Có thể thấy, hiện nay, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn là nguyên nhân chính khiến vốn FDI vào nước ta thấp so với cùng kỳ và không được như mong muốn. Tuy nhiên, cũng không thể không kể đến những nguyên nhân chủ quan làm hạn chế luồng vốn FDI đăng ký cũng
như vốn FDI thực hiện tại Việt Nam như: thủ tục hành chính rườm rà; hạ tầng yếu kém, nhất là khả năng cung cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống đường giao thông, cảng biển... phục vụ sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa; nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu; công tác xúc tiến đầu tư chưa thật sự hiệu quả và thiếu tính chuyên nghiệp. Nhưng, bên cạnh những hạn chế, thách thức, chúng ta có những cơ hội để nâng cao khả năng thu hút FDI vào nước ta. Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), Việt Nam nằm trong 15 nước được đánh giá cao về môi trường đầu tư nước ngoài và là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn FDI trong năm 2010.
Ðể tận dụng những lợi thế và biến thách thức thành thời cơ trong thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn FDI, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, và đẩy mạnh giải ngân, trong đó chú trọng đến các địa phương có tiềm năng, song chưa tạo được bước đột phá trong thu hút FDI. Tập trung giải quyết những yếu kém về kết cấu hạ tầng giao thông, điện nước; về nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; về năng lực của bộ máy quản lý nhà nước; tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI đăng ký. Cần rà soát chặt chẽ và kiên quyết xử lý những dự án "treo" kéo dài, chủ đầu tư không có khả năng thu xếp vốn, dự án chuyển đổi mục đích... tạo cơ hội cho các đối tác khác vào đầu tư, tránh lãng phí về cơ sở hạ tầng, mặt bằng sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng những quy định cụ thể, chặt chẽ để ngăn chặn các hoạt động huy động vốn đầu tư trong nước của các nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều dự án, nhất là các dự án bất động sản xây dựng căn hộ và văn phòng cho thuê. Hình thức này đang gây ra tình trạng thu hút vốn của các doanh nghiệp trong nước, tạo thêm trở ngại cho việc phát triển khu vực kinh tế trong nước trong điều kiện khó khăn hiện nay. Ðặc biệt, các cơ quan quản lý cần chú trọng hơn nữa đến những ảnh hưởng về môi trường và các thiệt hại về tài nguyên trong việc cấp phép các dự án FDI; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết không gây ô nhiễm môi trường của các dự án đầu tư; nghiêm khắc xử lý những hành vi gây ảnh hưởng đến môi trường, làm thiệt hại lợi ích của nhân dân.
Việt Nam có dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nhóm 5 ngân hàng: NH Phát triển Châu Á, Cơ quan phát triển Pháp, NH Hợp tác quốc tế Nhật Bản, NH Tái thiết Đức, NH Thế giới. Phối hợp với nhóm 5 ngân hàng này để thực hiện các giải pháp cấp bách và kế hoạch hành động cụ thể cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA.
Tổ chức khung theo dõi và đánh giá các chương trình, dự án ODA để có những đánh giá, điều chỉnh kịp thời nhằm hạn chế tình trạng chậm giải ngân và để xây dựng kế hoạch cho những dự án tiếp theo.
Nguồn vốn của chúng ta khê đọng quá nhiều, quá lâu, phải biết cách để sử dụng vốn cho hợp lí, giảm độ trễ vốn đầu tư, phải biết giải ngân có hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ.
Chúng ta cần thi hành luật chặt chẽ hơn, đưa ra các điều lệ để tránh việc có những người dựa vào những kẽ hở để lách luật, để trục lợi cho cá nhân mình.
Cần thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện những quy định, quy chế, cơ chế phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Thẩm định kĩ những dự án đang và sẽ đầu tư, bảo đảm khách quan, khoa học, hiệu quả. Cúng cố tổ chức, bộ máy, cán bộ các cấp, các ngành, cơ quan đầu tư.
IV, Kết luận:
Đầu tư theo chiều rộng và đầu tư theo chiều sâu có mối quan hệ mật thiết với nhau. Đầu tư theo chiều rộng là nền tảng để đầu tư theo chiều sâu. Sau đó, đầu tư theo chiều sâu lại tạo điều kiện để đầu tư theo chiều rộng ở cả những khía cạnh cũ và mới. Hai hình thức đầu tư này luôn đan xen, bổ sung lẫn nhau trong hoạt động đầu tư. Hiểu được mối quan hệ này là cơ sở để chúng ta kết hợp hai hình thức đầu tư một cách có hiệu quả. Có như vậy, nguồn vốn đầu tư mới đem lại nhiều lợi ích nhất. Hiệu quả đầu tư được nâng cao. Trong giai đoạn hiện nay, khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, song song với những những thuận lợi là những khó khăn không hề dễ giải quyết mà chúng ta phải vượt qua. Người ta thường nói đến “bẫy thu nhập trung bình”. Thuật ngữ này dùng để chỉ tình trạng mắc kẹt của nhiều quốc gia đã thoát nghèo, song không giàu nổi do nhiều nguyên nhân. Để thoát ra khỏi cái bẫy này, nền kinh tế Việt Nam cần phải tự tạo ra được những sản phẩm nội địa có giá trị cao nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững. Muốn vậy, hiệu quả của hoạt động đầu tư phải càng ngày càng được nâng
cao. Kết hợp hiệu quả hai hình thức đầu tư theo chiều rộng và đầu tư theo chiều sâu là một trong những chìa khoá để giải quyết nhiệm vụ này, đưa nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới.