hình lƣới không dây
Dựa trên mô hình giải tích đề xuất và kiểm chứng bằng phương pháp phân tích số, luận án đề xuất một tham số định tuyến phản ánh nhiễu IARM ứng dụng cho WMN dựa trên IEEE 802.11. Giải pháp kết hợp thành phần tham số cho phép cải thiện độ chính xác của bài toán xác định chất lượng liên kết không dây và không gia tăng độ phức tạp tính toán khi tận dụng thủ tục sẵn có của giao thức định tuyến OLSR. Tham số định tuyến IARM đã được chứng minh tính tương thích khi kết hợp với giao thức định tuyến OLSR và cho thấy các kết quả cải thiện hiệu năng trên các khía cạnh như trễ trung bình, tỷ lệ chuyển phát thành công và tỷ lệ tổn thất gói tin cũng như thông lượng toàn mạng qua các kết quả mô phỏng số. Các đóng góp chính trong nhóm kết quả này gồm:
Xây dựng cấu trúc, thành phần tham số định tuyến QoS mới phản ánh nhiễu IARM với các phân tích chứng minh tính tương thích của tham số với thuật toán Dijktra;
Sửa đổi và xây dựng module tính toán định tuyến của giao thức OLSR để tích hợp với tham số định tuyến IARM;
Mô phỏng và chiết xuất các kết quả liên quan tới các tham số hiệu năng mạng gồm trễ, tỷ lệ chuyển phát gói tin thành công, tỷ lệ tổn thất gói tin và thông lượng mạng khi lưu lượng đầu vào thay đổi. So sánh mức cải thiện hiệu năng mạng khi sử dụng OLSR-IARM để xuất với OLSR nguyên gốc.
Bằng các phân tích lý thuyết và các kết quả mô phỏng được trình bày trong luận án đã cho thấy một số ưu điểm nhất định của tham số định tuyến đề xuất. Tuy nhiên, những vấn đề sau vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu tiếp và được trình bày ở đây như là hướng nghiên cứu cần tiếp tục.
Trong một số ứng dụng thực tiễn yêu cầu hạ tầng WMN đáp ứng các điều kiện QoS chặt chẽ của ứng dụng như trễ, tỷ lệ tổn thất gói tin tối đa, băng thông tối thiểu,... Vì vậy, các quyết định định tuyến đảm bảo QoS của ứng dụng cần hỗ trợ các cơ chế xác định yêu cầu đầu vào và bổ sung điều kiện ràng buộc định tuyến. Điều này cũng dẫn tới các mục tiêu tối ưu mới vừa nhằm thỏa mãn yêu cầu của ứng dụng và tính khả thi tính toán định tuyến trong môi trường thực tiễn.
Mạng hình lưới không dây có thể được triển khai trên nhiều công nghệ lớp 2 khác nhau ngoài IEEE 802.11 như IEEE 802.15 hay IEEE 802.16. Vì vậy, hướng tiếp cận của luận án có thể được tiếp tục nghiên cứu với các dạng công nghệ và giao thức điều khiển truy nhập khác nhằm mở rộng và phát triển các kết quả của luận án.
Vấn đề nhiễu và tác động của nhiễu trong WMN rất đa dạng và phức tạp. Bên cạnh nhiễu liên luồng và xung đột đã được đề cập trong luận án, các tác động nhiễu nội luồng, nhiều từ các nguồn bên ngoài môi trường cũng là các vấn đề mở cần tiếp tục được nghiên cứu.
Công cụ mô phỏng sự kiện rời rạc có ý nghĩa rất lớn trong mục tiêu phân tích đánh giá các thủ tục lớp cao của mạng truyền thông. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiệu năng sử dụng đa dạng loại công cụ khác nhau để kiểm chứng kết quả giải pháp đề xuất tùy thuộc vào ưu thế của công cụ mô phỏng với bài toán đề xuất. Vì vậy, tiếp cận của luận án cần tiếp tục phát triển và mở rộng với các công cụ mô phỏng hoặc các giải pháp phân tích số khác.
Trên đây là một số kết luận và hướng kiến nghị tiếp theo của luận án, nghiên cứu sinh chân thành cảm ơn các thầy hướng dẫn khoa học và các nhà khoa học đã định hướng và phản biện để giúp nghiên cứu sinh hoàn thành luận án.