2.1. Hoàn thiện khung pháp lý:
- Hoàn thiện các văn bản pháp lý, cơ chế chính sách cho sự phát triển của thị trường chứng khoán cụ thể xem xét sửa đổi, bổ sung Luật chứng khoán theo hướng mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật cho phù hợp với xu thế hội nhập của nền kinh tế; Cần sớm cho ra đời và phát triển của chứng khoán phái sinh. Thực tế thị trường đang đòi hỏi sớm có các quy định hướng dẫn các nghiệp vụ chứng khoán trọng yếu như giao dịch ký quỹ, giao dịch bán khống có quản lý (cơ chế vay, cho vay chứng khoán), giao dịch mua - bán bắt buộc, các quy định hướng dẫn tổ chức thực hiện và giao dịch chứng khoán phái sinh như quyền chọn, hợp đồng tương lai…
- Tăng cường công tác thanh tra giám sát hoạt động của các tổ chức tham gia thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm về công bố thông tin, về tin đồn gây bất lợi cho hệ thống thị trường tài chính, về rò rỉ thông tin, giao dịch nội gián, làm giá cổ phiếu... Để khắc phục tình trạng
+ Một là: Rà soát lại thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc công bố thông tin và áp dụng thống nhất cho việc công bố thông tin trên thị trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm khắc việc công bố thông tin chậm, công bố thông tin không chính xác, để rò rỉ thông tin bất luận là tổ chức hay cá nhân.
+ Hai là: xử lý nghiêm khắc các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng phương tiện truyền thông (báo, chí, trang tin…) đưa thông tin sai lệch, hoặc làm méo mó tin, hoặc thông tin bất lợi cho thị trường mà không rõ nguồn gốc.
+ Ba là: tiếp tục yêu cầu các công ty đại chúng đăng ký trên thị trường UpCoM bằng các quy định và chế tài cụ thể (đối với các công ty chưa thực hiện đăng ký khi có đủ điều kiện).
+ Bốn là: Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần có thông điệp rõ ràng, minh bạch về việc điều hành các chính sách kinh tế – tài chính cũng như các thông tin vĩ mô để mọi người dân biết, hiểu đúng và chấp hành nghiêm túc.
+ Năm là: Thu hẹp hoạt động của thị trường tự do bằng cách yêu cầu các công ty đại chúng giao dịch trên thị trường tự do phải tuân thủ các yêu cầu về kiểm toán, công bố thông tin, quản trị công ty như các doanh nghiệp đã niêm yết. Điều này vừa giúp giảm thiểu rủi ro trong thanh toán, vừa làm cho các giao dịch này được công khai, dễ kiểm soát, từng bước thu hút vào thị trường có tổ chức. Mặt khác cũng cần cải tiến và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền để người dân tiếp cận được thông tin kịp thời về cơ chế chính sách của Nhà nước nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
- Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu quản lý tài khoá yếu kém, sẽ tăng kỳ vọng lạm phát, có thể làm tăng lãi suất và cung tiền, điều này ảnh hưởng lớn đến việc vay nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán. Ngược lại, lạm phát và lãi suất tăng cao, không những làm giảm nguồn thu cho Chính phủ, mà còn làm cho giá chứng khoán biến động mạnh theo xu hướng giảm, làm nản lòng nhà đầu tư trên thị trường do tính thanh khoản của thị trường bị ảnh hưởng. Vì vậy rất cần một sự nhận thức đúng và đầy đủ về mối quan hệ giữa hai chính sách, nhằm tăng cường sự kết nối và giảm sung đột giữa chúng để cùng đạt được mục tiêu đặt ra.
- Ủy ban chứng khoán nhà nước nên sớm cho áp dụng thanh toán T+2, mua bán trong ngày và cho phép nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản. Kéo dài thời gian giao dịch vào buổi chiều.
- Nhập 2 Sở giao dịch thành một, giao dịch các loại chứng khoán niêm yết có vốn từ 80 hoặc 100 tỷ đồng trở lên và có một thị trường UPCoM giao dịch các loại chứng khoán chưa niêm yết, theo nguyên tắc đấu giá cạnh tranh – đó là mô hình thứ hai. Thực hiện cổ phần hóa Sở giao dịch, bán cổ phần cho các công ty chứng khoán thành viên, để các công ty chứng khoán vừa là người chủ sở hữu vừa là thành viên thị trường, từ đó nâng cao quyền hạn và ý thức trách nhiệm của các công ty chứng khoán với thị trường. Sở giao dịch là một tổ chức tài chính kinh doanh, có cơ chế tài chính riêng, tự tích lũy để phát triển, xóa bỏ bao cấp của Nhà nước. Bên cạnh các thị trường giao dịch cổ phiếu có một thị trường giao dịch trái phiếu chuyên biệt.
- Phải có cơ chế chính sách, đối với thị trường phát hành.. Vì hiện nay các công ty thường lợi dụng việc tăng vốn để phát hành cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu… gây loãng giá cổ phiếu và giảm chất lượng… do đó, chúng ta cần phải nâng cao điều kiện phát hành và điều kiện niêm yết. Muốn được phát hành hoặc niêm yết, công ty phải có 3 năm liên tục gần nhất có lợi nhuận (hiện nay 1 năm) và tỷ suất lợi nhuận phải đạt một tỷ lệ phần trăm nào đó so với vốn điều lệ (hiện nay chưa có điều kiện này). Ngoài ra, phát hành chứng khoán ra công chúng phải trên cơ sở một dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế. điều kiện phát hành và niêm yết càng khắt khe, chứng khoán trên thị trường càng có chất lượng, thì thị trường càng an toàn và phát triển bền vững.
2.3. Hàng hóa cho thị trường