Đầu tư cho đội ngũ nhân lực phục vụ dự án nhà máy điện hạt nhân

Một phần của tài liệu Hoạt động đầu tư phát triển tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam: thực trạng và giải pháp (Trang 72 - 73)

============================================================

Nguồn nhân lực cho Chương trình Điện hạt nhân ở giai đoạn đầu từ nay đến năm 2020 của Việt Nam cần trên 1.000 người, tập trung vào 3 lĩnh vực chính yếu, đó là nhân lực thực hiện Dự án; các cơ quan quản lý; nhân lực hoạt động nghiên cứu, triển khai và hỗ trợ kỹ thuật, chưa kể phải huy động từ 6.000-10.000 công nhân xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực này phải được quan tâm đi trước một bước. Giải pháp trước hết là Chính phủ nhanh chóng phê duyệt Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực hạt nhân, để sớm thành lập Ban Chỉ đạo về đào tạo nguồn nhân lực này trong phạm vi cả nước. Theo đó, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành lập Trung tâm đào tạo chuyên ngành hạt nhân, cung cấp nguồn nhân lực nòng cốt cho Chương trình điện hạt nhân của nước ta. Đồng thời, các trường đại học tiến hành quy hoạch và nâng cấp các khoa, bộ môn đào tạo hạt nhân; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên ngành hạt nhân hiện có; xây dựng chương trình đào tạo tại nước ngoài cho số cán bộ nòng cốt của Chương trình Điện hạt nhân.

Một giải pháp cần thiết nữa cho Chương trình Điện hạt nhân ở giai đoạn đầu là mời chuyên gia các nước có nền công nghiệp điện hạt nhân tiên tiến đến nước ta, để giúp đỡ đào tạo cán bộ trẻ về công nghệ và an toàn điện hạt nhân. Mặt khác, Việt Nam cũng cần tăng cường sử dụng hiệu quả các kênh hợp tác quốc tế đã có như Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phục vụ mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hạt nhân một cách bền vững.

Nguồn nhân lực hạt nhân chủ yếu của Việt Nam có gần 800 người, hiện làm việc phần lớn tại Viện Năng lượng Nguyên tử. Trong giai đoạn đầu của Chương trình, phải rất coi trọng việc quy hoạch và bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ hạt nhân này, đi đôi với việc ban hành các chính sách liên quan bao gồm về lương và điều kiện làm việc nhằm thu hút lực lượng giỏi vào làm việc trong ngành hạt nhân. Đây là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để có được những chuyên gia nòng cốt cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta, trên cơ sở kế thừa các kinh nghiệm đã tích lũy trong hơn 30 năm phát triển của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam.

2.3. Kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Hoạt động đầu tư phát triển tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam: thực trạng và giải pháp (Trang 72 - 73)