3.1.1. Cơ hội
EU hiện là một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng đối với các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Đây cũng là thị trường chính của thuỷ sản Việt Nam hàng chục năm qua và có nhiều triển vọng cho việc đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam trong thời gian tới. Điều này được minh chứng qua các nhân tố sau:
Thứ nhất, Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Cộng đồng Châu Âu từ năm 1990. Hiệp định hợp tác với EU ngày 17/7/1995, tạo cơ hội thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ mối qua hệ hợp tác với các quốc gia thành viên và cả cộng đồng trên mọi lĩnh vực hỗ trợ phát triển khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực, văn hoá xã hội, đầu tư kinh tế thương mại và đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới WTO.
Thứ hai, việc ngành thuỷ sản Việt Nam đáp ứng yêu cầu cao của EU về vệ sinh an toàn thực phẩm đã giúp sản phẩm thuỷ sản Việt Nam xuất khẩu sang
EU không những ngày càng tăng mà còn có chỗ đứng vững chắc ở các thị trường đòi hỏi khắt khe khác như Mỹ, Nhật Bản và Canađa.
Thứ ba, do sản lượng thuỷ sản khai thác tự nhiên ngày càng giảm vì những quy định liên quan đến bảo vệ nguồn lợi và môi trường, nên EU ngày càng phụ thuộc vào thuỷ sản nhập khẩu. Chính vì vậy, thương mại cũng sẽ được ưu tiên trong chính sách hỗ trợ của EU, giúp các nước phát triển hiểu rõ hơn về WTO, các hàng rào kỹ thuật trong thương mại hoặc kiểm dịch động vật. Ngành thuỷ sản Việt Nam có thể được lợi rất lớn do EU ưu tiên hổ trợ trong lĩnh vực kiểm dịch động vật. Ngoài ra EU còn dành quỹ hỗ trợ thông qua quỹ tín thác Châu Á, Quỹ đầu tư Châu Á. Việt Nam là một trong 178 nước được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) với mức thuế thấp hơn 3,5% so với mức thuế thông thường. Được hưởng GSP, thuế xuất khẩu thuỷ sản sang EU không những sẽ giảm, mà việc xem xét mức thuế sẽ được thực hiện sau 3- 5 năm chứ không phải hàng năm như trước đây với số lượng mặt hàng nhiều hơn. Hiện nay, tỷ lệ mặt hàng thuỷ sản được hưởng GSP lên tới 80%. Bên cạnh đó, người tiêu dùng EU ngày càng tiêu dùng nhiều thuỷ sản hơn, vì họ cho rằng thuỷ sản là loại thực phẩm sạch và bổ dưỡng. Đây là tín hiệu tốt cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vào EU, hàng năm Việt Nam xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn hàng thuỷ sản gồm tôm, cá ngừ, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nhiều mặt hàng cá đông lạnh các loại.
Thứ tư, nếu trước đây rất khó thực thi các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm vì giữa các nước khác nhau có những quy định khác nhau, thì bây giờ EU chỉ có một cơ quan quản lý duy nhất là cục quản lý ATTP của EU, một khuôn khổ luật pháp duy nhất và một cơ chế duy nhất là luật chung về thực phẩm để có thể đảm bảo nếu xảy ra rủi ro liên quan đến an toàn thực phẩm thì chỉ trong vòng 1 giờ đã được đệ trình lên cục quản lý an toàn thực phẩm EU. Nếu biện pháp đề xuất được đa số thành viên cục quản lý an toàn thực phẩm EU ủng hộ, thì sản phẩm có mới nguy cơ đó sẽ bị triệu hồi khỏi các kênh phân phối trên thị trường. Với những quy định mới này là hoàn toàn có lợi, thứ nhất nó dễ áp dụng, không phải nghiên cứu quá nhiều văn bản; thứ hai là mọi vấn đề rõ
ràng hơn, các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đã được hệ thống hoá và đảm bảo tính logic; thứ ba là không một nước thành viên nào được quyền đặt ra thêm quy định riêng đối với hàng nhập khẩu.
Như vậy, với các nhân tố nêu trên cùng với nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản có xu hướng tăng mạnh ở các nước châu Âu, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu và được phép xuất khẩu vào thị trường EU sẽ tạo mọi nhiều cơ hội hơn để tăng cường xuất khẩu sang khối thị trường này. Hiện EU là thị trường có mức tăng trưởng mạnh của thuỷ sản Việt Nam. Trong tương lai, mức tăng trưởng này có khả năng tiếp tục tăng mạnh. Sự cạnh tranh với mức giá rẻ của các mặt hàng đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phảm là yếu tố quyết định giữ vững thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU. Có thể khẳng định triển vọng xuất khẩu thuỷ sản của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường này là rất tốt và ổn định trong các năm tới.