Thứ nhất: Chính phủ nên sớm xây dựng và tạo lập một hành lang pháp lý thông thoáng, thông qua luật tín dụng tiêu dùng trong đó quy định rõ quyền hạn và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ tín dụng. Vì hiện nay các quy định về CVTD vẫn nằm trong hệ thống các quy định chung nên khi áp dụng vào thực tế, các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, họ đều phải đưa ra các quy định riêng căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh và tính chất của mỗi sản phẩm dịch vụ mà họ cung cấp. Điều này làm mất đi tính nhất quán trong hoạt động của các ngân hàng. Các thủ tục rườm rà mang nặng tính hành chính cần phải được loại bỏ.
Thứ hai: Nhà nước cần phải ổn định môi trường vĩ mô của nền kinh tế, xác định rõ chiến lược phát triển kinh tế, ổn định thị trường, giá cả, duy trì tỷ lệ lạm phát hợp lý…, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Từ đó tạo điều kiện cho quá trình phát triển kinh tế, nâng thu nhập và mức sống của người dân khiến cho khả năng tích luỹ và tiêu dùng của công chúng ngày càng tăng, thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng. Nhà nước đề nghị các sở, ngành liên quan cung cấp thông tin về pháp luật, quy hoạch, định hướng đầu tư phát triển, hoạt động ổn định, lâu dài; đáp ứng các nhu cầu đa dạng, phong phú về hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng của người dân.
Thứ ba: Nhà nước cần đầu tư hệ thống giáo dục với cơ cấu hợp lý hơn, cải cách hệ thống an sinh xã hội như xã hội hoá bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, nhân rộng mô hình tiền lương hưu cho nông dân, cải cách tiền lương trong khu vực Nhà nước… để giảm bớt sự phân hoá giàu nghèo. Cho phép nhân rộng mô hình tiêu thụ hàng hoá thông qua uỷ thác, đại lý, mua trả
chậm, trả góp…trong lĩnh vực nhà ở, hàng tiêu dùng lâu bền. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần mở rộng hệ thống giáo dục tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa bởi chỉ bằng cách nâng cao dân trí, phát triển kinh tế đồng đều hơn dẫn đến tăng thu nhập cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động CVTD phát triển.
Thứ tư: So với các ngân hàng TMCP và các ngân hàng liên doanh, các ngân hàng quốc doanh có bề dày hoạt động và quy mô lớn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, họ lại nhận được sự ưu đãi của Nhà nước nên cạnh tranh rất mạnh về uy tín và giá cả. Vì vậy, để tạo điều kiện cho các ngân hàng cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng thì Nhà nước nên đối xử công bằng hơn và có sự hỗ trợ hợp lý đối với các ngân hàng mới thành lập, các ngân hàng TMCP, ngân hàng liên doanh có quy mô nhỏ vì các cá nhân đến với ngân hàng ngoài chất lượng dịch vụ, họ còn quan tâm đến trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, quy mô vốn…của ngân hàng đó.
Thứ năm: Tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ ngân hàng trong việc thu hồi nợ tồn đọng của khách hàng để ngân hàng có thêm vốn đầu tư. Hạn chế sai xót, tiêu cực, đặc biệt là trong vấn đề đánh giá chất lượng tài sản bảo đảm, cầm cố, thế chấp hiện nay. Tiến tới thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng cho khu vực kinh tế tư nhân và cá nhân.