8. Kết cấu của luận văn
1.2.3. Kinh nghiệm tạo việclà mở một số tỉnh khác
+ Thái Nguyên:
Thái Nguyên được coi là trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, các trường chuyên nghiệp, có khu gang thép và khu công nghiệp tập trung có vị trí quan trọng, Thái Nguyên có điều kiện thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều người lao động.
Kinh nghiệm tạo việc làm ở Thái Nguyên là:
- Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn.
- Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo ra được nhiều việc làm tại chỗ.
- Phát triển các ngành nghề dịch vụ để thu hút lực lượng lao động.
- Thực hiện tốt công tác giáo dục - đào tạo nghề cho người lao động, dạy nghề gắn với thị trường lao động.
+ Lạng Sơn:
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi, biên giới, kinh tế còn kém phát triển. Dân số chủ yếu sống ở nông thôn, chiếm 81% dân số toàn tỉnh.Vì vậy, nông - lâm nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính để tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động [41, tr.43].
Kinh nghiệm tạo việc làm ở Lạng Sơn:
- Tạo cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tự do kinh doanh, tự do thuê mướn lao động để giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động. Thực hiện cơ chế "một cửa" trong lĩnh vực lao động - việc làm. Đây là quyết định mang tính chất đột phá tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo nhiều việc làm tại chỗ cho người lao động.
- Phát triển và đa dạng hoá các loại hình sản xuất kinh doanh dịch vụ tạo được nhiều việc làm cho người lao động.
- Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ lệ lao động ở khu vực nông thôn, tăng tỷ lệ lao động ở khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực thương mại - dịch vụ.
- Trợ giúp vốn, khoa học công nghệ, hỗ trợ y tế, giáo dục và đào tạo cho người nghèo để giúp cho người nghèo ổn định cuộc sống, giải quyết thêm được việc làm cho người nghèo.
- Tổ chức đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, giúp cho người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm.
+ Quảng Ninh:
Quảng Ninh là tỉnh nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc, trong gần 20 năm đổi mới, Quảng Ninh đã có sự tăng trưởng về nhiều mặt. GDP hàng năm tăng trên 10%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ... Trong đó, tỷ trọng các ngành du lịch ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của Quảng Ninh. Từ đó, hàng năm có khoảng 2 vạn lao động được giải quyết việc làm, đời sống nhân dân được cải thiện.
Kinh nghiệm tạo việc làm ở Quảng Ninh là:
- Quy hoạch và chuẩn bị nguồn nhân lực. Chủ động làm tốt công tác quy hoạch đào tạo để đảm bảo số lượng cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật lành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt là sự phát triển của các khu công nghiệp, kinh tế cảng biển, công nghiệp du lịch dịch vụ, kinh tế đối ngoại.
- áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển các ngành kinh tế gắn với giải quyết việc làm.
- Tổ chức tốt các hoạt động tư vấn để người lao động tự tổ chức được việc làm. 1.2.4. Các bài học kinh nghiệm rút ra
Từ những kinh nghiệm giải quyết việc làm ở một số tỉnh, vận dụng vào điều kiện cụ thể của tỉnh Hải Dương, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm về tạo việc làm như sau:
Thứ nhất: Trên cơ sở chương trình quốc gia về giải quyết việc làm, xây
dựng và phát triển chương trình giải quyết việc làm của tỉnh, gắn giải quyết việc làm với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để tạo nhiều việc làm, thu hút nhiều lao động như: Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; phát triển và đa dạng hoá các ngành nghề dịch vụ...
Thứ hai: Tạo môi trường và hành lang pháp lý thuận lợi cho các cá nhân, tổ
chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút nhiều lao động. Khuyến khích người lao động tự do làm ăn, tự tạo việc làm cho mình và cho người khác theo đúng pháp luật, phát huy đến mức cao nhất nhân tố con người.
Thứ ba: Thực hiện tốt công tác giáo dục - đào tạo nghề cho người lao động, dạy nghề gắn với thị trường lao động. Đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo nghề cho nông dân, nhất là trong điều kiện còn là một tỉnh nông nghiệp như Hải Dương hiện nay.
Chương 2. THỰC TRẠNG VỀ TẠO VIỆC LÀM Ở HẢI DƯƠNG TỪ NĂM 1996 ĐẾN NAY
2.1. Khái quát về đặc điểm tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến tạo việc làm của tỉnh Hải Dương
2.1.1. Đặc điểm tự nhiên
Hải Dương là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp giáp với 6 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thái Bình, Hưng Yên và Hải Phòng. Trên địa bàn, nhiều trục giao thông quốc gia quan trọng chạy qua, với chất lượng đường tốt như đường 5, đường 18, đường 183, thuận lợi cho việc giao lưu, trao đổi với bên ngoài. Thành phố Hải Dương - Trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của tỉnh nằm trên trục quốc lộ số 5, cách Hải Phòng 45km về phía Đông và cách Thủ đô Hà Nội 57 km về phía Tây. Phía bắc của tỉnh có hơn 20 km quốc lộ số 18 chạy qua nối sân bay quốc tế Nội Bài ra biển qua cảng Cái Lân. Đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Kép - Bãi Cháy đi qua Hải Dương là cầu nối giữa Thủ đô và các tỉnh phía Bắc ra các cảng biển.
Toàn tỉnh Hải Dương được chia ra làm hai vùng chính: Vùng đồi núi chiếm khoảng 11% diện tích đất tự nhiên, gồm 13 xã thuộc huyện Chí Linh và 18 xã của huyện Kinh Môn, chủ yếu là đồi, núi thấp phù hợp với xây dựng các cơ sở công nghiệp, du lịch và trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ và các loại cây công nghiệp. Vùng đồng bằng gồm các huyện, xã còn lại, có độ cao trung bình 3-4m, đất đai bằng phẳng màu mỡ phù hợp với việc trồng cây lương thực, cây thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Với địa hình này, Hải Dương có khả năng phát triển mạnh và đa dạng các ngành sản xuất, nhất là sản phẩm nông, lâm nghiệp.
Khí hậu: Hải Dương nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, được chia thành 4 mùa rõ rệt. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 230C, thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng. Lượng mưa trung bình hàng năm 1500 - 1700mm, phân bố không đều, tập trung vào tháng 6, 7,8, dễ gây úng lụt, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và dân sinh. Độ ẩm không khí trung bình cao từ 78 - 87%, các tháng có độ ẩm cao là tháng 3 và tháng 4 với độ ẩm trung bình từ 90 - 92%.
Nhìn chung, điều kiện khí hậu của tỉnh thuận lợi cho sự phát triển hệ sinh thái động, thực vật cũng như các hoạt động sản xuất, dịch vụ và du lịch. Đặc biệt, điều kiện khí hậu vào mùa đông rất thuận lợi cho việc phát triển cây rau màu thực phẩm, đặc biệt là khả năng trồng rau xuất khẩu.
Tài nguyên đất: Diện tích tự nhiên của tỉnh là 1661km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm 63,15%; đất lâm nghiệp chiếm 5,48%; đất chuyên dùng 17%; đất ở 6,87%; đất chưa sử dụng 7,47%.
Đất đồng bằng chiếm khoảng 89% đất tự nhiên, chủ yếu là đất phù sa sông Thái Bình, thuận tiện cho việc sản xuất nhiều loại cây trồng có năng xuất cao. Trên một số diện tích đất đai thuộc các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Nam Sách, Kinh Môn, Kim Thành... đã trồng luân canh được 3 - 4 vụ trong 1 năm, do vậy, nâng hệ số quay vòng đất của tỉnh từ 2,4 lần hiện nay lên 2,7 - 2,8 lần trong các năm tới là hướng khai thác có hiệu quả nguồn đất đang sử dụng.
Đồi núi chiếm khoảng 11% diện tích tự nhiên, nằm gọn ở phía Đông Bắc thuộc 2 huyện Chí Linh và Kinh Môn nhóm đất này nghèo dinh dưỡng, tầng mặt mỏng, nghèo nàn, độ phì thấp, chủ yếu phù hợp trồng các loại cây lấy gỗ, cây ăn quả như vải thiều, dứa, cây công nghiệp như lạc, chè...
Tài nguyên nước: Hệ thống sông ngòi khá dày đặc, bao gồm hệ thống sông Thái Bình, sông Luộc, các sông trục Bắc Hưng Hải và An Kim Hải, có khả năng bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, cung cấp nguồn nước cho nhu cầu sản xuất của các ngành, đồng thời cũng là những tuyến giao thông thủy, tạo điều kiện tốt cho việc giao lưu hàng hóa trong tỉnh cũng như giữa Hải Dương với các tỉnh khác trong vùng.
Tài nguyên khoáng sản: không nhiều nhưng có một số loại có trữ lượng lớn, chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu để phát triển công nghiệp như đá vôi (trữ lượng khoảng 200 triệu tấn, đủ để sản xuất 4 - 5 triệu tấn xi măng/1 năm ); cao lanh (40 vạn tấn); sét chịu lửa (khoảng 8 triệu tấn)... Ngoài ra, tỉnh còn có tiềm năng về than đá, than bùn, đất sét, bô xít, thủy ngân và nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất vật liệu xây dựng. Nhìn chung, điều
kiện tự nhiên khá thuận lợi, tài nguyên không giàu nhưng cũng chưa quản lý, khai thác tốt, nhất là than, cát và đá.
Tài nguyên phục vụ du lịch trên địa bàn khá phong phú, nhất là trên hai huyện miền núi phía Đông Bắc tỉnh là Chí Linh và Kinh Môn.
Chí Linh núi đồi trùng điệp có độ cao trung bình không quá 400m, rừng cây xanh tốt, cảnh quan đẹp, có nhiều hồ nước tự nhiên, có nhiều di tích, di chỉ văn hoá: Khu danh thắng Phượng Hoàng - Kỳ Lân, là địa danh thích hợp cho du lịch dã ngoại, vãn cảnh, leo núi, tham quan di tích lịch sử; Khu du lịch danh thắng Côn Sơn, là nơi cảnh đẹp thiên nhiên - tâm linh gắn liền với cuộc đời của anh hùng dân tộc - danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi, với tên tuổi nhiều danh nhân đất Việt khác như Trần Nguyên Đán, Huyền Quang, đồng thời là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn - Yên Tử - Trúc Lâm).
Kinh Môn thuộc vùng núi đá vôi với nhiều hang động kỳ thú, nơi còn lưu lại di tích của người thời đại đồ đá mới: Núi An Phụ với đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu (thân phụ anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo) trên đỉnh và tượng đài người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo ở chân núi; hang động Kính Chủ và vùng núi đá vôi Dương Nham gắn liền với những trang sử hào hùng chống quân Nguyên của nhân dân ta.
Các huyện thuộc vùng đồng bằng cũng có tiềm năng du lịch phong phú nhờ có cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, làng quê trù phú mang đậm nét đặc trưng của văn hoá Bắc Bộ: khu miệt vườn vải Thanh Hà, nổi tiếng với cây vải tổ; làng cò (Chi Lăng Nam - Thanh Miện),Văn Miếu Mao Điền, gốm Chu Đậu...
Trên địa bàn tỉnh có nhiều di tích lịch sử văn hoá cách mạng, các làng nghề, các lễ hội truyền thống, ẩm thực, và các giá trị truyền thống và hiện đại khác, làm phong phú thêm nguồn tài nguyên du lịch của Hải Dương, tạo tiền đề phát triển ngành du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai.
Với đặc điểm tự nhiên như vậy, Hải Dương có điều kiện thuận lợi cho việc đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, phát triển du lịch, tạo ra nhiều cơ hội giải quyết việc làm cho người lao động.
2.1.2. Đặc điểm kinh tế xã hội
Ở Hải Dương hiện nay, nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chính đóng góp vào nền kinh tế và ổn định đời sống nhân dân trong tỉnh. Kinh tế nông nghiệp và nông thôn có bước chuyển biến khá mạnh nhờ chú trọng các biện pháp thâm canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tiên tiến, hình thành các vùng sản xuất tập trung. Hiện có gần 20% diện tích đất nông nghiệp đạt 50 triệu đồng/ ha trở lên, 208 trong số 513 cơ sở sản xuất cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, nuôi lợn... có quy mô trang trại được cấp giấy chứng nhận. Từ năm 1995 đến 2004, giá trị sản xuất nông nghiệp tính theo giá so sánh đã tăng từ 2160 tỷ đồng lên 3650 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2001-2004 tăng trung bình 5,53%/năm. Cơ cấu ngành trồng trọt giảm được 5,54%, ngành chăn nuôi tăng thêm 4,4% và ngành dịch vụ nông nghiệp tăng 1,2% so với năm 1995.
Những năm gần đây, công nghiệp đã trở thành ngành sản xuất chính đóng góp lớn vào phát triển kinh tế của tỉnh. GDP ngành công nghiệp -xây dựng duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, bình quân giai đoạn 1996-2000 đạt 10,6%, giai đoạn 2001-2004 đạt 14,79%; trong đó tăng trưởng mạnh nhất là ngành công nghiệp chế biến (16,4% và 15,36%); công nghiệp sản xuất điện nước (16,4% và 15,65%); công nghiệp khai khoáng (36,2% và 8,99%). Dự kiến 2001-2005 tăng trưởng toàn ngành công nghiệp - xây dựng đạt 14,5%. Năm 2004 tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 10810,5% tỷ đồng.
Đầu tư xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung, tạo môi trường, địa điểm và hạ tầng cơ sở thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghiệp đầu tư kinh doanh và phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 6 khu công nghiệp được phê duyệt với tổng diện tích 642,785ha, có 9 cụm công nghiệp với diện tích 504,97ha đã được tỉnh phê duyệt, hiện đã thu hút 102 dự án
với tổng diện tích cho thuê là 141,74ha và số vốn đăng ký là 1797 tỷ đồng, sử dụng được 22.896 lao động.
Các ngành dịch vụ đã có bước phát triển và chuyển dịch khá tốt, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống của nhân dân. Tốc độ tăng trưởng GDP các ngành dịch vụ bình quân hàng năm giai đoạn 1996-2000 là 12,4%/năm, giai đoạn 2001-2004 là 10,79%/năm. Năm 2004 giá trị tăng thêm (GDP) của ngành dịch vụ đạt 2109 tỷ đồng, gấp 2,69 lần so với năm 1995. Một số ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh như thương mại, đảm bảo lưu thông hàng hóa và vật tư cho sản xuất. Ngành du lịch hoạt động kinh doanh ổn định và có doanh thu cao hơn các năm trước, giai đoạn 2001-2004 tốc độ doanh thu bình quân 18,6%/năm.
Lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của tỉnh bao gồm tất cả các thành phần kinh tế, trong đó lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, trên 50%, trong đó 10% có trình độ đại học và 70% có trình độ trung và sơ cấp. Tuy vậy, Hải Dương vẫn chưa có được một đội ngũ doanh nhân giỏi, tinh thông nghiệp vụ kinh tế thị trường, đáp ứng yêu cầu kinh doanh và xuất nhập khẩu theo yêu cầu ngày càng cao.
Thu ngân sách những năm qua liên tục tăng. Năm 2004 có số doanh thu cao nhất từ trước tới nay, đạt 1855,87 tỷ đồng, tăng 63,4% so với năm 2003, trong đó thu nội địa tăng 61% so với năm 2003.
Vận tải hành khách, hàng hóa những năm qua phát triển nhiều nhờ hệ thống giao thông được cải thiện, các phương tiện vận tải được nâng cấp. Năm 2004 doanh thu vận tải hàng hóa và hành khách đạt 339,3 tỷ đồng, trong đó vận tải đường bộ chiếm 78,3%. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất hoạt động dịch vụ vận tải giai đoạn 1999-2004 là 17,5%.
Sự nghiệp giáo dục đào tạo tiếp tục được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương; chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng