Công trình 2:

Một phần của tài liệu Công cụ tài chính phái sinh - góc nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (Trang 41 - 45)

3. Những nghiên cứu thực nghiệm về vấn đề sử dụng công cụ phái sinh tại Việt Nam:

3.2. Công trình 2:

“Công cụ tài chính phái sinh ở Việt Nam - mới hay cũ”, Chuyên đề nghiên cứu của Trần Thị Thuận Thành, Học viện Tài chính, đăng trên trang web www.saga.vn.

Trên thị trường tài chính Việt Nam, các nghiệp cụ tài chính phái sinh bắt đầu xuất hiện khoảng 5 năm trước đây và đến nay xuất hiện nhiều loại công cụ phái sinh chuẩn và không chuẩn đang được thực hiện. Giao dịch kỳ hạn xuất hiện với tư cách là công cụ tài chính phái sinh đầu tiên ở Việt Nam theo quyết định số 65/1999/QĐ-NHNN7 ngày 25/02/1999. Các giao dịch kỳ hạn được thực hiện trong hợp đồng mua bán USD và VND giữa ngân hàng thương mại với doanh nghiệp xuất nhập khẩu hoặc với các ngân hàng thương mại khác được phép của ngân hàng nhà nước. Có thể liệt kê một số tổ chức tín dụng đã được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện:

 Ngân hàng Citibank thực hiện thí điểm hoán đổi lãi suất giữa hai đồng tiền từ ngày 1/3/2005 đến 2/2006.

 Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam, thực hiện thí điểm giao dịch quyền chọn lãi suất đối với các khoản vay hoặc đi vay trung hạn bằng USD hoặc EURO. Đối tác thực hiện giao dịch quyền chọn lãi suất là các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, các ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam được Ngân hàng nhà nước cho phép thực hiện thí điểm giao dịch quyền chọn lãi suất và các ngân hàng nước ngoài.

 Ngân hàng HSBC thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất cộng dồn - Daily range accrual, thời hạn của hợp đồng tối đa 5 năm.

 Cho phép ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương thực hiện giao dịch hợp đồng tương lai trên thị trường hàng hoá (9/2004), Vinasin thực hiện giao dịch hoán đổi ngoại tệ…

Mặc dù xuất hiện đầu tiên và được cho là nghiệp vụ phổ biến nhất hiện nay, tuy nhiên, xem xét cụ thể thì Hợp đồng kỳ hạn sử dụng trên thị trường tài chính Việt Nam vẫn là rất ít so với trên thế giới, một phần là do thị trường liên ngân hàng ở Việt Nam chưa phát triển, một phần do hạn chế của Ngân hàng nhà nước. Vì thế, các giao dịch kỳ hạn chỉ chiếm khoảng 5 - 7% khối lượng giao dịch của thị trường ngoại tệ liên ngân hàng. Giao dịch hoán đổi cũng xuất hiện khá sớm theo quyết định số 430/QĐ-NHNN13 ngày 24/12/1997 và sau này là quyết định số 893/2001/QĐ-NHNN ngày 17/7/2001 của thống đốc Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, đây chỉ là những giao dịch hoán đổi thuận chiều giữa Ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại. Nó chỉ được sử dụng trong trường hợp các ngân hàng thương mại dư thừa ngoại tệ và khan hiếm VND.

Các công phái sinh lãi suất và tỷ giá ngoại tệ tiếp tục xuất hiện tại Việt Nam được các ngân hàng sử dụng cho nhu cầu nội tại của các ngân hàng thương mại nhằm theo kịp chuẩn mực hoạt động của ngân hàng quốc tế. Ngân hàng nhà nước đã cho phép các ngân hàng thương mại thực hiện một số nghiệp vụ phái sinh nhằm phòng ngừa rủi ro lãi suất và rủi ro tỷ giá. Theo quyết định số 1133/QĐ-NHNN ngày 30/09/2003 về quy chế thực hiện giao dịch hoán đổi lãi suất cho phép mở rộng danh mục các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp được sử dụng công cụ hoán đổi lãi suất. Ngày 10/12/2004 ngân hàng ACB là ngân hàng đầu tiên công bố triển khai dịch vụ quyền chọn mua bán vàng. Dịch vụ này được tung ra trong bối cảnh trong nước và quốc tế giá vàng liên tục tăng, tuy nhiên cũng cần có thời gian để đo lường mức độ đón nhận của thị trường đối với công cụ này.

Điểm lại những mốc chính xuất hiện của các công cụ phái sinh ở Việt Nam, dễ dàng nhận thấy rằng, thị trường công cụ tài chính phái sinh đã hình thành ở Việt Nam, tuy nhiên còn rất nhỏ bé và chưa phổ biến. Dường như chúng chưa được thị trường đón nhận như là công cụ không thể thiếu trong phòng ngừa rủi ro. Tình trạng này một phần cũng do mức độ phát triển của thị trường tiền tệ, thị trường vốn còn thấp, trên thị trường

còn thiếu vắng các nhà đầu tư am hiểu về lợi ích cũng như kỹ thuật tính toán lợi nhuận từ các nghiệp vụ này.

Xét riêng cho cuộc khủng hoảng tài chính lần này, một câu hỏi được đặt ra: “Việt

Nam chưa thực sự hội nhập - Điều may mắn của Việt Nam trước “đại dịch” tín dụng thứ cấp?”

Theo nhiều chuyên gia nhận định, các khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra sẽ không có nhiều tác động trực tiếp đến hệ thống tài chính Việt Nam nhưng nền kinh tế có khả năng bị ảnh hưởng lớn. Hệ thống tài chính Việt Nam dường như chưa hội nhập chung với hệ thống tài chính toàn cầu. Nước ta chỉ mới mở cửa thị trường vốn vào mà hầu như chưa mở cửa dòng ra, do vậy lượng tiền Việt Nam đầu tư ra bên ngoài dường như không đáng kể và dòng vốn gián tiếp đổ vào Việt Nam chưa nhiều nên hệ thống tài chính Việt Nam sẽ không chịu nhiều tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ không chỉ gây chấn động hệ thống chấn động hệ thống tài chính Mỹ mà cơn “địa chấn tài chính” này đang lan rộng và đe dọa sự ổn định của nhiều quốc gia khác. Trong một thế giới toàn cầu hoá như ngày nay, sớm hay muộn thì cuộc khủng hoảng này sẽ tạo ra những “sang chấn” đáng kể đối với nền kinh tế vĩ mô Việt Nam.

Việt Nam chưa có nghiệp vụ chứng khoán hoá – công cụ truyền dẫn rủi ro tín dụng từ thị trường tín dụng sang thị trường vốn cũng như việc phát tán rủi ro trên phạm vi toàn cầu. Một điểm đáng quan tâm nữa là tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo (loan-to-value) không quá cao, khoảng 70% mặc dù việc định giá ở Việt Nam lại chưa minh bạch. Chính những điều này như một bức bình phong đã làm hạn chế tầm ảnh hưởng và hạn chế mức độ nghiêm trọng của rủi ro tín dụng tại Việt Nam. Trích dẫn lời phát biểu của chuyên gia kinh tế Nicholas Lardy từ học viện Peterson tại Washington về sự may mắn của Châu Á không riêng gì Việt Nam như sau: “Tôi nghĩ rằng nhiều ngân hàng trung ương Châu Á giờ đây đang cảm thấy may mắn khi trì hoãn việc mở cửa hệ thống tài chính cho các tổ chức tài chính phương Tây muốn gia nhập thị trường bằng các sản phẩm phái sinh cao cấp”.

Tuy nhiên, do bản chất rủi ro tín dụng là giống nhau nên thị trường tín dụng của Việt Nam cũng có các diễn biến giống với thị trường tín dụng ở Mỹ. Đầu tiên là sự tăng trưởng tín dụng nóng, đặc biệt là sự bùng nổ tín dụng bất động sản và tín dụng tiêu dùng

vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Ngay vào thời điểm thị trường tín dụng bùng nổ, lãi suất trên trên thị trường rất thấp, khoảng 12 – 13% và 6 tháng sau, khi chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ lãi suất đã được điều chỉnh lên mức rất cao (tới 21%). Thêm vào đó, Việt Nam còn bị tác động của lạm phát làm cho thu nhập của người vay vốn giảm sút. Theo tình hình hiện nay, thị trường bất động sản đóng băng đã đưa ra những tín hiệu đáng lo ngại cho thị trường tín dụng. Do đó, Việt Nam cũng có một số lĩnh vực bị ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng như lãi suất tín dụng cho vay giữa các ngân hàng thương mại ( Libor và Sibor, tức London Inter Bank Offer rate và Singapore Inter Bank Offer rate, thường được dùng làm lãi suất cơ sở để cho các ngân hàng nhà nước và doanh nghiệp vay ).

Khía cạnh khác là về đầu tư trực tiếp (FDI)do FDI vào Việt Nam phần lớn là vốn vay chứ không phải vốn tự có nên nếu các nhà đầu tư không dàn xếp được khoản vay sẽ khó giải ngân được. Thâm hụt thương mại gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, tốc độ tăng trưởng giảm sút. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy là cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm trong khi cung đối với các mặt hàng nhập khẩu sẽ tăng do các nhà sản xuất bị giảm thị trường ở các nước phát triển sẽ tìm cách mở rộng ở các thị trường khác. Như vậy khả năng xuất khẩu giảm mạnh là rất cao trong khi nhập khẩu nếu có giảm cũng sẽ ít hơn so với xuất khẩu. Điều này làm cho thâm hụt ngoại thương của Việt Nam sẽ gia tăng, nhất là trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt quá 160% GDP. Mặt khác, đối với thị trường chứng khoán, có khả năng các nhà đầu tư nước ngoài phải thu hồi nguồn vốn và bán chứng khoán. Điều này tác động đến dự trữ ngoại hối và giá cả của thị trường thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài bán ra nhiều hơn mua vào sẽ làm giảm giá chứng khoán của Việt Nam.

Qua hai công trình nghiên cứu trên ta có thể thấy phát triển thị trường công cụ tài chính phái sinh là đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, thực tế “Thị trường đã

sẵn sàng?”

Đã có nhiều ý kiến đã cho rằng, xuất phát điểm nền kinh tế lạc hậu chưa cho phép chúng ta áp dụng các kỹ thuật tài chính hiện đại. Bởi để có thể sử dụng được chúng, đòi hỏi phải có một trình độ hiểu biết và phát triển nhất định của bất kỳ nền kinh tế nào. Một

điều đáng lưu ý nữa là thị trường tiền tệ Việt Nam chưa gặp những biến động lớn. Hầu như chưa gặp khủng hoảng tài chính lớn thậm chí như hiện nay nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là Mỹ - nền kinh tế đứng đầu thế giới – đang rơi vào cuộc đại khủng hoảng, chưa có lối thoát, thì Việt Nam lại không bị ảnh hưởng trầm trọng và vì thế các doanh nghiệp tương đối an tâm. Giới doanh nhân hầu như đều có niềm tin cho rằng tỷ giá thì Nhà nước ổn định rồi còn lãi suất sẽ không có biến động mạnh do Ngân hàng Trung ương sẽ không để cho điều đó xảy ra. Tuy nhiên, khi nền kinh tế nước ta đang bước vào hội nhập thì thị trường sẽ có thể có những vận động khác xa với những gì doanh nghiệp nghĩ. Điều này làm cho việc đạt niềm tin nhiều quá của doanh nghiệp vào thị trường đôi khi trở nên nguy hiểm. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đã và đang thực sự trở thành nền kinh tế thị trường đầy đủ, đang có rất nhiều thay đổi về mặt chính sách: mở cửa thị trường vào không gian WTO, hoà chung vào hơi thở chung của nền kinh tế toàn cầu, áp dụng các Luật chơi chung với quốc tế, lãi suất đã được tự do hoá tài chính đã đi qua rất nhiều bước và trên thực tế, các luồng vốn đã tương đối tự do chảy vào và chảy ra khỏi Việt Nam cả trực tiếp và gián tiếp với quy mô và tần suất ngày càng lớn; chính sách tỷ giá cũng từng bước linh hoạt theo tín hiệu thị trường…

Những bối cảnh trên đã, đang là những nhân tố khách quan thúc đẩy các bên tham gia thị trường tài chính Việt Nam phải đổi mới tư duy khi nhận thức về vai trò của thị trường các công cụ tài chính phái sinh. Sự kém phát triển của thị trường phái sinh là một thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập và mở cửa thị trường tài chính ở Việt Nam. Khi mà rủi ro luôn là bạn đường của các nhà đầu tư và ngày càng gia tăng trong quá trình hội nhập, thì phát triển thị trường các nghiệp vụ phái sinh được xem là lá chắn quan trọng để hạn chế rủi ro của thị trường đối với những nhà đầu tư. Vì vậy phát triển thị trường phái sinh là rất cần thiết hiện nay.

Một phần của tài liệu Công cụ tài chính phái sinh - góc nhìn từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (Trang 41 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(52 trang)