Giá trị sản xuất công nghiệp: khi giá trị sản xuất công nghiệp hay sản lượng công nghiệp có xu hướng gia tăng cho thấy quy mô sản xuất cũng như năng suất lao động được cải thiện và là một biểu hiện của tăng trưởng kinh tế. Trehan (1992), Rünstler and Sédillot (2003) tìm thấy những bằng chứng mạnh mẽ về việc sử dụng sản lượng công nghiệp để dự báo GDP trong các nghiên cứu ở một số nền kinh tế (trích bởi Isabel Yi Zheng và James Rossiter, 2006). Isabel Yi Zheng và James Rossiter (2006) xây dựng hàm liên kết (Bridge) để dự báo GDP Canada bằng các chỉ báo hàng tháng trong đó có sản lượng công nghiệp. Vì vậy, chúng tôi đưa biến giá trị sản xuất công nghiệp vào mô hình với hy vọng tìm thấy mối quan hệ cùng chiều giữa tăng trưởng GDP và giá trị sản xuất công nghiệp.
Tỷ lệ lạm phát: có các nghiên cứu cho thấy lạm phát tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Chẳng hạn như Friedman (1977) tranh luận rằng lạm phát dẫn đến tình trạng không chắc chắn sẽ gây ra những bất lợi cho hoạt động của nền kinh tế. Nhiều chứng cứ thực nghiệm như là Fischer (1993), De Gregorio (1993), và Bruno và Easterly (1998) cho rằng siêu lạm phát sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế, mặc dù có mối quan hệ cùng chiều giữa lạm phát và tăng trưởng khi mà lạm phát ở mức thấp. Sarel (1996) xác định ngưỡng mà tại đó lạm phát ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế là 8%. Nếu lạm phát lớn hơn 8% sẽ ảnh hưởng tiêu cực, thấp hơn mức này lạm phát không có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế hay thậm chí nó còn mang lại một số tác động tích cực (trích bởi Hossain, Akhtar, 2006). Khan and Senhadji (2000) kiểm nghiệm mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng GDP cho các nước công nghiệp và các nước đang phát triển, đối với các nước công nghiệp thì mức lạm phát từ 1% - 3% sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng, còn đối với các nước đang phát triển là từ 7% - 11%. Theo Lê Quốc Lý (2005), lạm phát cao sẽ làm lệch lạc cơ cấu giá cả, kéo theo các nguồn lực kinh tế phân bố không hợp lý và cuối cùng sẽ làm cho tăng trưởng chậm lại. Chúng tôi kỳ vọng lạm phát sẽ có quan hệ ngược chiều với tăng trưởng GDP.
Tỷ giá USD/VND: tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam, đến luồng vốn vào và ra và đến lãi suất của thị trường tiền tệ, những yếu tố này lại trực tiếp ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế (Lê Quốc Lý, 2005). Khi tỷ giá tăng, xuất khẩu có được lợi thế về giá trong khi giá trị nhập khẩu tăng cao. Đối với xuất khẩu, nước ta chủ yếu xuất khẩu dưới dạng khoáng sản thô, gia công sản phẩm, nông sản nên giá trị xuất khẩu không cao. Còn đối với nhập khẩu thì chủ yếu là nhập
khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu đầu vào với giá cao, kéo theo giá thành sản xuất tăng lên cùng với việc đầu tư và quản lý kém hiệu quả dẫn đến hàng hóa trong nước không thể cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài. Đồng thời với tâm lý thích tiêu dùng hàng ngoại của người Việt nam đã làm cho tình trạng nhập siêu ngày càng nghiêm trọng, “Tốc độ tăng bình quân hàng năm của nhập siêu về hàng hóa trong giai đoạn 2000 - 2009 tính theo đôla Mỹ là khoảng 31%. Còn nhập siêu về hàng hóa và dịch vụ tính theo tiền đồng và theo giá hiện hành tăng vào khoảng 35,8% và tốc độ tăng nhập siêu bình quân năm đã loại trừ yếu tố giá giai đoạn này vào khoảng 28%.” (Bùi Trinh, thesaigontimes.com). Kết quả giá trị nhập khẩu hàng hóa ngày càng gia tăng nhưng giá trị xuất khẩu tăng không đáng kể. Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Vì thế, chúng tôi hy vọng tìm ra mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và tỷ giá USD/VND.
Lượng điện sản xuất: năng lượng là đầu vào thiết yếu cho sản xuất và vận hành nền kinh tế. Khi năng lực sản xuất của nền kinh tế gia tăng thì đòi hỏi lượng điện cần thiết để duy trì sản xuất. Ở Việt Nam đang trong tình trạng thiếu điện cho sinh hoạt và đặc biệt là trong sản xuất kinh doanh. Vì vậy, sản lượng điện sản xuất gia tăng có ý nghĩa rất lớn, tác động đến khả năng duy trì và mở rộng sản xuất, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nghiên cứu thực nghiệm cũng cho thấy mối quan hệ nhân quả cùng chiều giữa tổng sản lượng điện tiêu thụ với GDP (Hao-yen Yang, 2000). Vì thế, chúng tôi đưa biến lượng điện sản xuất vào mô hình với kỳ vọng về mối quan hệ cùng chiều giữa lượng điện sản xuất và GDP.
Doanh thu bán lẻ: Isabel Yi Zheng và James Rossiter (2006) sử dụng doanh thu bán lẻ là một trong những chỉ báo hàng tháng dùng để dự báo GDP hàng quý và cho thấy mối quan hệ cùng chiều giữa GDP và doanh thu bán lẻ. Khi doanh thu bán lẻ tăng cho thấy cầu tiêu thụ hàng hóa tăng lên. Cầu hàng hóa sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất gia tăng đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và góp phần gia tăng tổng sản phẩm quốc nội.
Giá trị nhập khẩu, giá trị xuất khẩu: hai giá trị này có tác động trực tiếp đến GDP. Khi giá trị xuất khẩu gia tăng kéo theo việc đầu tư mở rộng sản xuất, gia tăng dự trữ ngoại hối góp phần ổn định thị trường tiền tệ tạo tiền đề cho nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Mặt khác, nếu giá trị nhập khẩu tăng cao cho thấy tiêu dùng, sản xuất trong nước phụ thuộc quá nhiều vào hàng hóa, sản phẩm bên ngoài, hàng hóa sản xuất trong nước có tính cạnh tranh kém. Tình trạng này sẽ dẫn đến sự thu hẹp sản xuất kinh doanh của các công ty trong nước hay làm cho giá trị gia tăng thấp. Nếu điều này kéo dài thì sẽ gây ra suy thoái kinh tế. Do đó, chúng tôi đưa hai biến giá trị nhập khẩu và
giá trị xuất khẩu vào mô hình với kỳ vọng về mối quan hệ trái chiều giữa biến giá trị nhập khẩu với tăng trưởng GDP và quan hệ cùng chiều giữa biến giá trị xuất khẩu với tăng trưởng GDP.
Giá trị nhập khẩu xăng dầu: trong tất cả các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu, thì xăng dầu là một nguồn nhiên liệu thiết yếu đóng vai trò quan trọng trong hầu hết các ngành kinh tế, giao thông vận tải, sản xuất kinh doanh,… góp phần làm tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vì vậy, chúng tôi đưa thêm biến giá trị nhập khẩu xăng dầu vào nhằm kiểm định tác động của nó đối với tăng trưởng GDP và chúng tôi kỳ vọng mối quan hệ cùng chiều với tăng trưởng GDP. Đồng thời, vì sự tác động của xăng dầu nhập khẩu xảy ra trong một quá trình từ kho dự trữ xăng dầu đến sản xuất, vận chuyển hàng hóa nên nhiều khả năng mối quan hệ cùng chiều đó xảy ra với một độ trễ nhất định.
Lãi suất: Lãi suất là một công cụ quan trọng để điều tiết kinh tế vĩ mô thông qua việc thay đổi mức lãi suất và cơ cấu lãi suất trong từng thời kỳ nhất định. Lãi suất tăng làm cho giá cả các khoản vay của doanh nghiệp tăng làm cho chi phí sản xuất tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp sản xuất. Bên cạnh đó, lãi suất tăng làm tăng tiết kiệm, giảm đầu tư, giảm tiêu dùng. Friedman (1968) tranh luận rằng chính sách tiền tệ có tác động ngược đến tăng trưởng GDP. Chính sách thắt chặt tiền tệ làm chậm tăng trưởng GDP với mức độ lớn hơn, ngược lại; chính sách nới lỏng tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng. Cover (1992), Morgan (1993), Rhee và Rich (1995) qua nghiên cứu thực nghiệm đã đưa ra kết luận rằng chính sách tiền tệ mở rộng có ảnh hưởng tích cực ít hơn là tác động tiêu cực của chính sách thắt chặt lên tăng trưởng GDP của Mỹ (trích bởi Greg Tkacz and Sarah Hu, 1999). Khi lãi suất trong nước tăng tương đối so với lãi suất nước ngoài thì dòng vốn nước ngoài có xu hướng chảy vào trong nước làm cho tỷ giá giảm xuống, ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu. Vì vậy, lãi suất tăng sẽ tác động tiêu cực đến GDP. Ngược lại, lãi suất giảm sẽ kích thích đầu tư kinh doanh, từ đó kích thích tăng trưởng kinh tế. Trong các loại lãi suất, chúng tôi nhận thấy lãi suất liên ngân hàng (VNIBOR) thể hiện tình trạng thanh khoản của các ngân hàng thương mại, tác động đến lãi suất cho vay thực trên thị trường, đồng thời do giới hạn của nguồn dữ liệu khó có thể thu thập lãi suất cho vay thực của các ngân hàng thương mại nên chúng tôi quyết định chọn VNIBOR 1 tháng và VNIBOR 3 tháng đại diện cho lãi suất và cũng kỳ vọng có mối quan hệ ngược chiều với tăng trưởng GDP.
Vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước: Vốn đầu tư nhà nước được sử dụng nhằm xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế, đào tạo nhân lực, kích thích tăng đầu tư tư nhân, làm gia tăng việc làm, tăng thu nhập, tăng tiêu dùng, từ đó kích thích nền kinh tế tăng
trưởng. Do đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cũng được chọn đưa vào mô hình với kỳ vọng cùng chiều với GDP.
Khối lượng vận chuyển hàng hóa, khối lượng luân chuyển hàng hóa: lưu thông hàng hóa đóng vai trò rất lớn cho sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giúp cho quá trình sản xuất được duy trì và mở rộng. Khối lượng vận chuyển hàng hóa trong một thời kỳ càng lớn cho thấy khả năng tiêu thụ hàng hóa được thông suốt, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, quãng đường vận chuyển còn cho thấy sự mở rộng của mạng lưới lưu thông hàng hóa nên biến khối lượng luân chuyển hàng hóa là một chỉ tiêu đánh giá kép trên sự kết hợp cả chiều dài quãng đường và khối lượng vận chuyển sẽ được đưa vào mô hình cùng với khối lượng vận chuyển nhằm kiểm tra mối quan hệ của chúng với GDP.