Vùng cửa sông ven biển Cửa Tùng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế, dân sinh của tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là du lịch biển. Trong những năm gần đây, tình hình biến động hình thái vùng cửa sông ven biển tại khu vực trên đang diễn ra theo chiều hướng bất lợi như bồi lắng và xói lở, gây ảnh hưởng và thiệt hại tới đời sống dân sinh kinh tế. Để góp phần giảm thiểu những biến động hình thái vùng cửa sông ven biển nói trên theo chiều hướng bất lợi, hiện đã có một số nghiên cứu trên khu vực này, song chưa có nghiên cứu cụ thể và hoàn chỉnh về ảnh hưởng của các công trình lên trường thủy động lực. Do đó, hướng nghiên cứu của luận văn với việc áp dụng mô hình thủy động lực để đánh giá tác động của tổ hợp công trình lên trường thủy động lực vùng cửa sông ven biển Cửa Tùng, tỉnh Quảng Trị là một hướng tiệm cận hiện đại và cho kết quả khả quan. Luận văn đã thu được một số kết quả như sau:
Luận văn đã tổng quan được một số đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội trong khu vực nghiên cứu.
Luận văn đã tổng quan được một số mô hình thủy động lực cơ bản, từ đó lựa chọn mô hình phù hợp với mục tiêu nghiên cứu.
Luận văn cũng đã áp dụng thành công mô hình MIKE 21 để tính toán, mô phỏng tác động của tổ hợp công trình lên trường thủy động lực vùng cửa sông ven biển Cửa Tùng. Mô hình có thể được sử dụng trong thực tế phục vụ công tác quy hoạch, chỉnh trị vùng cửa sông ven biển góp phần phòng chống và giảm nhẹ những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Luận văn đã xây dựng và mô phỏng được tác động của tổ hợp công trình lên trường thủy động lực vùng cửa sông ven biển Cửa Tùng theo một số kịch bản như: Kịch bản 1: địa hình 2010 + cảng cá; Kịch bản 2: địa hình
2010 + cảng + cầu; Kịch bản3: địa hình 2010 + cảng+ kè; Kịch bản 4: địa hình 2010 + cảng+ cầu + kè; Kịch bản 5: địa hình 2010 + cảng+ cầu + 2kè.
Luận văn đã có được một số nhận xét, đánh giá tác động của các công trình lên trường thủy động lực ứng với mỗi kịch bản và cũng chỉ ra được thực trạng tình hình xói lở vùng cửa sông ven biển Cửa Tùng.
Sau luận văn này, tác giả cũng có một số kiến nghị như sau:
Cần tính toán thêm một số kịch bản khác với các vị trí và kích thước kè khác nhau, từ đó có thể đưa ra những kết luận đáng tin cậy hơn.
Đề xuất các giải pháp nhằm ổn định bờ và chỉnh trị vùng cửa sông ven biển Cửa Tùng nói riêng và cả bờ biển Việt Nam nói chung phải dựa trên cơ sở phân tích tương tác biển và bờ trong vùng ảnh hưởng và mối quan hệ giữa các vùng.