TRIỂN VỌNG CỦA KHU VỰC THỊ TRƯỜNG ĐÔNG VÀ ĐÔNG NAM Á CÙNG MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Một phần của tài liệu TRIỂN VỌNG CỦA KHU VỰC THỊ TRƯỜNG ĐÔNG VÀ ĐÔNG NAM Á CÙNG MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP (Trang 59 - 63)

I - Triển vọng của thị trường các nước Đông và Đông Nam Á.

Nhìn chung, trong thời gian tới đây, triển vọng của các thị trường xuất khẩu lao động của ta ở khu vực Đông và Đông Nam Á đều rất khả quan. Nhu cầu lao động nước ngoài tại các thị trường này là rất lớn và có thể còn tăng lên nhiều trong tương lai. Theo ước tính, trong vòng 6, 7 năm nữa, từ nay đến năm 2010, nhu cầu về lao động nước ngoài của toàn bộ những nước mà ta đang đưa lao động sang làm việc có thể tăng đến con số 7.000.000 người. Ngoài ra, còn phải kể đến những thị trường tiềm năng thuộc khu vực này như : Singapore, Bruney... mà chính phủ ta đang có kế hoạch xúc tiến tiếp cận.

Triển vọng dự đoán của từng thị trường cụ thể như sau :

1, Thị trường Hàn Quốc :

Nền kinh tế Hàn Quốc sau thời kỳ khủng hoảng 1998 – 2000, đã đi vào ổn định và có tốc độ tăng trưởng khá cao, nhu cầu về lao động nước ngoài do đó cũng tăng lên nhiều. Đặc biệt với đội ngũ gần 200.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chuyên gia dự đoán Hàn Quốc sẽ còn cần thêm ít nhất nửa triệu lao động nước ngoài trong vòng 5 năm nữa. Theo thông báo của KFSB, Chính phủ nước này sẽ nâng tổng chỉ tiêu tu nghiệp sinh lên 145.000 người vào đầu năm tới thay vì 130.000 người như hiện nay. Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về số lượng chỉ tiêu tu nghiệp sinh được phân bổ cho Việt Nam, rất có thể ta sẽ có thêm khoảng 2000 - 2500 tu nghiệp sinh nữa trong tổng chỉ tiêu này. Tuy nhiên không loại trừ khả năng con số tu nghiệp sinh được tăng thêm ít hơn thế do tỷ lệ bỏ trốn của tu nghiệp sinh Việt Nam tại Hàn Quốc quá cao. Ngành nghề xuất khẩu lao động vẫn chủ yếu tập trung vào lĩnh vực 3D.

Đặc biệt, ngày 31/7/2003 vừa qua, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Luật Cấp phép lao động (EPA). Luật này quy định, vào thời điểm 1 năm sau khi công bố luật (tức là từ tháng 8/2004), lao động nước ngoài tại thị trường Hàn Quốc được làm việc cùng điều kiện và quyền lợi như lao động nước sở tại. Đồng thời Luật EPA cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc có khó khăn về nhân lực được tuyển dụng hợp pháp số lượng lao động nước ngoài phù hợp. Được áp dụng song song với Chương trình tu nghiệp sinh công nghiệp hiện nay, luật này mở ra cơ hội mới cho lao động các nước xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc nói chung và Việt Nam nói riêng.

2, Thị trường Nhật Bản :

Nền kinh tế rất phát triển của Nhật Bản hàng năm cần một lượng lớn lao động mà dân số với tỷ lệ người quá tuổi lao động lên đến 30% không đáp ứng đủ. Theo báo cáo của Bộ Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), từ nay cho đến năm 2010, Nhật Bản sẽ thiếu khoảng 2.000.000 lao động. Hiện nay, với số lượng tu nghiệp sinh khoảng 50.000 người mà Nhật Bản tiếp nhận hàng năm không thể đủ để giải quyết tình trạng thiếu lao

động ở đất nước này. Trong báo cáo, Bộ này nêu rõ : " Nhật Bản cần thêm nhiều nỗ lực để thu hút lao động nước ngoài đến làm việc, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tham gia vào quá trình toàn cầu hoá thế giới về lao động ", đồng thời kiến nghị Chính phủ Nhật dỡ bỏ rào cản đối với lao động nước ngoài nhằm tạo điều kiện cho họ sống và làm việc tại Nhật Bản.

Dưới áp lực của dư luận trong nước, rất có thể đến cuối năm sau, chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét ra một đạo luật cho phép lao động nước ngoài vào làm việc tại đây. Trước mắt, Nhật Bản có chính sách tăng số tu nghiệp sinh tiếp nhận trong năm tới lên con số 60.000 người, chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ với những ngành nghề thuộc lĩnh vực 3K (từ viết tắt theo tiếng Nhật có nghĩa là bẩn thỉu, nặng nhọc và độc hại). Nhu cầu về chuyên gia công nghệ thông tin trên thị trường này cũng rất lớn, dự kiến để đáp ứng đủ nhu cầu trong nước, trong vài năm tới đây, Nhật Bản sẽ tiếp nhận thêm khoảng 100.000 kỹ sư công nghệ thông tin. Thời gian vừa qua, Nhật Bản đã tiếp nhận một số chuyên gia công nghệ thông tin của ta, đây là một lĩnh vực mà Nhà nước và các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam cần quan tâm.

3, Thị trường Đài Loan

Nhu cầu về lao động nước ngoài của thị trường Đài Loan rất lớn và đa dạng. Về số lượng, dự báo tới năm 2010, Đài Loan cần thêm khoảng 700 vạn lao động và trong đó có 1 vạn là lao động nước ngoài. Nhu cầu bổ sung lao động nước ngoài của Đài Loan tập trung nhiều vào những ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ, khán hộ công và chăm sóc gia đình. Riêng với nghề khán hộ công và chăm sóc gia đình, Đài Loan có thể tiếp nhận thêm tối thiểu là 500.000 lao động nước ngoài.

Riêng đối với Việt Nam, trước mắt, trong năm 2004, quy mô xuất khẩu lao động của ta sang thị trường này có khả năng không tăng nhiều, do rất có thể chính phủ Đài Loan sẽ mở cửa tiếp nhận trở lại với lao động Indonesia. Lực lượng lao động xuất khẩu của Indonesia rất đông và có sức cạnh tranh cao có thể làm suy giảm đáng kể nhu cầu lao động của thị trường Đài Loan với lao động các nước khác, bao gồm cả Việt Nam. Ngoài ra, tỷ lệ bỏ trốn của lao động Việt Nam tại Đài Loan, đặc biệt là lao động khán hộ công, giúp việc gia đình và thuyền viên trong thời gian qua là khá cao cũng làm ảnh hưởng đến sự sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam của giới chủ Đài Loan. Vừa qua, chính phủ ta đã áp dụng biện pháp cảnh cáo, tạm đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép của 35% doanh nghiệp xuất khẩu lao động có tỷ

lệ lao động bỏ trốn vượt quá mức quy định, nhờ đó tình hình đã khả quan hơn.

4, Thị trường Malaysia

Nền kinh tế Malaysia sau một thời gian biến động hồi đầu năm đến nay đã có dấu hiệu phục hồi, nhiều nhà máy đã bắt đầu tiến hành sản xuất trở lại. Theo các nhà phân tích kinh tế dự đoán hết năm 2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia có thể đạt mức 4,5% và trong những năm tới tốc độ này có thể tăng lên tới 5 - 6%. Theo đó, chắc chắn nhu cầu về lao động nước ngoài của Malaysia cũng sẽ tăng nhiều trong thời gian tới, đặc biệt khi chính phủ nước này trục xuất hết số lao động nước ngoài bất hợp pháp tại đây. Ước tính đến năm 2010, thị trường Malaysia sẽ cần thêm khoảng 3.000.000 – 4.000.000 lao động nước ngoài.

Đến nay, thị trường Malaysia đã tiếp nhận trên 70.000 lao động Việt Nam . Như phía bạn đã công bố ngay từ khi mở cửa thị trường cho lao động của ta, Malaysia có thể tiếp nhận lao động Việt Nam với số lượng 10 – 20 vạn ngưòi trong 4 lĩnh vực là công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ, song theo ý kiến của nhiều chuyên gia phân tích con số này có thể lên tới 30 – 40 vạn trong vòng 3 năm tới.

Vừa qua, chính phủ Malaysia đã tuyên bố mở cửa thị trường cho lao động Trung Quốc và xem xét việc tiếp nhận trở lại dối với lao động Bangladesh. Những động thái này, đặc biệt là việc mở cửa thị trường trở lại cho lao động Bangladesh có thể ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam của các chủ sử dụng vì lao động Bangladesh có nhiều ưu điểm hơn so với lao động của ta như khả năng giao tiếp ngoại ngữ, chấp nhận mức lương thấp hơn của ta và nhất là không hay khiếu nại, đình công.

5, Thị trường Lào

Dự báo trong thời gian tới nhu cầu về nhập khẩu lao động nước ngoài của Lào vẫn còn rất lớn, khoảng 300.000 người, tập trung trong các lĩnh vực xây dựng, công nghiệp và khai thác tài nguyên.

Thị trường Lào đã từng là một trong những thị trường xuất khẩu lao động chủ yếu của ta trong thập niên 90, thời gian gần đây do sự xuất hiện của những thị trường mới mở như Đài Loan, Malaysia nên sức thu hút của thị trường Lào có giảm đôi chút với lao động Việt Nam. Dự kiến trong thời gian tới số lao động sang Lào có thể tăng song không đáng kể, chỉ khoảng 1000 – 2000 người mỗi năm, chủ yếu vẫn là kỹ sư, công nhân của các doanh nghiệp ta thi công các công trình xây dựng tại Lào. Con số này không bao gồm số lao động tự do thường xuyên qua lại biên giới hai nước vốn rất khó thống kê.

II - Một số kiến nghị :

Đông và Đông Nam Á khu vực thị trường quan trọng bậc nhất trong chiến lược tăng cường xuất khẩu lao động nước ta hiện nay. Việc nhận định lại toàn cảnh hoạt động xuất khẩu lao động của ta tại khu vực này, đánh giá những mặt được và cả những mặt chưa được trong đó để tìm ra hướng phát triển tốt nhất cho hoạt động xuất khẩu lao động là một việc làm thực sự cần thiết.

Sau đây là một vài kiến nghị về giải pháp nhằm tăng cường quy mô và hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lao động tại khu vực thị trường này mà em mạo muội đưa ra. Những kiến nghị này dành cho hoạt động xuất khẩu lao động sang khu vực thị trường các nước Đông và Đông Nam Á nói riêng cũng như toàn bộ ngành xuất khẩu lao động của nước ta nói chung.

1, Về phía Nhà nước :

Một phần của tài liệu TRIỂN VỌNG CỦA KHU VỰC THỊ TRƯỜNG ĐÔNG VÀ ĐÔNG NAM Á CÙNG MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP (Trang 59 - 63)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(74 trang)
w