Người lập di chúc không bị đe dọa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự doc (Trang 34 - 36)

Đe dọa trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên làm cho bên kia sợ hãi mà phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của những người thân thích.

Cũng như các loại giao dịch dân sự khác, đe dọa trong việc lập di chúc trước hết phải được thực hiện bằng hành vi cố ý. Hành vi cố ý này phải có sự toan tính từ phía người đe dọa về việc đe dọa người lập di chúc như thế nào, hình thức, địa điểm đe dọa, phương tiện để thực hiện việc đe dọa… Hậu quả của việc thực hiện hành vi đe dọa là người lập di chúc phải sợ hãi đến mức phải lập di chúc theo ý muốn của người đe dọa. Việc phải lập di chúc đó có thể không gây thiệt hại cho người lập di chúc về tính mạng, sức khỏe, tài sản vì việc đe dọa mới ở mức độ nhẹ. Thực tế cho thấy, người lập di chúc không bao giờ bị thiệt hại về tài sản cả, vì khi chết, họ không thể mang theo được tài sản mà họ đang có và chỉ khi người để lại di sản chết thì di chúc mới phát sinh hiệu lực. Vì vậy, đối với đe dọa trong việc lập di chúc thì người lập di chúc luôn luôn không bị thiệt hại về tài sản. Người bị thiệt hại về tài sản sẽ là những người thân thích của người lập di chúc vì khối tài sản của người lập di chúc có hạn, nên cho người này hưởng rồi thì đương nhiên những người khác không còn để hưởng. Tuy nhiên, do bị đe dọa nên người lập di chúc phải viết di chúc theo ý kiến của người đe dọa, nên sẽ có ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người lập di chúc. Ví dụ: Người lập di chúc tên là Nguyễn Văn A, có 4 con là Nguyễn Văn B, Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn D, Nguyễn Văn E. Ông A được C chăm sóc, nuôi dưỡng…, còn B, D, E đối xử ngược đãi với ông A. Vì vậy, ông A tuyên bố với mọi người là sau này sẽ để lại toàn bộ tài sản cho C và ông A đã lập di chúc cho C được hưởng toàn bộ tài sản của mình. Biết được sự việc trên, B, D và E đã bàn bạc với nhau đe dọa buộc ông A phải lập di chúc khác có nội dung cho B, D, E cùng được hưởng di sản của ông A. Như vậy, việc ông A phải lập di chúc sau đã ảnh hưởng đến quyền lợi về tài sản của C, nhưng lại ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người lập di chúc là ông A.

Như đã phân tích, khi bị đe dọa thì người lập di chúc không thể hiện được ý chí tự nguyện, mà lại thể hiện ý chí của người đe dọa. Vì vậy, trong trường hợp người lập di chúc bị đe dọa thì di chúc đó bị vô hiệu, không phát sinh hiệu lực pháp luật.

Trong thực tế đã xảy ra không ít những trường hợp mà các đương sự khai là người lập di chúc bị đe dọa. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác minh, lấy lời khai nhân chứng, thậm chí kiểm tra cả những vật chứng (nếu có)... Tuy nhiên, việc xác định người khác đã can thiệp vào việc lập di chúc đến mức độ nào có ý nghĩa quan trọng trong việc xem xét hiệu lực pháp luật của di chúc. Vấn đề đặt ra là sự can thiệp đó đã đến mức làm cho người lập di chúc sợ hãi và phải lập di chúc theo ý muốn của người can thiệp hay chưa? Còn khi đã lập di chúc theo ý chí của người khác thì đương nhiên đã gây thiệt hại cho người lập di chúc như đã phân tích ở phần trên. Để xem xét về việc người lập di chúc đã đến mức sợ hãi hay chưa là một vấn đề rất khó, đòi hỏi Tòa án phải cân nhắc kỹ lưỡng toàn bộ các chứng cứ của vụ án. Trường hợp người can thiệp đã bị bản án của Tòa án xử lý về hành vi đe dọa rồi thì sẽ có nhiều thuận lợi cho việc xem xét. Ví dụ: Một người có hành vi đe dọa người lập di chúc để buộc người lập di chúc phải viết di chúc không đúng với ý chí của người lập di chúc. Để thực hiện hành vi đe dọa của mình, anh ta đã dùng vũ lực và gây ra thương tích nặng cho người lập di chúc đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bằng bản án hình sự, Tòa án đã xác định có hành vi đe dọa trong việc lập di chúc và có hành vi cố ý gây thương tích, đồng thời Tòa án đã xử lý về mặt hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích. Sau đó do người lập di chúc chết, người được thừa kế theo di chúc khởi kiện yêu cầu được thừa kế theo di chúc. Trong trường hợp này, Tòa án dễ dàng trong việc tuyên bố về việc di chúc trên không có hiệu lực pháp luật do người lập di chúc bị đe dọa.

Đối với trường hợp các bên có ý kiến khác nhau về việc người lập di chúc có bị đe dọa trong khi lập di chúc hay không, thì cả hai bên đương sự đều phải có nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2005). Bên đương sự cho rằng, người lập di chúc bị đe dọa trong khi lập di chúc phải có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh. Nếu các chứng cứ do bên khai rằng có việc đe dọa không đủ hoặc không có cơ sở tin cậy, thì Tòa án công nhận di chúc.

Đã có không ít những trường hợp xảy ra trong thực tế, mặc dù có sự can thiệp của người khác, nhưng chưa đến mức làm cho người lập di chúc sợ hãi phải viết di chúc trái với ý muốn của mình. Người lập di chúc vẫn lập di chúc một cách tự nguyện, thể hiện ý chí của mình. Do vậy, di chúc vẫn có hiệu lực.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Các điều kiện có hiệu lực của di chúc theo quy định của Bộ luật dân sự doc (Trang 34 - 36)