Báo cáo tài chính

Một phần của tài liệu 67 Hoàn thiện hệ thống kế toán áp dụng cho Công ty TNHH Bảo hiểm Quốc tế Mỹ tại Việt Nam (Trang 37 - 42)

2. TÌNH HÌNH THỰC TẾ ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN BẢO HIỂM NHÂN THỌ TẠI CÔNG TY AIA VIỆT NAM

2.3 Báo cáo tài chính

Hiện tại hệ thống báo cáo tài chính của công ty AIA chỉ bao gồm hai báo cáo chính là “Bảng cân đối kế toán” và “Kết quả hoạt động kinh doanh” (phần I: “Kết quả hoạt động kinh doanh”). Công ty không lập các báo cáo khác như phần II “Tình hình thực hiện nghĩa vụ với nhà nước” của bảng “Kết quả hoạt động kinh doanh”, báo cáo “Lưu chuyển tiền tệ” và “thuyết minh báo cáo tài chính”.

2.3.1 Bảng cân đối kế toán:

2.3.1.1 Nội dung bảng cân đối kế toán của công ty AIA (xem phụ lục 3)

2.3.1.2 Phương pháp ghi một số chỉ tiêu đặc biệt của doanh nghiệp bảo hiểm

- Chỉ tiêu “Ký quỹ bảo hiểm” (Mã số 241): theo qui định của Luật kinh doanh bảo hiểm, các công ty bảo hiểm phải sử dụng một phần vốn điều lệ để ký quỹ tại một ngân hàng thương mại hoạt động tại Việt Nam. Số tiền ký quỹ của công ty bảo hiểm được quy định bằng 5% vốn pháp định, số tiền này dùng để đáp ứng các cam kết đối với bên mua bảo hiểm khi khả năng thanh toán của công ty bị thiếu hụt. Vì thế số liệu được phản ánh trên chỉ tiêu “Ký quỹ bảo hiểm” là số dư Nợ của tài khoản 2441 vào thời điểm báo cáo.

- Chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước” (Mã số 314): phản ánh số tiền chủ hợp đồng thanh toán phí bảo hiểm trước khi đến hạn, nó được lấy từ số dư bên Có của tài khoản 3387 “Doanh thu nhận trước”.

- Các chỉ tiêu liên quan đến dự phòng nghiệp vụ (từ mã số 331 đến mã số 336 như: dự phòng phí, dự phòng toán học, dự phòng bồi thường, dự phòng dao động lớn, dự phòng chia lãi và dự phòng bảo đảm cân đối): dùng để phản ánh các khoản dự phòng nghiệp vụ chưa sử dụng vào thời điểm kế toán. Các số liệu này được lấy từ số dư cuối kỳ của các tài khoản chi tiết của tài khoản 3351 “Dự phòng nghiệp vụ”.

2.3.2 Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh

2.3.2.1 Nội dung báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của công ty AIA

(xem phụ lục 4):

2.3.2.2 Phương pháp ghi báo cáo một số chỉ tiêu đặc biệt của doanh

Thu phí bảo hiểm gốc – Mã số 01: số liệu được ghi lên báo cáo của chỉ tiêu này là tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc trong năm báo cáo của công ty bảo hiểm, nó được lấy từ số dư cuối kỳ bên Có của tài khoản 51111 “Thu phí bảo hiểm gốc”.

Các khoản giảm trừ – Mã số 03: đây là tổng hợp các chỉ tiêu được ghi nhận là giảm doanh thu của kỳ báo cáo, các khoản giảm trừ đó có thể là: phí nhượng tái bảo hiểm, hoàn phí, giảm phí hay các khoản giảm trừ khác.

Mã số 03 = Mã số 04 + Mã số 05 + Mã số 06 + Mã số 07

Phí nhượng tái bảo hiểm – Mã số 04: đây là tổng số phí mà công ty bảo hiểm phải trả cho các công ty nhượng tái bảo hiểm tương ứng với doanh thu phí bảo hiểm gốc trong kỳ báo cáo (số liệu lấy từ bên Có tài khoản 533 “Phí chuyển nhượng tái bảo hiểm)

Giảm phí – Mã số 05: phản ánh tổng số giảm phí bảo hiểm theo điều khoản cam kết của hợp đồng bảo hiểm trong kỳ báo cáo (số liệu được lấy từ bên Có của các tài khoản 5321 “Giảm phí bảo hiểm gốc”, 5324 “Giảm hoa hồng nhượng tái bảo hiểm”).

Hoàn phí (giá trị hàng bán bị trả lại) – Mã số 06: đây là tổng số phí bảo hiểm gốc hay hoa hồng nhượng tái bảo hiểm mà công ty phải trả lại cho chủ hợp đồng hoặc các công ty tái bảo hiểm trong kỳ (là tổng số phát sinh Có của các tài khoản 5311 “Hoàn phí bảo hiểm gốc”, 5314 “Hoàn hoa hồng nhượng tái bảo hiểm”).

Các khoản giảm trừ khác – Mã số 07: là các khoản giảm trừ doanh thu khác ngoài các khoản giảm trừ đã được phản ánh ở các chỉ tiêu trên (từ mã số 4 đến mã số 6). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số lũy kế số phát sinh có TK 5318 “Hoàn khác” và TK 5328 “Giảm khác” đối ứng Nợ TK 511 “Doanh thu bán hàng” trong kỳ báo cáo.

Tăng (giảm) dự phòng phí, dự phòng toán học – Mã số 08: chỉ tiêu này phản ánh sự chênh lệch giữa số dự phòng phí, dự phòng toán học phải trích trong năm

tài chính với số dự phòng năm trước đem sang. Trường hợp số dự phòng phải trích của năm nay cao hơn năm trước thì chỉ tiêu này được ghi nhận như một khoản giảm doanh thu và số liệu được lấy là số dư cuối kỳ bên Có của tài khoản 33511 “Dự phòng phí” hoặc 33512 “Dự phòng toán học” (đối ứng với Nợ tài khoản 62418 “Dự phòng nghiệp vụ”) và ngược lại.

Thu hoa hồng nhượng tái bảo hiểm – Mã số 09: đây là số tiền hoa hồng mà công ty được hưởng cho hoạt động nhượng tái bảo hiểm của mình (là số phát sinh Có của tài khoản 51141 “Thu hoa hồng’).

Thu khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm – Mã số 10: là tổng số doanh thu khác ngoài doanh thu bảo hiểm gốc của công ty.

Thu khác – Mã số 13: chỉ tiêu này phản ánh doanh thu của hoạt động khác như: giám định, đại lý… sau khi trừ đi các khoản giảm trừø. (Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số phát sinh Có TK 5118 “Thu khác”).

Doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm – Mã số 14: số liệu được ghi nhận trên báo cáo của chỉ tiêu này là số doanh thu còn lại của hoạt động kinh doanh bảo hiểm sau khi tính trừ các khoản giảm trừ và tăng (giảm) dự phòng phí, dự phòng toán học.

Chi bồi thường bảo hiểm gốc – Mã số 15: đúng như tên gọi của chỉ tiêu này, nó phản ánh số tiền mà công ty bảo hiểm nhân thọ phải trả cho khách hàng về tiền bồi thường và trả tiền bảo hiểm gốc. Số liệu để đưa lên báo cáo là tổng số phát sinh bên Nợ của tài khoản 62411 “Chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm”.

Thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm – Mã số 18: thông thường khi thanh toán tiền bồi thường cho khách hàng công ty sẽ hạch toán toàn boat số tiền chi trả và tài khoản 62411 (phản ánh trên mã số 15). Sau đó theo một thời gian quy định (hàng quý) công ty sẽ tiến hành thủ tục yêu cầu công ty tái bảo hiểm thanh toán số tiền mà công ty đã trả cho khách hàng nhưng không thuộc phần trách nhiệm giữ lại của công ty. Khi đó số liệu được ghi vào chỉ tiêu này là số phát sinh bên Nợ của tài khoản 13141 “Phải thu bồi thường nhượng tái bảo hiểm”.

Bồi thường thuộc phần trách nhiệm giữ lại – Mã số 21: là tổng số tiền bồi thường thuộc phần trách nhiệm giữ lại của công ty bảo hiểm, đó là số tiền chênh lệch giữa số tiền chi bồi thường bảo hiểm gốc và số thu bồi thường từ công ty tái bảo hiểm.

Tăng (giảm) dự phòng bồi thường – Mã số 23: là tổng số chênh lệch giữa số dự phòng bồi thường phải trích trong năm tài chính với số dự phòng đã trích của năm trước chuyển sang. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này trong trường hợp số trích dự phòng năm báo cáo cao hơn năm trước là tổng số phát sinh bên Có của tài khoản 33513 “Dự phòng bồi thường” và ngược lại.

Chi khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm – Mã số 25:

Là chỉ tiêu phản ánh tổng hợp các chi phí khác của các hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm:

+ Chi khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc + Chi khác hoạt động nhượng tái bảo hiểm + Chi trực tiếp kinh doanh hoạt động khác

Chi khác hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc – Mã số 26: nó phản ánh các khoản chi phí khác của hoạt động kinh doanh bảo hiểm gốc ngoài các chi phí liên quan đến bồi thường, như: chi hoa hồng, chi giám định tổn thất hoặc chi khác…. Theo qui định của chế độ kế toán thì số liệu để lên chỉ tiêu này là số phát sinh bên Có của các tài khoản 62412, 62413 và 62419 đối ứng với Nợ TK 911.

Chi hoạt động nhượng tái bảo hiểm – Mã số 39: là những chi phí phát sinh trong quá trình công ty tiến hành hoạt động nhượng tái bảo hiểm với các công ty tái bảo hiểm. Số liệu này được phản ánh từ số phát sinh bên Có của tài khoản 6244 “Chi phí trực tiếp kinh doanh nhượng tái bảo hiểm” được kết chuyển vào tài khoản 911.

Dự phòng toán học trích từ lãi đầu tư – Mã số 48: đây là số dự phòng toán học mà các công ty bảo hiểm nhân thọ phải trích từ lãi đầu tư hàng năm theo qui định của cơ chế tài chính. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số phát sinh Có TK 33512 “Dự phòng toán học” đối ứng Nợ TK 635 “Chi phí hoạt động tài chính”.

Dự phòng chia lãi – Mã số 49: công ty bảo hiểm nhân thọ phải trích lập dự phòng cho số tiền lãi mà công ty phải trả cho khách hàng theo cam kết trong hợp đồng bảo hiểm. Tương tự như chỉ tiêu trên, chỉ tiêu này được từ số phát sinh bên Có của tài khoản 33515 “Dự phòng chia lãi” đối ứng Nợ TK 635 “Chi phí hoạt động tài chính”.

Dự phòng bảo đảm cân đối – Mã số 58: chỉ tiêu này được lập theo qui định của luật kinh doanh bảo hiểm trong trường hợp công ty bắt đầu phát sinh lợi nhuận. Mức trích lập hàng năm là 1% từ lợi nhuận trước thuế của công ty và trích cho đến khi khoản dự phòng này bằng 5% phí bảo hiểm thu được trong năm tài chính. Do đó số liệu được lấy lên chỉ tiêu này là số phát sinh bên Có TK 33516 “Dự phòng bảo đảm cân đối” đối ứng với Nợ TK 421 “Lợi nhuận chưa phân phối”.

(Xin xem mẫu báo cáo tài chính ở phụ lục 3, 4)

Một phần của tài liệu 67 Hoàn thiện hệ thống kế toán áp dụng cho Công ty TNHH Bảo hiểm Quốc tế Mỹ tại Việt Nam (Trang 37 - 42)