KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THPT tỉnh Bến Tre (Trang 72 - 75)

1. Kết luận

Đào tạo đội ngũ lao động có tri thức khoa học, năng động và sáng tạo có thể thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại đang là nhu cầu cấp thiết của đất nước. Ngành GD&ĐT mà đặc biệt là các nhà trường THPT, ngay từ bây giờ phải tích cực đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đồng thời với việc tăng cường quản lý đổi mới phương pháp dạy học.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý đổi mới PPDH trong nhà trường THPT cần rất nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, biện pháp cơ bản vẫn là nâng cao chất lượng quản lý hoạt động chuyên môn trong nhà trường bao gồm: hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh; hoạt động chuyên môn của tổ, nhóm chuyên môn và cung cấp các điều kiện cần thiết cho các hoạt động này.

Dạy học là một công việc đặc biệt. Nó được tiến hành bởi nhiều giáo viên và với sự tham gia của số lượng rất lớn học sinh, nhưng về cơ bản lại cùng hướng tới những mục tiêu chung. Chính vì thế, để việc dạy và học đạt được chất lượng, hiệu quả cao trên bình diện rộng lớn thì phương pháp dạy học là yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Bộ giáo dục và đào tạo đã chủ trương thực hiện đổi mới PPDH theo hướng áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, kết hợp với việc phát huy những yếu tố tích cực trong các phương pháp dạy học truyền thống. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư, sử dụng các trang thiết bị dạy học và đổi mới quản lý dạy học trong các nhà trường phổ thông. Các nhà trường THPT cũng đang tích cực thực hiện đổi mới PPDH theo hướng này.

Các nội dung quản lý đổi mới PPDH cần phải tập trung thực hiện từ khâu lập kế hoạch đổi mới PPDH. Các kế hoạch cần được xây dựng chi tiết và đảm bảo tính khả thi cao. Trong tổ chức, chỉ đạo đổi mới PPDH phải bắt đầu từ khâu quản lý chuẩn bị kế hoạch bài dạy của giáo viên đến việc quản lý thực hiện kế hoạch bài dạy. Phải đảm bảo cung cấp đầy đủ trang thiết bị dạy học, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học để giáo viên có điều kịện tốt nhất để thực hiện đổi mới PPDH. Trong quá trình quản lý, Hiệu trưởng cần kết hợp các biện pháp kiểm tra đánh giá với biểu dương khen thưởng xứng đáng các điển hình tiên tiến, xử lý nghiêm minh các trường hợp thiếu tích cực trong thực hiện đổi mới PPDH. Đặc biệt là phải đảm bảo các điều kiện tiên quyết cho việc đổi mới PPDH.

Khảo sát thực trạng thực hiện đổi mới PPDH ở các trường THPT tỉnh Bến Tre:

- Về mặt nhận thức: đã có những chuyển biến tích cực trong nhận thức của giáo viên về mục tiêu, cách thức, quy trình và các điều kiện đảm bảo đổi mới PPDH

- Về thực hiện: đã có những tiến bộ đáng kể về việc chuẩn bị kế hoạch bài dạy, thực hiện các PPDH trên lớp, sử dụng trang thiết bị dạy học phục vụ yêu cầu đổi mới PPDH của giáo viên; về

kiểm tra đánh giá giờ dạy, đánh giá kết quả học tập của học sinh; về mức độ tham gia tích cực của học sinh trong đổi mới PPDH.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đổi mới PPDH cũng bộc lộ các hạn chế:

- Về mặt nhận thức: giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về phương pháp dạy học tích cực, về thực hiện kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

- Về thực hiện đổi mới PPDH: chưa kết hợp tốt các PPDH truyền thống và PPDH hiện đại; hạn chế về năng lực và mức độ sử dụng các PPDH tích cực, các phương tiện dạy học; chưa tích cực trong việc thiết kế các đồ dùng dạy học phục vụ công tác giảng dạy.

Về thực trạng quản lý đổi mới PPDH ở các trường THPT tỉnh Bến Tre đạt được một số kết quả và cũng có những hạn chế sau:

Các ưu điểm tập trung vào các khâu lập kế hoạch, quản lý chuẩn bị bài dạy, quản lý thực hiện kế hoạch bài dạy, kiểm tra đánh giá giờ dạy.

Các hạn chế cần phải khắc phục: việc tập huấn về các PPDH tích cực, tập huấn sử dụng các trang thiết bị và phần mềm dạy học cho giáo viên vẫn chưa được chú trọng; hoạt động tổ chuyên môn chưa thật sự đi vào chiều sâu; việc hướng dẫn phương pháp học tập của học sinh chưa được thực hiện; trang thiết bị, tài liệu được cung cấp kịp thời nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới PPDH; khen thưởng động viên chưa kịp thời.

Nội dung khảo sát thực trạng đã được thu thập từ các ý kiến đáng tin cậy của CBQL bao gồm: Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, giáo viên. Ngoài ra, tác giả cũng đã tiếp xúc, trao đổi với lãnh đạo các trường, giáo viên; nghiên cứu các hồ sơ công tác của CBQL và giáo viên. Trực tiếp quan sát các hoạt động sư phạm trong nhà trường, tham khảo ý kiến của các nhà quản lý giáo dục có uy tín ở địa phương.

Từ các cơ sở lý luận và thực tiễn trên đây, có 6 nhóm giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng quản lý đổi mới PPDH trong nhà trường cần phải được thực hiện nhằm khắc phục các hạn chế đã nêu ở phần thực trạng từ các khâu lập kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo thực hiện, kiểm tra đánh giá đó là các nhóm biện pháp:

- Nhóm giải pháp tăng cường bồi dưỡng nhận thức về đổi mới PPDH. - Nhóm giải pháp tăng cường công tác xây dựng kế hoạch đổi mới PPDH.

- Nhóm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tổ, nhóm chuyên môn về đổi mới PPDH. - Nhóm giải pháp bồi dưỡng năng lực thực hiện các PPDH tích cực cho giáo viên.

- Nhóm giải pháp tổ chức hướng dẫn phương pháp học tập bộ môn cho học sinh. - Nhóm giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát việc đổi mới PPDH.

Các giải pháp được đề xuất là kết quả của quá trình nghiên cứu nghiêm túc, trong đó có sự kết hợp chặt chẽ các phương pháp nghiên cứu đã được nêu ra ở phần mở đầu. Kết quả khảo sát đã

xác nhận tính khách quan và tính khả thi của các giải pháp được đề xuất. Điều đó cho thấy rằng nội dung luận văn đã đáp ứng được mục đích nghiên cứu và giải quyết được nhiệm vụ nghiên cứu đã được đặt ra cho đề tài.

2. Kiến nghị

Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

- Cần biên soạn thêm các tài liệu giới thiệu về các phương pháp dạy học tích cực với các bộ môn cụ thể để giáo viên có tài liệu tham khảo định hướng đổi mới PPDH.

- Hàng năm có kế hoạch tổ chức tập huấn thêm về các kỹ năng sử dụng trang thiết bị dạy học, giới thiệu các phần mềm dạy học mới.

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo:

- Cần tham mưu cho UBND tỉnh có những văn bản hướng dẫn cụ thể để giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo tinh thần của Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/04/2006 về tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư 07/2009/TTLT-BGDĐ-BNV ngày 15/04/2009 của bộ Giáo dục và Đào tạo và bộ Nội vụ hướng dẫn tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế, tổ chức bộ máy của đơn vị sự nghiệp giáo dục, để nhà trường chủ động hơn trong việc xây dựng các định mức chi tiêu, các định mức khen thưởng.

- Hỗ trợ tích cực cho các trường trong việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên về các nội dung hỗ trợ đổi mới PPDH khi có yêu cầu.

Đối với các trường THPT:

- Cần chủ động hơn trong việc thực hiện đổi mới PPDH

- Tích cực tạo điều kiện cho giáo viên thực hiện đổi mới PPDH, tăng cường đầu tư, bảo quản, sử dụng có hiệu quả các loại trang thiết bị hỗ trợ đổi mới PPDH.

Một phần của tài liệu Thực trạng quản lý đổi mới phương pháp dạy học ở các trường THPT tỉnh Bến Tre (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)