Kiến nghị với nhà nước.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình tổ chức thực hiện hợp đồng nhập khẩu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viglacera (Trang 80 - 85)

Biểu đồ 2.2: Thể hiện thu nhập bình quân/người của Công ty

3.4.2.Kiến nghị với nhà nước.

Bất cứ một doanh nghiệp nào đều phải hoạt động trong một môi trường kinh doanh phức tạp, đa dạng và phong phú. Đó là: môi trường chính trị, luật pháp, văn hoá, xã hội, marketing… Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viglacera cũng là một thực thể trong nền kinh tế, cũng không nằm ngoài quy luật vận động và các tác động, chi phối mạnh mẽ của các yếu tố môi trường kinh doanh trên. Các yếu tố này có tác động trực tiếp: thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của Công ty nói chung và hoạt động nhập khẩu nói riêng. Đây là những nhân tố

khách quan mà các doanh nghiệp không thể tự điều chỉnh được, đòi hỏi phải có sự quản lý vĩ mô của Nhà nước. Vì vậy, để hoạt động tổ chức thực hiện hợp đồng nhập khẩu của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viglacera được hoàn thiện hơn em xin đưa ra một vài kiến nghị với các cơ quan nhà nước như sau:

3.4.2.1. Hoàn thiện chính sách và cơ chế quản lý nhập khẩu theo hướng đơn giản, thông thoáng, phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Hiện nay, nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giảm bớt các thủ tục rườm rà trong quá trình nhập khẩu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các nghiệp vụ nhập khẩu. Để tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu, trong các năm tiếp theo nhà nước nên tiến hành các công việc sau:

Đơn giản hoá các thủ tục nhập khẩu, bỏ bớt các thủ tục rườm rà gây cản trở quá trình nhập khẩu, để tiết kiệm thời gian, tiền của và công sức cho các doanh nghiệp. Đồng thời thực hiện chính sách một cửa, một dấu một cách triệt để và có hiệu quả. Tránh hiện tượng chồng chéo về quản lý do không phân cấp rõ ràng giữa các cấp. Bổ sung những người trẻ, có năng lực, hiểu biết và có chuyên môn cho công việc nhập khẩu.

Về thuế nhập khẩu: Nhà nước cần quy định rõ ràng về thuế suất nhập khẩu đối với từng loại mặt hàng và kèm theo đó là bản mô tả về mặt hàng chịu thuế. Ngoài ra, nhà nước nên điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu sao cho hợp lý hơn. Cụ thể: giảm hoặc miễn thuế đối với các mặt hàng phục vụ công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước như nguyên vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, các phụ kiện, vật tư, hoá chất phục vụ sản xuất các mặt hàng thuỷ tinh, gốm sứ xây dựng mà Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viglacera đang nhập khẩu.

Ngoài ra, Nhà nước cần có các biện pháp hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, các hoạt động gian lận thương mại, cụ thể là tăng cường việc dán tem nhập khẩu các mặt hàng sứ vệ sinh, gạch ốp lát nhằm đảm bảo công bằng cho hoạt động kinh doanh nhập khẩu của Công ty, từ đó đảm bảo cho hoạt động nhập khẩu của Công ty phát triển.

3.4.2.2. Ban hành các văn bản luật chặt chẽ hơn.

Thực tế hiện nay hệ thống pháp luật của Việt Nam còn chưa chặt chẽ và có khe hở để các tổ chức cũng như các cá nhân có thể lợi dụng. Cụ thể: trong luật hải quan có quy định ở Điều 30 về hình thức kiểm hoá hàng nhập khẩu: cán bộ hải quan kiểm tra xác xuất thực tế hàng hoá không quá 10% đối với những lô hàng bình thường nhưng có thể kiểm tra toàn bộ

lô hàng nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trên thực tế khi làm thủ tục nhận hàng, cán bộ hải quan ra lệnh phải mở tất cả các lô hàng, dù không phát hiện được bất cứ dấu hiệu vi phạm nào, gây lãng phí thời gian, tiền của, công sức của các cán bộ nhập khẩu và nhân viên hải quan. Cho nên, một đề xuất đối với Nhà nước ở đây là ban hành các văn bản luật sao cho chặt chẽ hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình XNK hàng hoá.

3.4.2.3. Hoàn thiện các thủ tục hải quan

Cơ quan hải quan cần tạo điều kiện thuận lợi và giúp đỡ các doanh nghiệp XNK về thủ tục, giấy tờ… Hơn nữa, cơ quan hải quan cần có những cán bộ có năng lực, am hiểu chuyên môn về các lĩnh vực liên quan đến ngành nghề của các công ty để giảm bớt thủ tục gây mất thời gian cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nâng cao hơn nữa kiến thức về TMQT cho cán bộ làm công tác nhận tờ khai hải quan. Cơ quan hải quan cũng nên ứng dụng công nghệ thông tin vào trong quá trình làm việc, đẩy nhanh quá trình thử nghiệm làm thủ tục hải quan trực tuyến để tránh gây mất thời gian, công sức và các tiêu cực trong quá trình doanh nghiệp làm các nghiệp vụ liên quan đến hải quan. Một điểm nữa là Nhà nước cần làm trong sạch hoá đội ngũ cán bộ hải quan để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp XNK và tránh phiền hà cho các doanh nghiệp này.

3.4.2.4. Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc hiện đại.

Trong giai đoạn công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, để không bị tụt hậu với thế giới, chúng ta buộc phải có một cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc hiện đại. Nhất là quá trình hội nhập, yêu cầu về cơ sở hạ tầng lại ngày càng cấp thiết.

Cơ sở hạ tầng tốt sẽ tạo điều kiện và cơ hội phát triển cho nền kinh tế nói chung và cho hoạt động nhập khẩu nói riêng. Nhờ có mạng lưới thông tin hiện đại, chúng ta sẽ có những thông tin cập nhật nhất, nóng nhất với chi phí thấp nhất, từ đó có chiến lược kinh doanh nhập khẩu đúng đắn hơn, hợp lý hơn. Công tác tổ chức thực hiện hợp đồng nhập khẩu của các doanh nghiệp cũng nhờ đó mà được thực hiện tốt hơn.

Xu hướng phát triển hiện nay là TMQT, đó là thương mại điện tử. Để có thể tồn tại, các doanh nghiệp của Việt Nam không thể không hoà mình vào xu thế chung của thời đại. Cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc sẽ là nền tảng vững chắc, là điều kiện cần thiết để các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử, từng bước hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Thông qua thương mại điện tử, thay bằng việc buôn bán thông thường, các doanh nghiệp có thể tìm thấy thông tin nguồn hàng, khách hàng…thông qua mạng Internet, các

trang Web và chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, các hình thức buôn bán B2C và B2B. Chính vì vậy các doanh nghiệp nên xây dựng cho mình một Website có thể nói là một kênh thông tin, quảng bá, tuyên truyền và buôn bán trên mạng Internet.

3.4.2.5. Một số giải pháp, chính sách khác.

• Duy trì các chính sách thúc đẩy phát triển TMQT: Nhà nước cần kiên trì thực hiện chiến lược phát triển kinh tế hướng ngoại, gắn nền kinh tế quốc gia tham gia vào nền kinh tế thế giới để có thể học hỏi và tiếp thu những khoa học, phát minh tiên tiến của con người.

• Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại: điều này nhằm cung cấp thông tin về kinh doanh quốc tế nói chung và doanh nghiệp kinh doanh quốc tế nói riêng. Nên tận dụng sức mạnh kết nối của Internet, đây thực sự là một công cụ hữu hiệu, đắc lực với chi phí thấp và hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Vì thế doanh nghiệp và các ban ngành liên quan cũng nên lưu ý và sử dụng công cụ này. Tổ chức các chương trình đào tạo, mở lớp bồi dưỡng và nâng cao kiến thức chuyên ngành TMQT cho cán bộ kinh doanh của doanh nghiệp.

Tóm tắt chương 3

Qua việc tổng kết sức mạnh nội tại và cơ hội, thách thức của Công ty ở phần đầu chương, chúng ta nhận thấy: bên cạnh sức mạnh nội tại (điểm mạnh, điểm yếu) của chính bản thân Công ty thì thời cuộc cũng đang tạo ra những cơ hội cũng như những thách thức đối với công tác tổ chức thực hiện hợp đồng nhập khẩu của Công ty. Vì vậy, trong chương này em đã mạnh dạn đưa ra một số giải pháp và kiến nghị để có thể kết hợp và phát huy hài hoà những điểm mạnh và cơ hội, hạn chế và khắc phục những điểm yếu và thách thức nhằm hoàn thiện hơn quy trình tổ chức thực hiện hợp đồng nhập khẩu của Công ty. Những giải pháp và kiến nghị này được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tế ở Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viglacera và điều kiện kinh tế của Việt Nam cũng như xu hướng phát triển chung của thế giới. Và chắc chắn rằng không những chỉ doanh nghiệp mới cần có kế hoạch mà ngay cả cơ quan nhà nước cũng cần phải có chính sách đúng đắn, tạo điều kiện chắp cánh cho doanh nghiệp khởi sắc cùng bạn bè thế giới.

KẾT LUẬN

Đất nước ta đang từng bước hội nhập với nền kinh tế thế giới, hoà mình vào trào lưu chung của xã hội, với bước khởi đầu là gia nhập tổ chức ASEAN, AFTA, APEC… và tiếp

đến là tổ chức thương mại thế giới WTO (tháng 11/2006). Để có được những thành công trên, Việt Nam đã có những cố gắng rất lớn trong việc cải thiện vị trí và hình ảnh của mình trên diễn đàn kinh tế khu vực cũng như trên thị trường quốc tế. Các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế chính là bộ mặt để các nước bạn đánh giá sự phát triển của Việt Nam trên con đường cải cách và đổi mới. Vì vậy, vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh XNK nói chung là vô cùng quan trọng.

Qua hơn 30 năm xây dựng, hoạt động và trưởng thành, Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng Viglacera cũng như trung tâm xuất nhập khẩu - Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viglacera - đã trải qua nhiều khó khăn thử thách, nhưng họ vẫn đứng vững và ngày càng phát triển. Hoạt động của Công ty luôn đem lại lợi nhuận cao, do vậy đã góp phần không nhỏ đóng góp cho ngân sách nhà nước, mang lại việc làm và thu nhập cho người lao động.

Quy trình tổ chức thực hiện hợp đồng nhập khẩu của Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viglacera tuy đã khá hoàn thiện song không tránh khỏi những điểm còn hạn chế. Qua thời gian thực tập, trên cơ sở xem xét thực trạng của Công ty, em xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhỏ. Hy vọng rằng Công ty có thể sử dụng những biện pháp đó để có thể nâng cao hiệu quả cho quá trình nhập khẩu của mình.

Tuy nhiên, do thời gian và khả năng bản thân còn hạn chế, nên bài viết này không thể tránh khỏi thiếu sót, em rất mong được sự nhận xét và góp ý của quý thầy cô và các bạn để chuyên đề của em được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình tổ chức thực hiện hợp đồng nhập khẩu tại Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Viglacera (Trang 80 - 85)