Sự cần thiết phải thu hút FDI tại Tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Phú Thọ: Thực trạng và giải pháp (Trang 34 - 37)

II. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀ

1.Sự cần thiết phải thu hút FDI tại Tỉnh Phú Thọ

Đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư

Trong quá trình phát triển KT-XH, tỉnh Phú Thọ cũng như các tỉnh thành khác trên cả nước huy động liên tục mọi nguồn lực để đáp ứng nhu cầu KT-XH, trong đó nhu cầu về vốn đầu tư là không thể thay thế. Tỉnh Phú Thọ đang trong thời kỳ CNH-HĐH, nhu cầu về vốn cho phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển công nghiệp của tỉnh thời kỳ 2006-2010 là 19.093 tỷ đồng. Vốn đầu tư toàn xã hội được tỉnh Phú Thọ huy động tăng lên liên tục qua các năm, tuy nhiên do tỷ lệ tích lũy thấp nên tỉnh không thể tự đáp ứng các nhu cầu vốn đầu tư ngày càng tăng lên đó.

Nguồn vốn từ ngân sách của tỉnh rất hạn chế, thời kỳ vừa qua, Phú Thọ luôn ở trong tình trạng thâm hụt ngân sách. Hàng năm, tỉnh phải nhận trợ cấp từ Nhà nước 2/3 nguồn ngân sách để chi tiêu, do đó, trông chờ vào khả năng đầu tư của tỉnh là điều khó khăn. Trong khi đó, NSNN cũng chỉ có hạn, nguồn vốn từ NSTW đưa xuống tỉnh cũng chỉ trợ giúp được phần nào. Thành phần kinh tế tư nhân thì trong những năm sau đổi mới đã tăng lên không ngừng và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng đầu tư, song ở thời điểm hiện tại vẫn chiếm tỷ trọng chưa cao. Giai đoạn 2001-2007, lượng vốn dân doanh mới chỉ chiếm có 14,15% tổng đầu tư toàn tỉnh.

Do vậy, vốn đầu tư nước ngoài là một phần không thể thiếu để bù đắp sự thiếu hụt về vốn đầu tư. ODA thực chất là các khoản cho vay với điều kiện ưu đãi và sớm hay muộn chúng ta vẫn phải hoàn trả lại. Duy chỉ có vốn FDI là không tồn tại như dạng cho vay,

bởi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta là để tìm kiếm lợi nhuận. Sự có mặt của vốn FDI do đó cung cấp nguồn bổ sung quan trọng cho các nguồn vốn trong nước mà không đòi hỏi phải hoàn trả lại. Để thực hiện mục tiêu đưa Phú Thọ trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh thực sự có vai trò lớn và tầm quan trọng đáng kể trong việc giải quyết những khó khăn về vốn và khai thác tiềm năng sẵn có của tỉnh.

Tạo việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp FDI có nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực. Đặc biệt đối với những tỉnh thành như Phú Thọ, với chi phí nhân công thấp (chỉ bằng 65% so với Hà Nội và 40% so với thành phố Hồ Chí Minh) và nguồn lao động dồi dào thì các nhà đầu tư nước ngoài thường đầu tư vào những ngành công nghiệp nhẹ như dệt may, giày dép,...sử dụng rất nhiều lao động. Do vậy, sự có mặt của các doanh nghiệp FDI giải quyết một khối lượng việc làm lớn và góp phần giải quyết tình trạng thất nghiệp trong tỉnh.Các lao động được doanh nghiệp FDI tuyển dụng thường có yêu cầu cao hơn lao động trong nước và phải qua một quá trình đào tạo mới làm việc được. Điều đó góp phần nâng cao trình độ tay nghề chung của nguồn nhân lực trong tỉnh. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến với Phú Thọ đa số đầu tư vào ngành công nghiệp. Giai đoạn 2001-2007, có tới 60 dự án FDI đầu tư vào ngành công nghiệp, chiếm 78,96% số dự án trong giai đoạn. Các doanh nghiệp FDI góp phần làm gia tăng tiềm lực công nghiệp của tỉnh, giúp tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH- HĐH bằng cách tăng tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP của tỉnh. Mục tiêu cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020 của Phú Thọ, trong đó cơ cấu kinh tế có sự đóng góp vượt trội của ngành công nghiệp và dịch vụ, muốn thành công không thể không có sự đóng góp tích cực của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Tiếp cận thị trường thế giới

Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Phú Thọ thường là các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm công nghiệp hay nông sản tại tỉnh, sau đó xuất khẩu ra nước ngoài,

thường đó chính là các nước chính quốc. Thông qua việc liên doanh với các doanh nghiệp này, các doanh nghiệp trong nước từng bước tiếp cận được với thị trường thế giới. Năm 2007, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 70,4 % giá trị kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Chất lượng hàng hóa, uy tín của thương hiệu và sức cạnh tranh của các sản phẩm này trên thị trường quốc tế cũng góp phần làm cho thế giới biết về Việt Nam cũng như tỉnh Phú Thọ. Các doanh nghiệp trong tỉnh nhờ liên doanh đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý báu về cách tiếp cận các thị trường rộng lớn bên ngoài.

Khai thác tiềm năng về công nông nghiệp và du lịch

So với các tỉnh lân cận khác như: Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Cạn, Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng về công nghiệp, nông lâm nghiệp và du lịch. Về công nghiệp, tỉnh có nhiều mỏ khoáng sản với trữ lượng tương đối lớn nhưng phân bố rải rác với nhiều kim loại quý hiếm, song việc khai thác còn nhỏ lẻ và đặc biệt là chưa có công nghệ chế tách tiên tiến; về nông nghiệp, tỉnh có nhiều tiềm năng về các loại cây công nghiệp và đặc biệt là cây chè Phú Thọ khá nổi tiếng song khả năng trồng và chế biến còn hạn chế; Phú Thọ có một số thắng cảnh tự nhiên đẹp và đường giao thông tương đối thuận lợi nhưng du lịch phát triển chưa quy mô và bài bản. Mặc dù có nhiều tiềm năng như vậy nhưng kinh tế của tỉnh phát triển với tốc độ chậm chạp so với các địa phương khác. Vấn đề ở chỗ tỉnh chưa khai thác có hiệu quả các tiềm năng sẵn có cho phát triển kinh tế xã hội do thiếu công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và bên cạnh đó là một môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là giải pháp giúp tỉnh cải thiện những khó khăn về nhiều mặt, khai thác các tiềm năng sẵn có và góp phần thay đổi bộ mặt nền kinh tế. Đó cũng là góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư mà tỉnh đã đề ra, để từ đó thu hút mọi nguồn lực trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh vào công cuộc phát triển KT- XH.

Tiếp nhận công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến

Trong quá trình sản xuất kinh doanh tại tỉnh, các nhà đầu tư nước ngoài mang đến tỉnh Phú Thọ các dây chuyền sản xuất tiên tiến, các công nghệ hiện đại và cả đội ngũ quản lý chuyên nghiệp trình độ cao. Khi các dây chuyền, công nghệ này đã cũ, nhà đầu tư

thường có xu hướng thay thế bằng các công nghệ mới hơn và chuyển giao các công nghệ đã cũ này cho các doanh nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp trong tỉnh có trình độ kỹ thuật lạc hậu thì những công nghệ để lại này vẫn đủ tiên tiến và góp phần nâng cao mặt bằng công nghệ chung của tỉnh. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp liên doanh: Bên nước ngoài thường đảm trách khâu quản lý và dây chuyền công nghệ sản xuất. Nhờ hợp tác với bên nước ngoài, các doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội tiếp thu kinh nghiệm quản lý các công nghệ này. Công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến là yếu tố giúp nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất cho sản phẩm và đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm, cũng là góp phần khắc phục những mặt còn yếu kém trong nền kinh tế địa phương.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Phú Thọ: Thực trạng và giải pháp (Trang 34 - 37)