Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút FDI vào lĩnh vực Nông nghiệp Việt Nam giai đoạn 2011
3.4.3 Hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích FDI cho nông nghiệp.
Các chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam đã có cơ chế, chính sách khuyến khích FDI chung cho tất cả các ngành, các lĩnh vực. Tuy nhiên, chính sách về khuyến khích FDI riêng cho lĩnh vực nông nghiệp nước ta còn ít. Vì thế trong thời gian sắp tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ban ngành cần quan tâm nghiên cứu, đề xuất xây dựng các chính sách khuyến khích riêng đa dạng hơn nhằm mục tiêu đẩy mạnh thu hút FDI của ngành nông nghiệp.
Thứ nhất là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.
Bên cạnh những chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu cho các dự án FDI vào nông nghiệp như hiện nay, cần tiếp tục mở rộng biên độ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án áp dụng công nghệ sinh học để phát triển sản xuất các loại giống mới, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn, dịch vụ nông thôn. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất các loại giống mới không chỉ có tác dụng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài mà còn có tác dụng làm phong phú thêm các giống
cây trồng và vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, không chỉ khắc phụ được hiện tượng giá cánh kéo do xuất khẩu sản phẩm thô mà còn nâng cao vị thế của mặt hàng nông - lâm - thủy sản trên thị trường thế giới. Mở rộng ưu đãi thuế thu nhập cho các dự án đầu tư vào kết cấu hạ tầng và dịch vụ nông thôn không những tận dụng được nguồn vốn lớn cho phát triển hạ tầng nông nghiệp nông thôn, từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư nông thôn, mà còn tạo điều kiện khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác của nông nghiệp.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp hạn chế một phần rủi ro khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trước ảnh hưởng của thiên tai và biến động giá của thị trường, có thể áp dụng các chính sách bảo trợ cho các doanh nghiệp. Những hỗ trợ này sẽ thể hiện sự quan tâm của Việt Nam tới lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực được coi là chịu nhiều rủi ro nhất và sẽ khiến các nhà đầu tư yên tâm hơn khi đầu tư vào đây.
Trở thành thành viên chính thức của WTO, một mặt Việt Nam phải tuân thủ các cam kết về nông nghiệp, mặt khác cần vận dụng tối đa các hỗ trợ và hàng rào phi thuế quan được WTO cho phép để thu hút FDI và thúc đẩy phát triển nông nghiệp như trợ cấp dưới dạng tín dụng ưu đãi cho nông dân phát triển nguồn nguyên liệu. Hình thức này không những góp phần ổn định và phát triển các vùng nguyên liệu – mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp FDI chế biến nông lâm thủy sản mà còn tạo công ăn việc làm cho nông dân các vùng nguyên liệu.
Thứ hai là các chính sách phát triển thị trường vốn và tín dụng đầu tư
Với mục đích nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng cho các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận nguồn tín dụng phát triển của Nhà nước, cần xem xét lại chính sách tín dụng đầu tư phát triển, từ đó tạo kênh hỗ trợ vốn cho các dự án liên doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng nguồn vốn cho các bên Việt Nam tham gia các liên doanh. Như vậy, một mặt vừa giải quyết cho vay đầu tư trong nước, mặt khác giảm vay vốn nước ngoài của các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra, nhà nước cần đưa ra chính sách nhằm khuyến khích các DN FDI đầu tư vào các dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư, thường là các dự án đầu tư vào các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, các dự án trọng điểm quốc gia, cần mở
rộng khả năng cho vay đối với các doanh nghiệp FDI, hoặc có thể xem xét cho vay từ nguồn vốn ODA nhằm khuyến khích sự phát triển đồng đều giữa các vùng. Đối với các dự án trong điều kiện sản xuất khó khăn nhưng vẫn có khả năng khắc phục được, cần xem xét, hỗ trợ bổ sung vốn, tránh hiện tượng giải thể, phá sản, dẫn tới những tác động không tốt cho nền kinh tế.
Thứ ba là các chính sách về đất đai
Để khắc phục tình trạng thiếu đất dành cho các dự án FDI trong nông nghiệp, Chính phủ và các địa phương cần có quy hoạch ưu tiên tạo quỹ đất cho các dự án. Khi các nhà đầu tư nước ngoài có ý định mở rộng diện tích đất để mở rộng dự án, phải nhanh chóng xem xét và trả lời đến chủ đầu tư.
Hơn nữa, nhiều dự án chậm đưa vào triển khai là do công tác đền bù giải phóng mặt bằng tiến hành chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ cũng như phát sinh thêm nhiều chi phí cho các nhà đầu tư nước ngoài. Để khắc phục tình trạng này nhằm tạo niềm tin và sự an tâm cho các nhà đầu tư, cần hỗ trợ họ trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong các dự án liên doanh, có thể hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách hoặc cho vay ưu đãi đối với bên Việt nam trong việc thực hiện công tác giải tỏa, đền bù để sớm đưa đất vào góp vốn và tiến hành sản xuất kinh doanh.