8. Các quy định khác (Về khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao)
1.2. Xây dựng một hệ thống các quy phạm pháp luật về đầu tư hoàn thiện
Thứ nhất, về hình thức đầu tư, pháp luật về đầu tư ngày càng mở rộng các
hình thức. Nếu thời điểm năm 1996, Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam được coi là khá hoàn thiện khi quy định ba hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài bao gồm: hợp đồng hợp tác kinh doanh, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài thì đến Luật Đầu tư 2005 đã thực sự tạo nên một bước đột phá trong quy định về hình thức đầu tư, bởi hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài không chỉ đơn giản có ba hình thức như trên mà bao gồm hầu hết các hình thức tồn tại của hoạt động đầu tư nói chung ở Việt Nam. Trong mối quan hệ thống nhất với Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Đầu tư cho phép các nhà
đầu tư có thể lựa chọn một cách rộng rãi trong các hình thức doanh nghiệp, hợp đồng có trong nền kinh tế Việt Nam để làm hình thức hoạt động cho dự án của riêng mình.
Kể từ thời điểm 01/07/2006- thời điểm Luật Đầu tư 2005 và Luật Doanh nghiệp 2005 có hiệu lực – các nhà đầu tư nước ngoài, khi tiến hành đầu tư trực tiếp vào Việt Nam có quyền được lựa chọn một trong các hình thức sau để tiến hành dự án đầu tư của mình:
- Các hình thức hợp đồng như: hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng xây dựng, kinh doanh chuyển giao.
- Các hình thức doanh nghiệp bao gồm: doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, các công ty, doanh nghiệp tư nhân.
Thứ hai, về đảm bảo đầu tư và khuyến khích đầu tư, pháp luật Việt Nam
rất chú trọng tới nội dung này.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam các biện pháp bảo đảm đầu tư bao gồm: bảo đảm quyền sở hữu tài sản hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; bảo đảm cơ chế giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động đầu tư; bảo đảm việc chuyển lợi nhuận và thu nhập hợp pháp khác của nhà đầu tư ra nước ngoài; bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư khi có những thay đổi bất thường của chính sách, pháp luật. Bên cạnh các biện pháp bảo đảm đầu tư kể trên, còn có một số biện pháp bảo đảm đầu tư khác do pháp luật quy định. Ngoài ra, với tư cách là thành viên chính thức của diễn đàn hợp tác kinh tế mở APEC, Việt Nam cũng cam kết thực hiện các quy tắc đối sử quốc gia với các thành viên khác trong diễn đàn liên quan đến vấn đề đảm bảo và khuyến khích đầu tư.
Luật Đầu tư 2005 của Việt Nam lấy tiêu chí lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư làm những tiêu chí cơ bản để áp dụng các biện pháp khuyến khích đầu tư. Trên cơ sở xác định lĩnh vực và địa bàn đầu tư của từng dự án mà xác định các ưu đãi cũng như hỗ trợ đầu tư cụ thể. Các biện pháp khuyến khích đầu tư chủ yếu bao gồm: các biện pháp khuyến khích về thuế ( các trường hợp miễn, giảm thuế hoặc áp dụng một cách tính thuế hợp lý hơn); các biện pháp khuyến khích
và hỗ trợ về thủ tục để tiến hành một dự án đầu tư (thời gian, chi phí cho việc đăng ký đầu tư hoặc thành lập các doanh nghiệp); các biện pháp hỗ trợ phát triển trong quá trình đầu tư (hỗ trợ về đào tạo; khuyến khích phát triển); các biện pháp khuyến khích liên quan đến các chính sách sử dụng đất, mặt nước, mặt biển và các nguồn tài nguyên khác (miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển, thuế tài nguyên; ưu đãi liên quan đến thời gian thuê); một số biện pháp khuyến khích khác như việc mở rộng ngành nghề đầu tư hoặc chính sách cởi mở trong vấn đề sử dụng lao động v.v…
Thứ ba, việc nhất thể hóa pháp luật đầu tư ở Việt Nam không chỉ dừng lại
ở chỗ không phân biệt giữa các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài mà còn không phân biệt đầu tư trực tiếp hay gián tiếp, có yếu tố Nhà nước hay không, đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam hay ngoài lãnh thổ Việt Nam đều được thống nhất điều chỉnh bởi Luật Đầu tư 2005. Luật này đã ghi nhận và điều chỉnh một số hoạt động đầu tư trước đây vốn vẫn được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật riêng.
Như vậy, với một hệ thống các quy định ngày càng hoàn thiện, pháp luật về đầu tư của Việt Nam đang tiến gần hơn tới mức tiêu chuẩn của sự phù hợp với xu hướng hội nhập.