4. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT)
4.2.1. Túi và màng mỏng PE
o Điểm mạnh
Khả năng cạnh tranh của các công ty Việt Nam sản xuất túi và màng mỏng PE được đánh giá là còn khiêm tốn. Họ có lợi thế ngắn hạn về lao động, có năng lực trong in ấn, nhu cầu trong nước tăng và đã thiết lập được cái mối quan hệ ban đầu cũng như tạo được hình ảnh với khách hàng quốc tế.
Lợi thế lao động chủ yếu thuộc về ngành sản xuất túi do lao động chân tay thay thế máy móc tự động. Lợi thế này cũng được áp dụng cho các thay đổi trong sản xuất và khi máy móc tạm nghỉ hoặc quá công suất. Tuy nhiên, lợi thế này chỉ để cạnh tranh lại với các nước phát triển, không thể cạnh tranh với các nước ASEAN và Trung Quốc.
Năng lực in ấn: Một số nhà sản xuất Việt Nam đã thể hiện khả năng có thể sản xuất ra loại túi in đẹp đồng thời cũng có khả năng thực hiện được và thực hiện nhanh các đơn hàng nhỏ. Đây sẽ là một lợi thế cho các nhà sản xuất của Việt Nam nếu so sánh với nhà sản xuất Trung Quốc. Sự phát triển nhanh của nhu cầu trong nước cũng hỗ trợ xuất khẩu. Ví dụ, cung ứng bao bì nhựa cho các công ty xuất khẩu thực phẩm, thiết bị điện tử và hàng may mặc tăng lên sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển của ngành sản xuất.
Các công ty cũng đã tạo dựng được mối quan hệ với các khách hàng quốc tế và mối quan hệ này ngày càng được củng cố. Hơn nữa, Việt Nam đã tạo dựng được hình ảnh của mình ở các nước phát triển và đây là cơ sở tạo thuận lợi cho quá trình xuất khẩu.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có khả năng giảm độ dày của màng mỏng thông qua việc lựa chọn tối ưu nguyên liệu nhựa. Nguồn cung ứng nguyên liệu cho Việt Nam được coi là đáp ứng nhu cầu.
Năng suất có liên quan đến quy mô vận hành, càng vận hành lâu thì tác động của việc khởi động càng thấp. Độ dài của các lần vận hành có thể bị giới hạn. Năng suất cũng liên quan đến kích cỡ máy móc và số lượng các trục lăn tham gia sản xuất trong một đơn vị thời gian và có liên quan trực tiếp đến số lượng công nhân cần thiết để điều khiển một máy. Trong ngành sản xuất màng mỏng, việc làm sạch máy móc cũng là một yếu tố quan trọng để tránh tình trạng bong bóng xì hơi. Trừ một vài ngoại lệ, máy móc chủ yếu được nhập từ Đông Nam Á. Nguyên liệu nhựa thường được đóng trong các container một tấn, túi 25 kg mà không đựng trong các silo như đang thịnh hành ở Châu Âu và Hoa Kỳ. Chi phí lao động thấp là yếu tố cho phép cách thức cung ứng nguyên liệu theo số lượng nhỏ như vậy. Vì vậy, năng suất sản xuất màng mỏng cho ngành nói chung được coi là thấp nếu đánh giá theo các tiêu chuẩn quốc tế. Có một số ngoại lệ là các công ty thuộc sở hữu nước ngoài có phân xưởng sản xuất ở nước ngoài để tham chiếu, ví dụ ở Đức.
o Điểm yếu
Một trong số rất nhiều điểm yếu mà các công ty Việt Nam phải vượt qua là cung cấp nguyên liệu, điều hành hoạt động, chất lượng lao động và các vấn đề hậu cần.
Cung cấp nguyên liệu: Cho đến nay, hầu hết các công ty chưa đạt được khối lượng tới hạn để có thể có điều kiện thương lượng tốt nhất về giá nhựa. Ngoài ra, việc phụ thuộc vào nhựa nhập khẩu cũng tạo ra rủi ro về biến động giá cả lớn cho dù tình huống này đã được cải thiện nhờ các mối quan hệ giữa các nhà cung cấp nhựa và các công ty sản xuất bao bì nhựa. Các công ty sản xuất bao bì nhựa không có đủ năng lực để kiểm tra các loại nhựa mới. Kiến thức về sự phát triển của ngành nhựa vẫn còn khiêm tốn. Việc theo dõi tình hình phát triển nguyên liệu nhựa phân huỷ sinh học cũng còn hạn chế. Việc đảm bảo thực hiện các chứng chỉ hoạt động trên cơ sở các quy tắc thông thường của Châu Âu thường rất quan trọng. Ngành nguyên liệu nhựa tổng hợp gần như chưa xuất hiện ở Việt Nam. Ngành này chính là một ưu thế cho lĩnh vực nhựa tổng hợp vì nó có thể bổ sung thêm những thuộc tính đặc trưng cho các chủng loại nguyên liệu nhựa.
Hiệu quả hoạt động: Khảo sát các phân xưởng sản xuất đã cho thấy nhu cầu về việc hợp lý hoá các qui trình sản xuất ở cấp độ phân xưởng. Tương tự, việc thực hiện các quy trình kiếm soát chất lượng cũng không theo hệ thống. Vì thế tạo ra một vài rủi ro về việc vận hành không phù hợp.
Chất lượng lao động: Hầu hết các công ty đều nhận thức được rằng cần đào tạo bài bản và hiệu quả hơn về kỹ năng quản lý và chuyên môn, đặc biệt hiện còn thiếu các năng lực về quản lý bán hàng xuất khẩu ở cấp độ công ty.
Hậu cần: Có thể dễ dàng nhận thấy sự thiếu hợp lý trong chuỗi hậu cần xuất khẩu, bao gồm các chi phí “ngầm” phát sinh trong quá trình giao dịch.
o Cơ hội
Các nước đang phát triển có thể cạnh tranh với các nước phát triển về bao bì bán lẻ nhựa PE nhờ có giá rẻ và có thể vận chuyển theo đường biển. Trên thực tế, một số công ty sản xuất bao bì ở các nước phát triển đã chuyển hoạt động sản xuất của họ sang các nước đang phát triển nhằm tận dụng chi phí lao động rẻ.
Thuế chống bán phá giá: Hoa Kỳ sử dụng khoảng 100 tỷ túi mua hàng PE mỗi năm. Hiện nay nước này đang áp thuế chống phá giá từ 84 đến 130% đối với bao bì nhựa nhập từ Trung Quốc, 35 đến 123% với bao bì nhập từ Thái Lan và 82 đến 102% với bao bì nhập từ Malaysia nhằm thu lại 300 triệu USD mỗi năm để bù lại nguồn thất thoát từ các mặt hàng túi mua hàng bán dưới giá trị nhập từ các nước này do các công ty sản xuất tại Hoa Kỳ khiếu nại. Các mức thuế chống bán phá giá này đã buộc các nhà nhập khẩu mua các loại túi nhựa từ các thị trường khác trong đó có Việt Nam. Ngay sau khi biết về các quyết định áp thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ đã thông báo cho Hiệp hội Nhựa Việt Nam về nhu cầu của các công ty Hoa Kỳ đối với các sản phẩm nhựa nhập khẩu, đặc biệt là túi nhựa nhằm tăng doanh thu cho các nhà sản xuất nhựa của Việt Nam. Tuy nhiên, đây chỉ là cơ hội trong ngắn hạn doViệt Nam cũng có thể có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá.
Một cơ hội khác nữa là các quy định bảo vệ môi trường mới đối với các sản phẩm làm từ nhựa ở các nước phát triển ngày càng nhiều. Gần đây chính phủ Nam Phi đã cấm sử dụng túi 15 micron và yêu cầu sử dụng loại túi sử dụng nhiều lần dày 30 micron. Các chuyên gia phân tích ngành nhựa hy vọng ngành sẽ tăng kim ngạch nhập khẩu các nguyên liệu nhựa thô nhằm sản xuất ra sản phẩm phù hợp với các quy định mới này.
Hoa Kỳ là một nước nhập khẩu nhựa lớn sử dụng cho nông nghiệp. Hoa Kỳ ít quan tâm đến các vấn đề môi trường hơn Châu Âu.
o Thách thức
Trong số các thách thức lớn nhất mà các công ty sản xuất bao bì nhựa ở Việt Nam đang phải đối mặt chính là là xu hướng bảo vệ môi trường và các biện pháp chống bán phá giá ở các nước phát triển.
Các loại túi mua hàng mỏng dùng một lần đang chịu sự phản đối lớn từ các tổ chức bảo vệ môi trường. Ở một vài nước các nhà phân phối đã tự nguyện không nhập khẩu và ở một vài nước khác đã có quy định pháp lý cấm mặt hàng này. Xu hướng này có thể sẽ còn tiếp tục và đây chính là mối quan ngại của cả các nước phát triển và kém phát triển hơn.
Các sản phẩm túi đựng rác cũng đang dần chuyển sang loại túi nhựa sinh học. Có rất nhiều lý do lý giải cho hiện tượng này, không chỉ đơn thuần là vấn đề bảo vệ môi trường mà còn nhằm mục tiêu tạo ra rào cản xâm nhập thị trường đối với các nhà sản xuất có chi phí thấp, đặc biệt là các nhà sản xuất ở Đông Nam Á. Những nhà sản xuất này có thể tận dụng polyolefin để có thể cạnh tranh về chi phí. Màng mỏng phủ cũng được chuyển sang dùng nhựa sinh học và sẽ phải trải qua các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng về mức độ phân huỷ trong các điều kiện thực tế. Các doanh nghiệp sản xuất cần phải vượt qua các cuộc kiểm tra này.
Các biện pháp chống bán phá giá áp dụng cho các nhà sản xuất Châu Á khác cũng sẽ có thể được áp dụng với Việt Nam.