Kỹ năng tự học là năng lực sử dụng hệ thống những tri thức, những kinh nghiệm mà chủ thể tự học đã tích luỹ được, nhằm tiến hành các hành động học tập để thực hiện một cách có hiệu quả mục đích và nhiệm vụ dạy học đề ra.
Một số kỹ năng tự học cơ bản:
- Kỹ năng sắp xếp thời gian tự học, kỹ năng đọc sách, kỹ năng giải các bài tập thực hành.
- Kỹ năng nghe và ghi chép bài giảng, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng vận dụng, kỹ năng rèn kuyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên...
- Kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá và xác nhận kết quả tự học của SV.
* Hình thành kỹ năng xây dựng kế hoạch tự học * Vai trò của việc lập kế hoạch
Việc lập kế hoạch tự học đòi hỏi SV phải có tính tự giác, tích cực, tính độc lập sáng tạo. Muốn nâng cao hiệu quả của hoạt động dạy học và hiệu quả của hoạt động tự học, đòi hỏi người thầy giáo cần hướng dẫn tri thức cơ bản về kế hoạc hoá hoạt động tự học cho SV, giúp họ phát huy hết năng lực tự học của mình. Tuy nhiên, kế hoạch tự học của SV chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó đảm bảo được những yêu cầu sau:
- Yêu cầu đối với việc lập kế hoạch tự học
+ Kế hoạch tự học phải có sự kết hợp giữa những điều kiện chủ quan và điều kiện khách quan ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch
+ Kế hoạch phải đảm bảo thực hiện được mối liên hệ ngược thường xuyên, kịp thời để có những biện pháp điều chỉnh hợp lý. Kết quả thu được từ mối liên hệ ngược sẽ là cơ sở cho hoạt động điều khiển, điều chỉnh kế hoạch, đồng thời giúp cho khâu tự đánh giá của SV trong quá trình tự học được chuẩn xác.
+ Khi lập kế hoạch tự học, SV phải lưu ý phối hợp hài hoà, hợp lý giữa các công việc, đảm bảo luân phiên giữa học tập và nghỉ ngơi.
+ Kế hoạch tự học phải đảm bảo tỉ lệ 1 giờ học trên lớp phải có ít nhất 1 giờ tự học ở nhà tương ứng.
* Quy trình hướng dẫn SV hình thành kỹ năng lập kế hoạch tự học
Bước 1: Hướng dẫn SV liệt kê những việc phải làm trong ngày và hiểu rõ sự cần thiết phải làm việc có kế hoạch.
Bước 2: SV dự định và phân chia thời gian cho từng công việc sao cho khoa học, hợp lý.
Bước 3: SV lập kế hoạch hành động với từng việc (Học bài cũ như thế nào? Tự kiểm tra mức độ nắm tri thức ra sao? Tự nghiên cứu bài mới như thế nào?...).
Bước 4: Thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra
Khi thực hiện kế hoạch đòi hỏi SV phải có tính kiên trì, nhẫn nại, khắc phục khó khăn và phải có ý chí vượt khó, phải có bản lĩnh vững vàng và nguyên tắc hoạt động tuân theo kế hoạch đã đề ra. Việc thực hiện kế hoạch đòi hỏi SV phải có tính linh hoạt và tính sáng tạo khi hoàn cảnh thay đổi, đồng thời cần có thời gian dự trữ để khắc phục khó khăn.
Bước 5: Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch
- GV giảng dạy và cán bộ quản lý khoa cần giúp SV nắm được kế hoạch tổng thể chung của khoa.
- Kế hoạch học tập bộ môn phải nằm trong kế hoạch tự học của SV. - SV phải lượng giá được khối lượng công việc trong học tập và thời gian tiến hành.
- SV phải có tính tự giác, tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện kế hoạch, đặc biệt là SV phải có ý chí vượt khó nhằm khắc phục khó khăn trong tự học.
- SV phải có kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả việc thực hiện kế hoạch của mình.
* Hình thành kỹ năng đọc sách cho SV * Vai trò của kỹ năng đọc sách
Đọc sách có một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tự học của SV. Đọc sách được coi như là một bộ phận của quá trình học tập, nó luôn gắn liền với hoạt động dạy của GV. Kỹ năng đọc sách giúp cho SV nắm vững, hệ thống tri thức, mở rộng, đào sâu tri thức, làm tăng thêm sự hiểu biết của bản thân.
Đọc sách giúp cho SV có thể phát triển nhận thức, phát triển trí tuệ, phát triển và trau dồi vốn ngôn ngữ...
* Quy trình đọc sách
Bước 1: SV xác định mục đích yêu cầu, nhiệm vụ học tập do GV đề ra và ý nghĩa của việc hoàn thành các nhiệm vụ đó.
Bước 2: Chọn sách và tài liệu phù hợp với sự hướng dẫn của GV. Sắp xếp sách và tài liệu theo thứ tự ưu tiên.
Bước 4: Đọc, phân tích những nội dung cơ bản cần đọc, xác định kiến thức cơ bản của vấn đề, khái quát hoá, hệ thống hoá nội dung đã đọc...
Bước 5: Ghi chép những thông tin đã xác định, đã khái quát được
Bước 6: Ghi nhớ những điều quan trọng và tái hiện lại bằng ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết.
Bước 7: Xác định khả năng ứng dụng của tri thức đã nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục và dạy học.
Bước 8: Vận dụng tri thức đã nghiên cứu để giải quyết các bài tập thực hành.
* Điều kiện để thực hiện quy trình đọc sách của sinh viên - Đối với giảng viên
Giúp SV xác định rõ mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của việc đọc sách. Giới thiệu cho SV những nội dung mà SV cần phải đọc, cần nắm vững, những tài liệu tham khảo cần tìm đọc. Giảng viên cần giúp SV phân loại tài liệu bắt buộc cần phải đọc và những tài liệu hỗ trợ khác để việc đọc sách của SV có sự tập trung, tránh dàn trải.
GV có những chỉ dẫn cụ thể cho SV về cách đọc sách, ghi chép, xây dựng đề cương nghiên cứu, viết tóm tắt nội dung nghiên cứu và cách vận dụng tri thức tự nghiên cứu vào thực tiễn giáo dục và dạy học.
GV cần có biện pháp kiểm tra việc đọc sách của SV và hướng dẫn họ cách tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả đọc sách của mình.
- Đối với sinh viên
+ SV cần lập kế hoạch cho việc đọc sách
+ SV cần có nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách.
+ SV phải thực sự độc lập, tích cực, tự giác trong quá trình đọc sách. Và để đọc sách có hiệu quả SV phải hình thành cho mình hàng loạt kĩ năng đọc
sách: Kỹ năng chọn sách, xác định mục đích chọn sách, đọc nhanh, chậm, kỹ năng phân tích, tổng hợp, so sánh, trừu tượng, khái quát...
+ SV phải biết tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả nghiên cứu của mình.
* Về phía khoa
- Tạo điều kiện về địa điểm cho SV để SV có thể đọc sách
- Khoa cần phải có hệ thống thư viện với đầy đủ tiện nghi để phục vụ cho việc đọc sách của SV
- Cung cấp đầy đủ sách và tài liệu giáo trình cho SV.
* Hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học cho SV
Nghiên cứu khoa học là hoạt động trí tuệ nhằm thoả mãn nhu cầu nhận thức và cải tạo thế giới, nó có ba chức năng: khám phá mọi bí mật hay bản chất của sự vật hiện tượng, phát hiện ra tính quy luật của sự vật hiện tượng, xây dựng nên các lý thuyết mới nhằm cải tạo thực trạng. Nghiên cứu khoa học là hoạt động tạo ra môi trường giúp SV thể hiện sự tự học ở mức độ cao của bản thân. Muốn nghiên cứu khoa học, SV phải có các kỹ năng: xác định vấn đề nghiên cứu, xây dựng đề cương nghiên cứu, kỹ năng đọc sách, kỹ năng giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu, kỹ năng viết công trình nghiên cứu...
* Quy trình hình thành kỹ năng nghiên cứu khoa học
Bước 1: Chọn đề tài nghiên cứu
Bước 2: Tiến hành xây dựng đề cương nghiên cứu Bước 3: Tiến hành nghiên cứu khoa học
- Nghiên cứu lí thuyết - Nghiên cứu thực tiễn - Xin ý kiến chuyên gia
- Xây dựng lý thuyết khoa học mới và đề xuất các biện pháp cải tạo thực trạng.
Bước 4: Viết công trình nghiên cứu
Công trình nghiên cứu phải được trình bày khoa học, lôgíc giữa các phần, khối lượng thông tin giữa các phần phải tương xứng với nhau.
* Điều kiện để thực hiện quy trình
- SV phải có năng lực làm việc độc lập với sách, phải có năng lực quan sát các hiện tượng giáo dục, dạy học.
- Phương pháp giảng dạy cần đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực tự học, tự nghiên cứu của SV, phải bồi dưỡng năng lực phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề cho SV.
- GV cần tăng cường việc đề ra các nhiệm vụ nhận thức cho SV: hoạt động tự học của SV được xác định bởi các bài tập mà GV giao cho. Chính việc đề ra các bài tập nhận thức sẽ giúp cho SV định hướng được nội dung tự nghiên cứu và sắp xếp thời gian tự nghiên cứu. Việc đề ra các nhiệm vụ nhận thức cho SV có ý nghĩa rất quan trọng, có tác dụng trong việc định hướng cho hoạt động tự học của SV.
- GV phải là người có năng lực nghiên cứu khoa học và biết cách hướng dẫn SV cách thức tiến hành nghiên cứu khoa học.
* Hình thành kĩ năng tự kiểm tra, tự đánh giá cho SV
Kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá có vai trò rất quan trọng trong quá trình học tập ở đại học của SV, nó giúp SV tự điều chỉnh hoạt động học của mình để đi tới mục tiêu học tập đã đề ra. Kỹ năng tự kiểm tra, tự đánh giá của SV không hình thành một cách tự phát mà nó được hình thành thông qua quá trình dạy học ở đại học: thông qua phương pháp giảng dạy và phương pháp kiểm tra, đánh giá của GV, thông qua các biện pháp tổ chức học phối hợp
giữa GV và SV, thông qua quá trình thảo luận nhóm và thảo luận toàn lớp... Kiểm tra, đánh giá là quá trình giúp SV xác định thực trạng học tập của mình, so sánh đối chiếu với yêu cầu của các nhiệm vụ học tập đề ra trên cơ sở đó tự điều khiển, tự điều chỉnh hoạt động học tập của mình nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động tự học. Để tự kiểm tra, tự đánh giá, đòi hỏi SV phải có kỹ năng nhận thức, kỹ năng xác định các mục tiêu của bài học, kỹ năng tham gia thảo luận, tranh luận, kỹ năng hợp tác, kỹ năng tái hiện nội dung tri thức đã học bằng ngôn ngữ nói hoặc ngôn ngữ viết...
* Quy trình hình thành kỹ năng tự kiểm tra
Bước 1: SV xác định được mục tiêu bài học theo chỉ dẫn của GV
Bước 2: SV tự nghiên cứu hoặc hợp tác với thầy, với bạn bè để hoàn thành các mục tiêu học tập
Bước 3: SV trả lời các câu hỏi trắc nghiệm trong tài liệu hướng dẫn tự học bằng ngôn nói hoặc viết
Bước 4: So sánh kết quả tự học với đáp án, nếu đúng SV có thể chuyển sang nghiên cứu nội dung khác, nếu sai SV quay lại nghiên cứu lại những nội dung chưa nắm vững hoặc có thể trao đổi thông tin với bạn, với thầy... tìm ra cách trả lời đúng nhất.
* Điều kiện để thực hiện quy trình
- GV cần biên soạn tài liệu hướng dẫn tự học cho SV và hướng dẫn SV cách tự kiểm tra, tự đánh giá về mức độ hoàn thành hay chưa hoàn thành.
- SV phải nắm vững các mục tiêu học tập cần hoàn thành và phải có ý thức hoàn thành các mục tiêu đó
- SV phải có kỹ năng phân tích, đánh giá kết quả bài trắc nghiệm của mình.