(thời kỳ 1975- 1986)
Trong suốt thời kỳ 1975- 1986 số lượng sách xã hội học ở Việt Nam có tăng hơn không đáng kể so với thời kỳ trước 1975 (Trước 1975 = 6 cuốn; 1975-1986 = 8 cuốn). Sách xã hội học thời kỳ này chủ yếu có nguồn gốc từ Liên Xô (cũ) và Đông Âu (5/8 cuốn). Đồng thời xuất hiện một số cuốn xã hội học do chính các tác giả Việt Nam viết (3/8 cuốn) (Chi tiết xem phần phụ lục cuối luận văn). Tuy nhiên sách xã hội học có đề cập đến nội dung xã hội hoá vẫn còn quá ít (01 cuốn). Điều này có thể lý giải bởi một số nguyên nhân sau:
Thứ nhất, thời kỳ 75-86 đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài hơn 30 năm. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Bắc Nam sum họp một nhà, cả nước thống nhất, cùng bắt tay xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên do sai lầm, khuyết điểm của Đảng ta là duy trì quá lâu cơ chế quan liêu bao cấp, chậm đổi mới tư duy kinh tế, kết hợp
với thiên tai, địch họa thường xuyên xảy ra và hậu quả của chiến tranh để lại hết sức nặng nề. Đã làm cho nền kinh tế của nước ta thường xuyên bị khủng hoảng. Đời sống của đại bộ phận nhân dân còn gặp quá nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh ấy, mặc dù Ban xã hội học đã được thành lập năm 1977 (mà sau này là Viện Xã hội học, 1993). Nhưng có thể nói khoa học xã hội học vẫn rất mới lạ ở Việt Nam. Đội ngũ những người làm xã hội học còn rất ít, chủ yếu từ những môn khoa học khác chuyển sang. Mặt khác, nội dung xã hội hoá thường nằm trong phần xã hội học đại cương.
Thứ hai, chúng ta đều biết thời kỳ 1975- 1986 quan hệ giữa Việt Nam và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và các nước Đông Âu, luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta chú ý và quan tâm đặc biệt. Các nước anh em, nhất là Liên Xô giúp đỡ chúng ta về mọi mặt, trên mọi lĩnh vực, trong đó phải kể đến lĩnh vực kinh tế và công tác đào tạo cán bộ. Hàng ngàn cán bộ của chúng ta đã được gửi sang Liên Xô đào tạo về các ngành, (cả khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). Trong số các môn khoa học thuộc khoa học xã hội và nhân văn thời kỳ đó ở Liên Xô, có thể nói xã hội học là môn khoa học tương đối đặc biệt. Bởi lẽ, chính bản thân nó đang phải tự đấu tranh để tồn tại. Có rất nhiều quan điểm khác nhau về khoa học này. Ví dụ, cho rằng đây là khoa học của giai cấp tư sản; hay xã hội học chính là chủ nghĩa duy vật lịch sử thuộc triết học. Thậm chí nhiều khi người ta dùng thuật ngữ “xã hội học” để chỉ các khoa học xã hội. Chính vì vậy, xã hội học gần như không được để tâm nghiên cứu và phát triển. (ngay cả mã số đào tạo riêng của chuyên ngành thời kỳ đó ở Liên Xô cũng không có). Chỉ sau này vào những năm 1990 của thế kỷ 20 xã hội học mới thực sự trở thành một khoa học độc lập và ngày càng có xu hướng phát triển ở những nước này. Vì lý do đó thời kỳ 1975-1986 sách xã hội học ở Việt Nam rất ít. Sách xã hội học có đề cập đến nội dung xã hội hoá lại càng ít hơn (thuật ngữ xã hội hoá thường được nhắc đến trong tâm lý học).
Trong 8 cuốn xã hội học mà tác giả luận văn tra cứu được thời kỳ 1975-1986 chỉ có 1 cuốn đề cập đến khái niệm xã hội hoá, đó là: "Từ điển tóm tắt thuật ngữ xã hội học”do tập thể tác giả của Liên Xô biên soạn, xuất bản tại Liên xô năm 1965, được Viện Thông tin khoa học xã hội Việt Nam dịch và xuất bản năm 1976. Cuốn sách dày 65 trang gồm 119 thuật ngữ, giải thích những khái niệm cơ bản của xã hội học.
Quá trình trưởng thành của cá nhân (cá thể) diễn ra bằng cách khắc phục các mâu thuẫn giữa các giá trị cá nhân và các giá trị xã hội. Phương tiện để khắc phục là cá nhân chiếm hữu các yếu tố văn hoá và tiếp thu các giá trị xã hội. Trên cơ sở đó hình thành các đặc điểm có giá trị xã hội của cá nhân. Xã hội hoá được thực hiện như là quá trình ảnh hưởng của xã hội đối với cá nhân.. trong đó, về phía mình, cá nhân thể hiện mức độ tích cực nào đó [28, tr.63].
Khái niệm xã hội hoá nêu trên đã xác định xã hội hoá là một” quá trình trưởng thành của cá nhân” hay nói cách khác nó chính là quá trình hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người.
Mục đích của xã hội hoá là:” hình thành các đặc điểm có giá trị xã hội của cá nhân”.
Con đường xã hội hoá là, đấu tranh giải quyết mâu thuẫn giữa các giá trị cá nhân và các giá trị xã hội trong con người.
Cơ chế xã hội hoá là, cá nhân “Chiếm hữu” và “Tiếp thu” các giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu tác phong của nền văn hoá mà cá nhân đang tồn tại trong đó. Nhìn chung khái niệm xã hội hoá của các tác giả Liên Xô đã phản ánh được phần nào tính chất hai mặt của quá trình xã hội hoá. Mặt thứ nhất, xã hội tác động tới cá nhân. Mặt thứ hai, cá nhân tiếp thu các giá trị xã hội, tự hoàn thiện mình và tác động trở lại xã hội.
Tóm lại: Giai đoạn trước đổi mới (1986), khái niệm xã hội hoá được trình bày trong các sách xã hội học của các tác giả nước ngoài được dịch và xuất bản tại Việt Nam, về cơ bản là tương đối thống nhất. Đặc biệt lần đầu tiên sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, một dòng xã hội học khác từ Liên Xô và các nước Đông Âu đã chảy vào Việt Nam, được đánh dấu bằng cuốn “Từ điển tóm tắt thuật ngữ xã hội học”.
Tuy nhiên, có thể thấy sách xã hội học của Liên Xô và các nước Đông Âu được dịch và xuất bản tại Việt Nam hầu như không đề cập tới nội dung xã hội hoá. Ngay cả những cuốn tương đối lớn như: "Những quy luật xã hội học”, dày 393 trang của A. K. Uleđốp (Liên Xô cũ), N.X. B. khoa học xã hội, 1980. Hoặc cuốn “Xã hội học Mác Lênin”, dày 345 trang của Đô bơ ri a nốp (Bun ga ri), Nxb Thông tin lý luận, 1985, cũng không nói tới xã hội hoá. Điều này có thể đưa đến nhận định: nội dung xã hội hoá gần như không được quan tâm chú trọng trong xã hội học của Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Có lẽ nội dung xã
hội hoá trong giai đoạn này được các môn khoa học khác tập trung giải quyết như Tâm lý học, Giáo dục học...