1. Vị trí của ngành Nông nghiệp trong nền kinh tế
“Báo cáo chung của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng thế giới với sự hỗ trợ của Nhóm các nhà tài trợ cùng mục đích” và các báo cáo của Bộ NN& PTNN đã khẳng định ngành Nông nghiệp giữ một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế- xã hội Việt Nam.
Thực tế cho thấy, trước năm 1980 Việt Nam là một nước nông nghiệp lạc hậu và phải nhập khẩu lương thực. Bắt đầu bằng quá trình đổi mới trong những năm cuối thập niên 80, thông qua việc sử dụng cơ chế thị trường để mang lại động lực cho người nông dân, ngành nông nghiệp đã có sức tăng trưởng mạnh mẽ. Nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn được coi là một trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm(2001- 2010) của Việt Nam. Với hơn ba phần tư dân số và gần 90% người nghèo sống ở khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp được coi là một động lực thúc đẩy tăng trưởng quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững ở Việt Nam.
2. Vai trò của nông nghiệp và phát triển nông thôn
Chi tiêu công trong nông nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp đều có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của nước ta. Các chính sách hoạch định phát triển trong nông nghiệp đã góp phần làm nên những thành tựu rất ấn tượng.
- Một là, ngành nông nghiệp có sự đóng góp lớn trong GDP hàng năm của cả nước. Các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 22% tổng GDP, 40% xuất khấu và gần 2/3 lực lượng lao động.
- Hai là, vấn đề an ninh lương thực
Các chính sách đổi mới đã biến Việt Nam từ một nước thiếu lương thực triền miên sang một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới. Thêm vào đó, nhiều mặt hàng xuất khẩu của nước ta chiếm vị trí cao trên thị trường quốc tế, có thể kể đến cà phê, chè, hạt tiêu, thủy sản...Mặc dù môi trường bên ngoài có những điều kiện không thuận lợi, giá hàng nông sản bất ổn- có khi xuống rất thấp nhưng tăng trưởng nông nghiệp trong những năm qua vẫn được duy trì ở mức khá ổn định, khoảng 4%/ năm.
- Ba là, đóng góp của sự phát triển ngành trong giảm nghèo.
Hoạt động đầu tư công trong nông nghiệp nông thôn đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện hạ tầng nông thôn, tăng tính cạnh tranh của kinh tế nông thôn và đa dạng nguồn thu nhập cho các nông hộ. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giai đoạn 1993- 2002 đã giảm từ 66% năm 1993 xuống 46% năm 1998 và còn 36% năm 2002. Các số liệu điều tra về mức sống hộ gia đình Việt Nam gần đây cũng cho thấy tỷ lệ nghèo vùng nông thôn tiếp tục giảm. Những thành quả trong giảm nghèo là điều kiện cho sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.
Có thể nói, sau gần 20 năm đổi mới, Nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện được sức mạnh của mình trong đời sống kinh tế- xã hội Việt Nam: có sức tăng trưởng mạnh và làm tròn vai trò cung cấp lương thực, đóng góp trong GDP, tăng nguồn thu ngoại tệ, thu hút lao động và cung cấp nguyên liệu cho Công nghiệp hóa. Chính vì thế, đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn tạo nền tảng cho công nghiệp hóa ở nước ta hiện nay là sự lựa chọn đúng đắn và hợp logic.
II- Các nhân tố tác động đến hoạt động đầu tư công trong Nông nghiệp nông thôn Việt Nam