KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 1 KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC LẤY Ý KIẾN SINH VIÊN VỀ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY CỦA GIẢNG VIÊN TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH (Trang 55 - 57)

1. KẾT LUẬN

Công tác lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên đã được thực hiện từ những năm đầu thế kỷ 20 và là một trong những hoạt động thường xuyên ở nhiều trường đại học trên thế giới. Tại Việt Nam, việc tổ chức lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy bắt đầu từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục đại học vào năm 2004. Hưởng ứng chủ trương này, tại ĐHQG - HCM, các đơn vị thành viên bao gồm Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhăn văn, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Quốc tế, Trường Đại học Công nghệ thông tin, Khoa Kinh tế đã tiến hành lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy, điều kiện phục vụ học tập, chương trình đào tạo… nhằm mục tiêu góp phần cải thiện chất lượng đào tạo của nhà trường.

Với mục đích tìm hiểu thực trạng quản lý công tác lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên tại ĐHQG - HCM, chúng tôi đã nghiên cứu các tài liệu về công tác lấy ý kiến sinh viên tại các trường đại học trong và ngoài nước, tham khảo ý kiến một số chuyên gia trong lĩnh vực quản lý, phỏng vấn một số lãnh đạo và cán bộ quản lý trực tiếp tham gia công tác lấy ý kiến sinh viên, tiến hành điều tra bằng bảng hỏi đối với ba đối tượng chính là CBQL, GV, và SV tại 6 đơn vị thành viên của ĐHQG – HCM.

Khi tiến hành lấy ý kiến sinh viên, các trường thành viên của ĐHQG – HCM đã xác định rõ hai mục đích chính của công tác này, một là bước đầu giúp cho cả CBQL, GV và SV làm quen với công tác lấy ý kiến sinh viên, hai là nhằm để cải thiện hoạt động giảng dạy của giảng viên, tạo ra mối quan hệ, trao đổi giữa thầy và trò trong quá trình dạy học. Do đó, công tác này được sự ủng hộ từ nhiều phía, lãnh đạo nhà trường, CBQL, GV và SV.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù các đơn vị có xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, kiểm tra giám sát công tác lấy ý kiến sinh viên, nhưng mức độ thực hiện vẫn chưa được đánh giá cao đặc biệt là có rất ít CBQL, GV xác nhận việc các trường “có” sử dụng kết quả điều tra nhằm cải tiến chất lượng giảng dạy của giảng viên tại trường. Thêm vào đó, việc thực hiện công tác tổ chức lấy ý kiến sinh viên tại các đơn vị diễn ra không được đầy đủ và đồng đều. Một số đơn vị thực hiện công tác trên được đánh giá khá, và trung bình khá, nhưng cũng có đơn vị thực hiện công tác ấy ở được đánh giá ở mức trung bình. Vì vậy chúng tôi có thể kết luận: công tác quản lý việc lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên tại các trường thành

viên ĐHQG - HCM có ưu điểm là được sự hưởng ứng nhiệt tình của các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên, tuy nhiên việc lên kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát và sử dụng kết quả điều tra tại các đơn vị chưa được thực hiện đầy đủ và đồng bộ.

2. KIẾN NGHỊ

Dựa trên kết quả nghiên cứu lý thuyết, phỏng vấn và điều tra bằng bảng hỏi, chúng tôi xin đề xuất một số kiến nghị nhằm góp phần gia tăng hiệu quả của công tác quản lý lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên tại các trường thành viên ĐHQG – HCM như sau:

Một là tăng cường tập huấn nâng cao nhận thức về ý nghĩa của công tác lấy ý kiến sinh viên cho CBQL, GV, SV để đảm bảo các thông tin thu thập có giá trị, đặc biệt chú trọng phổ biến thông tin lấy ý kiến sinh viên một cách rộng rãi và dễ tiếp cận tại nhà trường.

Hai là nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý công tác lấy ý kiến sinh viên bằng hình thức đào tạo cán bộ có chuyên môn sâu về các lĩnh vực xử lý số liệu, có kiến thức về tâm lý – giáo dục tốt. Ngoài ra, nhà trường cần xây dựng chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút những cán bộ giỏi, có nhiều sáng kiến trong công tác quản lý làm việc tại trường.

Đề xuất thứ ba và cũng không kém phần quan trọng là nhà trường cần hoàn thiện công cụ lấy ý kiến sinh viên thông qua việc trao đổi với cán bộ giảng viên, tham khảo ý kiến chuyên gia, để thiết kế mẫu phiếu sao cho tốt hơn và thực sự phù hợp với từng ngành học.

Cuối cùng là đề xuất liên quan đến việc đẩy mạnh hiệu quả sử dụng kết quả thu thập ý kiến sinh viên. Nhà trường cần xây dựng đầy đủ các quy định về việc sử dụng kết quả thu thập ý kiến sinh viên, quy trình phối hợp giữa các bộ phận thu thập, xử lý và sử dụng kết quả để tất cả CBQL, GV trong trường cùng biết và thực hiện.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG QUẢN LÝ CÔNG TÁC LẤY Ý KIẾN SINH VIÊN VỀ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY CỦA GIẢNG VIÊN TẠI ĐẠI HỌC QUỐC GIA TP. HỒ CHÍ MINH (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(70 trang)