Có một mối liên quan mật thiết giữa chương trình cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước và việc phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến việc cổ phần hoá các doanh nghiệp lớn của nước ta. Chính phủ đã có nhiều quyết tâm trong việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước nhưng nhìn chung thì chưa thực sự hiệu quả. Trong hai năm vừa qua, tốc độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước đã được đẩy mạnh hơn so với những năm trước rất nhiều lần. Tới cuối tháng 3 năm 2006 đã có 4.673 doanh nghiệp nhà nước được tái cơ cấu, trong đó có 3.298 doanh nghiệp được cổ phần hoá. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những công ty có quy mô trung bình và nhỏ, vốn nhà nước trong những công ty này chỉ chiếm khoảng 12% trong tổng số những doanh nghiệp nhà nước phải cơ cấu lại.
Biểu đồ 2.5: Tỷ lệ cổ phần hoá DNNN
DN đã CPH DN chưa CPH
Nguồn: Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp
Vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhà nước cần phải cổ phần hoá trong những năm tới và đây là những doanh nghiệp có số vốn khổng lồ và thực sự là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài. Nếu chính phủ không cổ phần hoá nhanh chóng các doanh nghiệp lớn này thì thị trường chứng khoán chứng khoán khó có thể tạo ra đột biến và chia sẻ trách nhiệm cung ứng vốn cho nền kinh tế cùng với hệ thống ngân hàng thương mại.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài mà gặp khó khăn trong việc cổ phần hoá thì chính phủ nên mạnh dạn đưa những doanh nghiệp này ra bán đấu giá công khai cho các nhà đầu tư. Một mặt, chính phủ không phải tiếp tục nuôi các doanh nghiệp này bằng tiền ngân sách, mặt khác lại có thể thu hồi lại số vốn của nhà nước một cách nhanh nhất. Biện pháp này sẽ đem lại hiệu quả vì thực chất các doanh nghiệp này thua lỗ đa phần vì quản lý kém, thất thoát nhiều và không năng động trong hoạt động kinh doanh… Để giữ ổn định nền kinh tế, tránh phụ thuộc quá mức vào đầu tư nước ngoài thì chính phủ chỉ nên giữ lại các doanh nghiệp nhà nước lớn, có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế.
Một khu vực tiềm tàng nữa có thể thu hút được nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là khu vực các doanh nghiệp vừa và nhỏ tư nhân. Hiện nay, có tới 97% của hơn 230.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các doanh nghiệp tư nhân rất năng động và phát triển mạnh mẽ và đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. Không ít trong số những doanh nghiệp này đã khẳng định được vị trí của mình và đang trở thành những thương hiệu mạnh của Việt Nam. Tương lai phát triển của các doanh nghiệp này càng trở nên rõ ràng hơn sau khi Chính phủ ban hành hai bộ luật mới là Luật Doanh nghiệp và Luật đầu tư.