Tiềm năng thị trường MA tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Tìm hiểu dưới giác độ tài chính quy trình mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (Trang 63 - 67)

I. Thị trường MA tại Việt Nam

1.Tiềm năng thị trường MA tại Việt Nam

Làn sóng sáp nhập và mua lại (M&A) đang diễn ra hết sức sôi động ở hầu hết các châu lục trên thế giới. Từ đầu năm đến ngày 15/5/2007, tổng giá trị giao dịch của hoạt động này trên quy mô toàn cầu đã vượt ngưỡng 2.000 tỷ USD, cao hơn 60% so với mức kỷ lục của cùng kỳ năm 2006. Riêng tổng giá trị giao dịch M&A tại châu Âu đạt 1.200 tỷ USD. Theo các chuyên gia, tính chung cả năm 2007, giá trị các vụ M&A trên toàn cầu chắc chắn sẽ cao hơn so với mức kỷ lục 3.490 tỷ USD đạt được trong năm 2006.

Theo kết quả điều tra của Hãng kiểm toán PricewaterhouseCooper, (PwC), trong năm 2007, châu Á - Thái Bình Dương sẽ vượt qua Tây Âu, Đông Âu và Mỹ Latinh và trở thành khu vực được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất để tiến hành các thương vụ M&A xuyên quốc gia do xu hướng cổ phần hoá, tư nhân hoá đang trở nên phổ biến hơn ở nhiều nước, đặc biệt là tại các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực. Việt Nam cũng được các nhà đầu tư đánh giá là một thị trường M&A hấp dẫn.

Năm 2007 được các chuyên gia dự đoán sẽ là năm mở đầu của sự gia tăng mạnh mẽ các hoạt động tập trung kinh tế dưới hình thức M&A ở Việt Nam. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, ước tính hàng năm sẽ có hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài để thực hiện những dự án mới. Hơn nữa, với việc Mỹ đã thông qua Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR), các hoạt động đầu tư, mua bán - sáp nhập và các dịch vụ kèm theo sẽ trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Theo tổng kết của PwC, năm 2006, Việt Nam có 32 vụ mua bán, sáp nhập với tổng giá trị 245 triệu USD, và con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong năm 2007. Tốc độ phát triển của thị trường M&A tại Việt Nam dự báo sẽ đạt 30-40%/ năm. Ước tính đến cuối năm 2007, Việt Nam sẽ thu hút tới 1.000 doanh nghiệp tham gia giao dịch. Gần đây, Việt Nam đã có một số vụ mua bán, sáp nhập thành công: Chẳng hạn như Công ty cổ phần Doanh nghiệp trẻ Đồng Nai mua lại Cheerfield Rama, Công ty Daiichi (Nhật Bản) mua lại toàn bộ Bảo Minh CMG, Vinaland mua lại 52% cổ phần của Omni Saigon và 70% Hilton Hà Nội hay gần đây nhất là Công ty Anco mua lại nhà máy sữa Nestle ,…

Các doanh nghiệp đều ý thức được lợi ích mà hoạt động M&A đem lại. Về cơ bản, sự tăng trưởng về sản lượng và tăng lợi nhuận là động cơ thúc đẩy quan trọng nhất của hoạt động này. Có 4 nguyên nhân chính trực tiếp dẫn đến tăng lợi nhuận trong hoạt động M&A: Một là cơ hội mở rộng thị phần của công ty thông qua tiếp cận những thị trường mới; hai là tăng năng lực cạnh tranh của thương hiệu thông qua tận dụng nguồn tài chính chung, áp dụng những bí quyết, chiến lược cạnh

tranh thành công của công ty; ba là tăng tính hiệu quả trong sản xuất kinh doanh với chi phí đầu tư ban đầu để khai thác một thị trường mới được cắt giảm tối đa; bốn là giá trị cổ phiếu của công ty trên thị trường chứng khoán sẽ tăng lên, công ty có thể huy động được nhiều nguồn vốn hơn. Bên cạnh phát triển những thương hiệu đã tồn tại, việc đầu tư nghiên cứu, phát triển những sản phẩm mới, thương hiệu mới là điều cần thiết để duy trì vị trí của công ty. Do đó, một nguồn vốn đầu tư dồi dào sẽ hỗ trợ tích cực cho việc ra đời các sản phẩm mới nhanh hơn.

Các vụ M&A hiện nay đã trở thành một hình thức đầu tư phổ biến của các công ty muốn bảo vệ, củng cố, mở rộng quy mô kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh. Công ty đi vào hoạt động sẽ tạo kênh thu hút nguồn vốn đầu tư gián tiếp trong xã hội và nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam, đồng thời thúc đẩy quá trình sắp xếp, tái cơ cấu lại những công ty làm ăn kém hiệu quả.

Theo ước tính, trong năm 2007 sẽ có khoảng 50.000 công ty mới ra đời, đa phần trong số họ là các mô hình vừa và nhỏ. Theo thống kê và nhận định của các chuyên gia kinh tế, có tới 50% trong số các công ty đó sẽ gặp khó khăn ngay trong hai năm hoạt động đầu tiên, 80% sẽ khó tồn tại trong năm năm tiếp theo. Các công ty không tồn tại được không có nghĩa là họ sẽ phá sản, giải thể mà có thể họ sẽ cần một nguồn lực mới, một luồng sinh khí mới về tài chính, nhân sự, công nghệ và kinh nghiệm quản lý. Họ sẽ trở thành đối tượng cho các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước mua lại. Sau khi tái cơ cấu lại bằng những chiến lược và kế hoạch thích hợp, công ty mới ra đời lại tiếp tục hoạt động kinh doanh trên thị trường. Cũng có những người muốn bắt đầu khởi sự kinh doanh bằng cách mua lại một công ty thay vì khởi nghiệp từ đầu và sẽ có cơ hội thành công cao hơn vì ý tưởng kinh doanh của họ đã qua quá trình thử nghiệm. Ngoài ra, nhu cầu chuyển nhượng thương hiệu cũng đang gia tăng mạnh mẽ sau khi một số thương hiệu lớn trên thế giới trong các ngành thời trang, thực phẩm, đồ uống… đến Việt Nam. Với hình thức liên kết hoặc mua lại doanh nghiệp nội địa, các nhà đầu tư nước ngoài có thể nhanh chóng tiếp cận thị trường trong nước thay vì khởi động một dự án kinh doanh từ đầu. Trong

các hoạt động M&A, hoạt động đầu tư chéo giữa các doanh nghiệp dưới phương thức “đối tác chiến lược” mà thực chất chính là một dạng của tập trung kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều. Thêm vào đó, xu hướng hình thành các tập đoàn kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực cũng là một tiền đề, một tín hiệu tốt cho nền kinh tế, làm tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp và là nhân tố giúp các hoạt động M&A tại Việt Nam diễn ra thuận lợi hơn.

Tất cả những nhân tố trên chính là cơ sở cho thấy tiềm năng của hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh có sự bùng nổ của thị trường chứng khoán và quá trình cổ phần hoá được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, do cơ sở thực tiễn và pháp lý của thị trường này ở Việt Nam còn rất mới mẻ nên tỷ lệ thành công trong các giao dịch mua bán - sáp nhập còn thấp. Phần lớn các doanh nghiệp chưa có nhiều thông tin, thiếu hiểu biết về các điều kiện, thủ tục sáp nhập, mua lại, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này tại Việt Nam chưa được quy định cụ thể. Ngoài ra, việc tính toán, xác định chi phí thực hiện giao dịch mua lại hiện nay chưa rõ ràng; thông tin về các công ty sáp nhập, mua lại chưa được cập nhật đầy đủ, thiếu tính minh bạch. Nhiều doanh nghiệp chưa tham gia vào thị trường chứng khoán, kiểm toán chưa được quan tâm gây khó khăn cho việc tìm hiểu về tình hình hoạt động, tài chính của các công ty… Các doanh nghiệp nước ngoài cũng gặp phải nhiều thách thức trong việc tiến hành M&A như: Xung đột trong ban quản trị, văn hoá không tương thích và đặc biệt là sự thay đổi bất ngờ của chính sách ở các nước.

Nắm bắt được nhu cầu trên, tại Việt Nam đã xuất hiện các sàn giao dịch trực tuyến “Mua bán, sáp nhập”, đóng vai trò là cầu nối giữa các nhà đầu tư trong, ngoài nước với các doanh nghiệp. Các sàn giao dịch giúp người bán tìm được nhà đầu tư phù hợp, có thể cùng hợp tác kinh doanh hoặc chuyển nhượng lại. Đối với người mua, sàn giao dịch giúp mở ra các cơ hội đầu tư, nhanh chóng mở rộng quy mô hoạt động, tận dụng được nhãn hiệu, nhân lực, hệ thống làm việc của công ty mà họ mua

lại với giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, các sàn giao dịch còn kết hợp với các hoạt động tư vấn chuyên nghiệp trong suốt quá trình mua bán - sáp nhập, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật về các thủ tục pháp lý, tài chính doanh nghiệp, định giá doanh nghiệp và các dịch vụ khác như tái cơ cấu công ty, xác lập giá trị thương hiệu... nhằm tạo nên các giá trị gia tăng cho khách hàng.

M&A là một nghiệp vụ tài chính hết sức phức tạp, kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Vì vậy, hoạt động này cần phải có sự tham gia của các đơn vị chuyên môn tài chính, kiểm toán, pháp lý cộng với một đơn vị điều phối tổng thể chuyên nghiệp. Ngoài sự nỗ lực từ bản thân các đơn vị tham gia triển khai, một khuôn khổ pháp lý cụ thể, rõ ràng cho hoạt động mua bán, sáp nhập là rất cần thiết.

Làn sóng đầu tư mới dự báo sẽ đổ vào Việt Nam cùng với việc Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư mới ra đời, tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là những điều kiện thuận lợi để Việt Nam trở thành một thị trường đầy hứa hẹn trên lĩnh vực M&A trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu dưới giác độ tài chính quy trình mua bán – sáp nhập doanh nghiệp (Trang 63 - 67)