1. TIẾN SỸ VÕ THỊ QUÝ
2.3.7 Quản trị nhân sự của Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn
Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn chưa hoạch định chiến lược phát triển nguồn nhân lực mang tính khả thi, chưa gắn chiến lược phát triển nguồn nhân lực với
chiến lược kinh doanh. Việc đào tạo cán bộ dài hạn không xuất phát từ năng lực chuyên môn của nhân viên, không xuất phát từ yêu cầu của công việc mà đào tạo tràn lan trái với chuyên ngành. Hình thức tuyển dụng thông qua người quen được áp dụng khá phổ biến trong hoạt động tuyển dụng của Tổng Công Ty vì vậy việc bố trí công việc cho nhân viên mới gặp nhiều khó khăn do chênh lệch giữa năng lực nhân viên và yêu cầu công việc. Điều này không những làm ảnh hưởng đến năng suất, kỷ luật lao động, mà còn làm cho Tổng Công Ty không có điều kiện tuyển thêm những ứng cử viên xuất sắc trên thị trường, khó bố trí nhân sự hợp lý, triệt tiêu năng lực cạnh tranh của nhân viên. Nguồn tuyển dụng lao động cho các chức danh quản trị, các chức danh lãnh đạo của Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn được bổ nhiệm theo quyết định của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh, chỉ chú trọng việc đề bạt từ trong nội bộ, không tuyển dụng chức danh quản lý từ bên ngoài. Việc bố trí cán bộ chủ chốt lãnh đạo Tổng Công Ty có trường hợp chưa hợp lý vì đã lựa chọn những cán bộ thiếu kinh nghiệm, thiếu trình độ chuyên môn, chưa am hiểu sâu sắc ngành. Chính sách đề bạt, bổ nhiệm các chức vụ quản trị từ nguồn nội bộ đã làm hạn chế khả năng thu hút những ứng viên giỏi trên thị trường và khó tạo ra phong cách quản lý mới, khó nâng cao tính sáng tạo trong các hoạt động quản trị. Bộ máy tổ chức Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn khá cồng kềnh, bố trí công việc không hợp lý, không đúng năng lực và chuyên môn, người làm quá nhiều việc đồng thời có người không có việc để làm dẫn đến thiếu nhiệt tình và trách nhiệm trong công việc. Việc sắp xếp cho nhân viên dư thừa nghỉ việc sẽ gặp nhiều khó khăn vì đụng chạm vào các mối quan hệ khá tế nhị.
KẾT LUẬN CHƯƠNG II
Tổng công ty là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, quá trình hoạt động cũng là quá trình tập hợp các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động trong phạm vi ngành, địa phương. Việc xem xét mô hình Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn hoạt động có hiệu quả hay không? có phù hợp hay không? còn là vấn đề tranh cãi từ nhiều phía với nhiều góc độ khác nhau. Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn nói chung còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt như tài chính, chiến lược kinh doanh và các hoạt động khác.v.v… Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn khó có thể thoát ra khỏi khó khăn hiện nay để phát triển vượt bậc, nếu không có những thay đổi thật cơ bản và mang tầm chiến lược. Gắn liền sự phát triển của Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn với tiến trình hội nhập thế giới, tranh thủ sự hỗ trợ từ những chính sách vĩ mô, tận dụng ưu thế của mình để khuyếch trương sản phẩm chủ lực, tiếp nhận khoa học kĩ thuật mới, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, kĩ thuật để vươn lên làm chủ thự sự. Muốn đạt được như vậy trước hết phải tìm hiểu những thành công và hạn chế mô hình của một số tập đoàn kinh tế tư nhân tại Việt Nam đồng thời có giải pháp chuyển đổi sang mô hình mới tối ưu và hợp lý hơn tại Tổng Công Ty Thương Mại Sài Gòn.
CHƯƠNG III
KẾT QUẢ KHẢO SÁT MỘT SỐ MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ – CÔNG TY CON Ở VIỆT NAM