Hiện trạng và tập quán chăn nuôi lợn của huyện Bảo Lạc

Một phần của tài liệu Luận văn: NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT CỦA LỢN BẢO LẠC, HUYỆN BẢO LẠC, TỈNH CAO BẰNG pot (Trang 60 - 64)

2. Mục tiêu của đề tài

3.1.3. Hiện trạng và tập quán chăn nuôi lợn của huyện Bảo Lạc

Qua điều tra và ghi chép của người dân huyện Bảo Lạc từ nhiều năm cho biết, lợn Bảo lạc có nguồn gốc từ Trung Quốc và được người dân nuôi truyền từ đời này sang đời khác, con lợn gắn liền với đời sống, phong tục tập quán của người dân địa phương, nó đã trở nên thân thuộc và mang nhiều nét riêng đặc trưng của vùng miền núi huyện Bảo Lạc.

Nghề chăn nuôi lợn đã gắn bó lâu đời với người dân miền núi nói chung và huyện Bảo Lạc nói riêng, nó gắn liền với việc trồng lúa nước, tạo nên một tập quán môi sinh trong cộng đồng người dân, do đó, con lợn không thể thiếu được trong đời sống của người dân. Đại bộ phận nhân dân trong vùng đều có chung một tập quán chăn nuôi lợn, đó là kiểu chăn nuôi thả rông hoặc là bán chăn thả, thức ăn cho lợn có số lượng và chất lượng thấp.. Đó là sự cản trở chính làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi lợn của địa phương, bởi tập quán chăn nuôi lạc hậu, vấn đề này được thể hiện ở một số nội dung như sau:

* Nơi ở và sinh sống của lợn Bảo Lạc

Bất kỳ đối tượng loài vật nuôi nào cũng cần có nơi ở và sinh sống để tồn tại, con lợn Bảo Lạc cũng vậy, nơi ở và sinh sống của chúng đã gắn liền với tập quán đối với người dân bằng nhiều hình thức:

- Đối với lợn nái đẻ: Con mẹ trước khi đẻ tự tìm và làm ổ đẻ, để chào đón một thế hệ mới ra đời, chỗ ở của chúng chủ yếu là ở trong rừng, hoặc những góc vườn, xung quanh nhà, nơi mà đảm bảo an toàn cho việc bảo vệ đàn con. Lợn nái tự tìm kiếm hoặc do chủ nuôi cung cấp vật liệu, như lá chuối khô hoặc rơm khô, làm chỗ lót cho đàn con và chỗ nằm của con nái.Sau khi sinh con, lợn nái và đàn con được chăn thả ngoài tự nhiên, tại ruộng rẫy nghỉ mùa hoặc chui rúc vào rừng để tìm kiếm thức ăn… đến bữa ăn, lợn tự tìm về ăn tại chuồng do chủ nuôi cung cấp.

- Đối với lợn nuôi thịt: Giai đoạn đầu nếu không vào vụ trồng cấy, lợn vẫn được thả rông và cung cấp thức ăn tại chuồng. Hoặc có những nơi lợn thịt được nuôi nhốt trong chuồng và được cung cấp thức ăn hoàn toàn.

Chuồng nuôi nhốt lợn được làm ở gần nhà, sát kề với nhà hoặc phía rìa gầm nhà sàn để tận dụng mái che, chuồng nhốt có hố ủ phân được đào sâu khoảng hơn 1m ngay dưới sàn chuồng. Phần lớn chuồng nuôi được làm bằng gỗ cây vải lâu năm hoặc cây tre, cây trúc sẵn có tại địa phương. Gỗ được xẻ thành tấm, tre cắt từng đoạn tùy thuộc vào kích cỡ của chuồng. Sau đó, được đóng ghép thành hình cũi, gồm thành và sàn chuông có khe hở để phân và nước tiểu thoát xuống hố phân dự trữ, chuồng trại như vậy tạo được độ thông thoáng và khô ráo. Qua phỏng vấn trực tiếp, người dân cho biết chuồng làm bằng gỗ cây vải rất tốt, chuồng luôn khô ráo, bền vững sử dụng được nhiều năm. Điều này cho thấy sự hiểu biết và kinh nghiệm của người dân bản địa rất phong phú trong việc lựa chọn vật liệu xây dựng chuồng trại, đảm bảo thuận lợi và phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển chăn nuôi lợn ngay tại gia đình, trong khi chưa có khả năng đầu tư từ bên ngoài.

Chúng tôi có chụp một số hình ảnh về chuồng trại và các hình thức quản lý lợn để minh hoạ cho những điều mô tả trên (Ảnh phụ lục hình 3.9).

* Phương thức nuôi dưỡng, chăn thả và quy mô chăn nuôi

Hầu hết người dân nuôi lợn theo kiểu thả rông, vào mùa trồng cấy (1 vụ lúa + 1 vụ ngô) hoặc khi cần vỗ béo mới nhốt vào chuồng. Mỗi ô chuồng 4m2

, nuôi 6 lợn thịt. Lợn thịt giai đoạn đầu và lợn nái, lợn con theo mẹ hoàn toàn được thả rông tự do, đến bữa ăn vào buổi tối, buổi sáng, buổi trưa thì được chủ nuôi cấp thêm thức ăn tại chuồng. Người chăn nuôi cho biết: Lợn con được thả lớn nhanh và khoẻ khoắn hơn khi nhốt chuồng (vì vào mùa trồng cấy, trong làng bản quy định không thả rông lợn để tránh phá hoại mùa màng).

Thức ăn cho lợn được người dân chế biến dưới dạng nấu chín, gồm hỗn hợp thức ăn tinh và rau rừng, nấu kiểu dạng cháo lỏng hoặc ngô hạt vãi cho ăn tạm thời. Dạng này sử dụng cho cả đàn lợn, gồm lợn thịt vỗ béo, lợn con mới tách mẹ, lợn nái nuôi con sau cai sữa, cho ăn ngày 2 - 3 bữa.

Lợn nái nuôi con 3 tuần đầu được nấu riêng, số lượng, chất lượng thức ăn được cải thiện hơn so với lợn đàn. Thức ăn tinh nhiều hơn, rau củ quả có nhựa như đu đủ non, bí đỏ, rau lang trồng và rau lang rừng….được nấu chín hỗn độn thành dạng cháo đậm đặc, cho ăn ngày 2 bữa: Sáng và tối, còn lại lợn tự tìm kiếm thức ăn ngoài tự nhiên.

Quy mô chăn nuôi: Trong quá trình điều tra khảo sát, chúng tôi thấy: Hầu như các hộ gia đình ở các xã đều nuôi lợn, mỗi hộ ít nhất là 1 nái, nhiều nhất là 3 nái, số đầu lợn/hộ trung bình là 10 - 15 con. Điều đó cho thấy, ở Bảo Lạc, nuôi lợn là tập quán của người dân.

* Loại hình thức ăn

- Thức ăn tinh: Chủ yếu là ngô hạt hoặc ngô được nghiền thành bột, cám gạo và đỗ mèo, thức ăn tinh sử dụng với lượng rất ít. Hầu như các hộ dân đều nấu cám lợn vào một chảo lớn (thường gọi là chảo trâu) dung tích khoảng 100 lít, thức ăn xanh rất nhiều, nhưng thức ăn tinh (bột ngô, cám gạo tối đa chỉ 4 - 5 kg/ngày) cho toàn đàn 10 - 15 con (lợn con cho đến lợn nuôi thịt, vỗ béo), (Phụ lục – Hình 3.13).

- Thức ăn xanh: Chủ yếu là rau rừng như thân cây chuối, rau hoà bình, rau tàu bay, rau lang dại, rau cháp pi và dây lang trồng.

- Nguồn thức ăn lợn tự kiếm được: củ, rễ cây, giun dế, sâu bọ, rau non và một phần khoáng có trong đất đá…

* Hình thức quản lý lợn đực giống

Hầu hết các hộ chăn nuôi cho lợn đực giao phối tự do - Lợn con nhảy lợn mẹ là rất phổ biến, (Ảnh phụ lục hình 3.8). Các hộ dân trong một làng bản

đều phải tự bố trí lợn đực giống ngay tại gia đình, ngoại trừ các làng bản có các hộ dân khá tập trung, thì có thể mượn đực giống được, vì trong lúc thả ngoài tự nhiên các đàn lợn được thả chung một khu vực. Đại bộ phận người dân không nuôi đực giống chuyên biệt mà đến thời điểm tách con là lúc thiến toàn đàn kể cả đực, cái.

* Tập quán tiêu thụ sản phẩm

Sản phẩm được bán ra thị trường trước hết là lợn con giống từ 3 - 5 tháng tuổi với khối lượng trung bình từ 10 - 15 kg/con. Giá lợn con từ 50.000 - 60.000đ/kg, để mua sắm các đồ dùng trong sinh hoạt gia đình, hoặc mua phân đạm để bón cho cây trồng ... sau đó là lợn thịt, thường lợn được nuôi từ 1 năm tuổi trở lên. Địa điểm bán là chợ chính trung tâm huyện và chợ ở các xã.

(xem ảnh phụ lục, hình 3.14).

Tóm lại: Những hoạt động của tập quán chăn nuôi, tuy rất lạc hậu so với phương thức chăn nuôi hiện đại ngày nay, nhưng ở một phương diện nhất định thì nó lại là một nét văn hoá truyền thống được hình thành và chọn lọc bởi điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, trong hoạt động sống của con người để tồn tại và phát triển. Điều đó được tạo bởi điều kiện địa lý, giao thông đi lại khó khăn, trao đổi sản phẩm hàng hoá còn ở phương diện hẹp, chăn nuôi lợn với mục đích phục vụ gia đình là chủ yếu, nó là quy luật tự nhiên hình thành nên tập quán chăn nuôi lạc hậu. Cũng nhờ đó mà nhóm giống lợn Bảo Lạc vẫn giữ được độ thuần cao, ít bị pha tạp với các giống lợn khác ở ngoài khu vực. Trải qua nhiều điều kiện và môi trường sống bất lợi để tồn tại, cho đến tận ngày nay, con lợn Bảo Lạc vẫn có những đặc điểm di truyền quý giá về khả năng thích ứng với môi trường và khả năng chống chịu bệnh cao, đồng thời có giá trị về chất lượng sản phẩm cao. Có thể nói là một sự đa dạng sinh học làm tiền đề cho việc nghiên cứu chọn lọc con giống, góp phần phát triển ngành chăn nuôi lợn ở nước ta ngày càng phong phú hơn về chủng loại lợn nội địa.

Một phần của tài liệu Luận văn: NGHIÊN CỨU MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM SINH HỌC VÀ KHẢ NĂNG SẢN XUẤT CỦA LỢN BẢO LẠC, HUYỆN BẢO LẠC, TỈNH CAO BẰNG pot (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(101 trang)