Hình thức đầu tư và phương thức đầu tư

Một phần của tài liệu PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TIẾN TỚI MẶT BẰNG PHÁP LÝ CHUNG CHO ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC VÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM (Trang 40 - 42)

Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã có những sửa đổi, bổ sung về ba hình thức đầu tư đã được quy định trong Điều lệ Đầu tư nước ngoài năm 1977 theo hướng cụ thể, thực tiễn hơn.

Trên cơ sở hình thức hợp tác sản xuất chia sản phẩm được quy định trong Điều lệ Đầu tư nước ngoài năm 1977, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã hoàn thiện thành hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh và quy định rất rõ đặc trưng cơ bản của nó là các bên cùng góp vốn kinh doanh, sau đó phân chia kết quả kinh doanh mà không thành lập một pháp nhân mới như hình thức liên doanh. Mỗi bên hợp doanh vẫn giữ tư cách pháp nhân của mình, tự quản lý, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo pháp luật của nước mình: Bên hợp doanh Việt Nam thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo pháp luật Việt Nam, Bên nước ngoài thực

hiện nghĩa vụ tài chính theo pháp luật nước ngoài. Có thể nói, đây là hình thức đầu tư được nhiều nhà đầu tư nước ngoài hoan nghênh vì nó rất đa dạng, linh hoạt.

Về hình thức xí nghiệp liên doanh, Điều 2 Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã đưa ra khái niệm doanh nghiệp liên doanh như sau: "Xí nghiệp liên doanh là xí nghiệp do Bên nước ngoài và Bên Việt Nam hợp tác thành lập tại Việt Nam trên cơ sở hợp đồng hợp tác liên doanh hoặc Hiệp định ký giữa Chính phủ Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ nước ngoài".

Từ quy định trên cho thấy, Nhà nước ta cho phép xí nghiệp liên doanh chỉ có hai bên là Bên nước ngoài và Bên Việt Nam; trường hợp có nhiều tổ chức, cá nhân muốn hợp tác đầu tư dưới hình thức này, thì phải thỏa thuận lại thành một bên nước ngoài và một bên Việt Nam để liên doanh với nhau.

Hình thức Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài đã được quy định trong Điều lệ đầu tư nước ngoài năm 1977 với điều kiện chặt chẽ, bắt buộc phải xuất khẩu 100% sản phẩm làm ra. Lúc đó, hình thức này được gọi là: "Xí nghiệp tư doanh chuyên sản xuất hàng xuất khẩu".

Để có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 đã đổi tên lại thành hình thức Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài và quy định tại Điều 14 như sau: "Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được thành lập tại Việt Nam Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài, tự mình quản lý xí nghiệp, chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài, được hưởng quyền lợi và phải thực hiện các nghĩa vụ ghi trong Giấy phép đầu tư. Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam". Theo quy định này, Xí nghiệp 100% vốn nước ngoài không bắt buộc phải xuất khẩu 100% sản phẩm làm ra.

Thực tiễn của nhiều nước đã cho thấy, thành lập Khu chế xuất là một hình thức đầu tư có sức hấp dẫn, thu hút được nhiều vốn đầu tư, tạo được nhiều việc làm, tăng nhanh khả năng xuất khẩu và tác động tích cực tới kinh tế nội địa. Khu chế xuất có một số đặc thù về cơ chế quản lý, nhưng vẫn nằm trong tổng thể của

chính sách đầu tư nước ngoài, chịu sự điều chỉnh của Luật đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Nhà nước ta quy định về Khu chế xuất trong Luật Đầu tư nước ngoài để họ yên tâm đầu tư vào đó.

Do vậy, Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi năm 1992 đã bổ sung Điều 19a như sau: "Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được đầu tư vào các Khu chế xuất tại Việt Nam dưới các hình thức quy định tại Điều 4 Luật này... Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp trong thị trường Việt Nam với các xí nghiệp chế xuất được coi là quan hệ xuất nhập khẩu và theo các quy định của pháp luật xuất nhập khẩu".

Bên cạnh đó, việc xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, như: cầu cống, đường sá, bến cảng, nhà máy cung cấp nước… là ưu tiên hàng đầu của Nhà nước ta. Việc xây dựng kết cấu hạ tầng đòi hỏi số vốn đầu tư lớn, nhưng việc thu hồi vốn lại gặp nhiều khó khăn. Luật Đầu tư nước ngoài (sửa đổi) năm 1992 đã bổ sung Điều 19b như sau: "Các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam xây dựng công trình hạ tầng có thể ký hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao với cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng các quyền lợi và thực hiện các nghĩa vụ quy định trong hợp đồng".

Luật Đầu tư nước ngoài năm 1996 đã bổ sung một số quy định nhằm hoàn thiện hình thức đầu tư, phương thức đầu tư như quy định đa dạng hóa các phương thức đầu tư theo phương thức BOT, BTO, BT; cho phép bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu hợp tác đầu tư với nước ngoài; luật hóa khu công nghiệp, cho phép doanh nghiệp liên doanh được hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để thành lập liên doanh mới.

Một phần của tài liệu PHƯƠNG HƯỚNG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TIẾN TỚI MẶT BẰNG PHÁP LÝ CHUNG CHO ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC VÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM (Trang 40 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w