối với anh. Đây cũng chính là quan điểm nghệ thuật được bộc lộ trong tác phẩm thông qua lời phát biểu của Hộ: “Thế nào là một tác phẩm văn chương có giá trị” và đây chính là cái gốc nhân đạo sâu sắc của nhà văn Nam Cao.

Điền trong Trăng sáng chỉ là sự lựa chọn giữa hiện thực và lãng mạng mà thôi. Anh ta chọn hiện thực còn Hộ thì khó hơn nhiều. Hộ từ bỏ nghệ thuật không phải như từ bỏ một đam mê, cũng không phải như từ bỏ một sở thích. Mà nghệ thuật đối với anh có ý nghĩa lớn hơn nhiều, đó là lẽ sống. Mặc dù anh không phân vân nhiều về sự lựa chọn, nhưng sau lựa chọn đó anh không một phút nào yên tâm thanh thản mà rất đau khổ. Đau khổ này luôn day dẳn trong anh, anh thấy mình như “một người thừa”. Nam Cao đã thể hiện được khá sinh động mối mâu thuẩn giữa những khát vọng chân chính, ý thức sâu sắc về giá trị cuộc sống và nhân phẩm với hoàn cảnh xã hội: “Còn gì đau đớn cho một kẻ vẫn khát khao làm một cái gì nâng cao giá trị đời sống của mình, mà kết cục chẳng làm được cái gì, chỉ những lo cơm áo mà đủ mệt”. Anh suy nghĩ: “Ta đành phí một vài năm để kiếm tiền” nuôi vợ con rồi trở lại với sự nghiệp của mình. Thế nhưng, ước mơ nhỏ bé đó cũng trở nên hảo huyền và đẩy anh vào tình trạng bế tắt. Gánh nặng cơm áo chẳng hề nhẹ đi mà nó cứ nặng thêm mãi: “Đứa con này chưa kịp lớn lên, đứa con khác đã vội ra, mà đứa con

nào cũng nhiều đẹn, nhiều sài, quấy rứt, khóc mếu suốt ngày đêm và quanh năm uống thuốc.” Hộ điên người lên vì phải xoay tiền và tất cả những lo lắng tẹp nhẹp này đã phá vỡ những hy vọng và sự nghiệp Hộ. Đồng thời nó phá hoại luôn sự yên tĩnh, thư thái trong tâm hồn Hộ: “Hắn còn điên lên vì con khóc, mà không lúc nào được yên tĩnh để cho hắn viết hay đọc sách. Hắn thấy mình khổ quá, bực bội quá. Hắn trở nên cao có và gắt gỏng. Hắn gắt gỏng với con, với vợ, với bất cứ ai, với chính mình.” Bi kịch luôn diễn ra với gia đình Hộ, từ bi kịch thứ nhất đến bi kịch thứ hai đã biến Hộ thành một người cáo gắt và có lúc anh trào nước mắt vì nỗi khổ của mình. Qua nhân vật Hộ, ta thấy được tấn bi kịch của người trí thức nghèo có lí tưởng trong xã hội cũ. “Trong những truyện viết về nghề văn, “Đời thừa” là truyện đề cập sâu sắc bi kịch của anh nhà văn trong xã hội cũ, một quá trình suy thoái không cưỡng được của người trí thức trước những khó khăn của đời sống; và từ trên cầu trượt đó, anh ta càng rơi vào hai cái chết, hoặc một cái chết hai mặt: thể xác và tinh thần. Cái chết của anh nhà văn trong Hộ đưa tới cái chết của chính bản thân Hộ. Một cái chết về tinh thần. Nhưng đâu phải không ám ảnh một cái chết theo nghĩa đen, cho Hộ, và cả gia đình Hộ” (Phong Lê – Nam Cao người kết thúc vẻ vang trào lưu văn học hiện thực – Nxb Đhqg, HN, 2003, tr 17).

Giống như Hộ, Điền trong Trăng sáng cũng không một phút nào “không nghĩ đến tiền. Óc Điền đầy những lo lắng nhỏ nhen. Một đôi khi chợt nhớ lại cái mộng xưa, Điền lại thở dài. Điền tự an ủi: có tiền rồi sẽ viết. Nhưng Điền biết chẳng bao giờ Điền viết nữa, bởi chắc chắn là suốt đời Điền cũng không có tiền”. Thứ thì thấy tương lai mình tối sầm: “Y không còn dám nghĩ đến những thú vui, những hy vọng cao xa. Y chỉ còn dám nghĩ đến cơm áo hàng ngày của vợ con. Giả sử như y không đi dạy học thì sao? Cố nhiên là y sẽ phải ăn nhờ vào cơm vợ, cơm con. Nhưng vợ y sẽ làm gì cho cả nhà đủ gạo ăn? Khổ lắm. Nghĩ là cả nhà y sẽ đói, sẽ chết đói nữa là thường lắm.” Cho nên, dù công việc dạy học chỉ có hai mươi đồng Thứ cũng cố gắng “bám vào cái trường” với hy vọng một ngày nào đó Đích sẽ trao lại cái trường cho anh. Khi đó, cuộc sống của gia đình anh sẽ khá hơn, sẽ không còn khổ nữa.Nhưng đến khi chiến tranh bùng nổ, trường bị đóng cửa, Thứ phải về quê ăn bám vợ. Nghĩ thế Thứ thấy nghẹn ngào, uất ức vô cùng! Bởi rồi đây “y sẽ chẳng có việc gì làm, y sẽ ăn bám vợ! Đời y sẽ mốc lên, sẽ gỉ đi, sẽ mòn, sẽ mục ra, ở một xóa nhà

quê. Người ta sẽ khinh y, chính y sẽ khinh y. Rồi y sẽ chết mà chưa làm gì cả, chết mà chưa sống!”

Và San trong Sống mòn đã thay họ để tổng kết một cách đầy đủ nhất về sự ám ảnh “chết đói”. San hằn hộc bảo: “- Kiếp chúng mình tức lạ. Sao mà cái đời nó tù túng, nó chật hẹp, nó bần tiện thế! Không bao giờ dám nhìn cao một tý, chỉ lo ăn, lo mặc. Hình như tất cả nguyện vọng, tất cả mong ước, tất cả mục đích của cuộc đời chúng mình, chỉ là mỗi ngày hai bữa. Bao nhiêu tài trí, sức lực, lo tính đều chỉ dung vào việc ấy. Khổ sở cũng vì thế, nhục nhã cũng vì thế, mỏi mòn tài năng, trí óc, giết chết những mong muốn đẹp, những hi vọng cao xa cũng vì thế nốt. Lúc nào cũng lo chết đói, lúc nào cũng làm thế nào cho không chết đói! Như vậy thì sống làm gì cho cực!”

Nỗi đau đớn, uất ức đó của những người trí thức cũng chính là nỗi đau của Nam Cao trước hiện thực cuộc sống đói khát. Nỗi ám ảnh “chết đói” từ lâu đã tồn tại trong cuộc sống xã hội, và Nam Cao là người đầu tiên phát hiện ra vỉa hiện thực ấy. Đó là một vỉa hiện thực ở chiều sâu, ở tầng chìm mà trước Nam Cao chưa ai khám phá. Đó chính là lí do vì sao nhiều người cho rằng ông là nhà văn có cảm quan hiện thực sâu sắc. Có thể nói, Nam Cao đã theo đuổi quan niệm nghệ thuật của mình một cách xuất sắc. Ông đã nghe được những “tiếng đau khổ” của những “kiếp lầm than”… Ông đã “khơi những nguồn chưa ai khơi”. Đó không chỉ là những gì ông viết về nỗi ám ảnh “chết đói” mà còn về cái đói, cái chết… nói chung. Riêng với nỗi ám ảnh “chết đói”, nhà văn đã mượn diễn biến nội tâm của nhiều nhân vật trí thức để phân tích, để chứng minh hết sức chi tiết, cụ thể, sắc sảo và thuyết phục về sức tác động dữ dội của ám ảnh “chết đói” trong đời sống xã hội, đặc biệt ở phương diện chi phối, ảnh hưởng đến các giá trị tốt đẹp mà con người vẫn hằng vươn tới.

Một phần của tài liệu Cái đói chủ đề ám ảnh trong các tác phẩm của nhà văn Nam cao (Trang 33 - 45)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(70 trang)
w