Những biến đổi về không gian sinh tồn

Một phần của tài liệu Luận văn: LÀNG BẢN CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC TÀY Ở HUYỆN VÕ NHAI THÁI NGUYÊN pot (Trang 86 - 94)

7. Cấu trúc của đề tài

3.2.1. Những biến đổi về không gian sinh tồn

Vùng núi phía Bắc huyện Võ Nhai, nơi mà tỷ lệ người Tày ngày nay chiếm tới trên 60% thì giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn là vùng đất hoang vu, rừng cây rậm rạp, dân cư rất thưa thớt. Trên phạm vi mỗi xã ngày nay thường chỉ có từ 2 đến 3 bản của người Tày cư trú. Dân số ngày càng gia tăng, sự di cư của đồng bào H'Mông, Dao từ phía Bắc xuống và số ít người Kinh cũng như các dân tộc khác đến đây đã làm cho số nhân khẩu và số bản gia tăng khá nhanh chóng. Xã Cúc Đường trước năm 1945 chỉ có 2 bản là bản Cúc và bản Nhò với 100% người Tày cư trú thì nay đã có 5 bản, trong đó có 1 bản người H'Mông. Xã Vũ Chấn trước kia cũng chỉ có 2 bản thì nay có tất cả là 10 xóm bản, 5 bản Tày và 5 bản Dao. Người H'Mông và người Dao di cư đến khu vực này từ khoảng thập niên 80 - 90 TK XX, họ đa số từ các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn xuống do tập quán du canh du cư tìm đất sản xuất và một phần do chiến tranh biên giới Việt - Trung. Khi di cư đến đây, họ đốt rừng làm nương, mua lại một phần ruộng đất của người Tày và lập thành những bản riêng biệt. Đó là nguyên nhân quan trọng, làm tăng số bản, tăng dân số vùng này. Tập quán đó của đồng bào H'Mông và Dao đã làm cho diện tích rừng ở đây bị thu hẹp nhanh chóng. Hiện nay rừng nguyên sinh ở khu vực này gần như không còn, kể cả tại khu bảo tồn sinh thái Thần Sa - Phượng Hoàng. Do các mối giao lưu kinh tế văn hoá, học hỏi kinh nghiệm

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

sản xuất lúa nước của người Tày cũng như rừng đã bị thu hẹp nhiều nên người H'Mông và Dao đã sống định cư và canh tác lúa nước như người Tày.

Ở các xã phía Bắc huyện Võ Nhai thường có rất ít đồng bào Kinh di cư tới. Người Kinh ở miền xuôi lên Võ Nhai chủ yếu lao động và rồi định cư tại các xã vùng thấp hơn như La Hiên, Đình Cả, Tràng Xá. Xã Cúc Đường ngày nay cũng có một bộ phận nhỏ người Kinh, họ chủ yếu đến và định cư ở đây bằng hình thức nhận làm con nuôi, lấy vợ, lấy chồng. Dấu ấn của người Kinh ở khu vực phía bắc huyện là không rõ nét.

Như vậy, sự di cư của một số dân tộc đến khu vực này đã làm cho không gian sinh tồn của người Tày bị thu hẹp, rừng không còn nhiều. Họ phải chia sẻ ruộng đất, lâm thổ sản địa phương với những người không đồng tộc. Tuy nhiên đó là quá trình tất yếu trong lịch sử phát triển của mỗi vùng đất.

Trong những năm qua, sự phát triển của dân số đã làm cho quy mô của mỗi bản ngày càng lớn. Như đã trình bày trước năm 1945, mỗi bản Tày gốc thường có không quá 10 nóc nhà như bản Mỏ Gà, bản Cúc, bản Na Rang, Na Đồng,…Ngày nay, những bản Tày trung bình cũng phải có khoảng 50 nhà, cá biệt có bản lớn như Na Đồng - Xã Vũ Chấn có trên 80 nhà. Dân cư ngày càng đông đúc, tuy diện tích đất rộng, mật độ dân số là thưa nhất huyện Võ Nhai và tỉnh Thái Nguyên nhưng diện tích đất canh tác lại có hạn. Núi đá vôi chiếm phần lớn khu vực này. Nên vấn đề đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào không phải là không đáng quan tâm. Bình quân đất cây lúa của đồng bào chỉ được khoảng trên dưới 2 sào Bắc bộ/1 người. Đất đai đã ít lại còn bị xé nhỏ một cách rất manh mún. Trong những năm qua hiện tượng tranh giành đất đai sản xuất đã có xảy ra ít nhiều đã làm xáo trộn nông thôn và ảnh hưởng tới các mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng.

Tuy số hộ và số nhân khẩu tăng nhưng số dòng họ trong mỗi bản của người Tày lại ít tăng. Sự di cư của người Tày trong nội bộ vùng là ít xảy ra.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Họ lại ít khi sống cùng một bản với các dân tộc mới di cư đến. Kết quả là số họ gốc vẫn còn nhưng các họ mới ít thấy xuất hiện. Bản Na Đồng, Na Rang, xã Vũ Chấn và bản Trường Sơn, Tân Sơn, xã Cúc Đường có số họ gần như không thay đổi. Điều đó cho thấy quá trình định cư khá ổn định của đồng bào. Làng bản đã trở nên đông đúc hơn nhưng kết cấu hình thế của các làng bản cũng chưa có sự thay đổi nhiều so với trước kia. Hình thức cư trú rải rác từng xóm hoặc từng nhà riêng biệt vẫn thấy phổ biến. Tuy rằng lối cư trú mật tập đã nhiều hơn. Điều này do địa hình và địa thế nơi đây quyết định chủ yếu. Thường thì các bản Tày vẫn không có trục giao thông chạy qua giữa bản như làng của người Kinh. Nối giữa các xóm và các nhà với nhau vẫn là những con đường mòn đất đá, mùa mưa thì lầy lội, mùa khô lại bui bặm. Đó là những con đường do từng nhà tự làm hoặc do sức lao động tập thể của người dân trong bản.

Hiện tại, 6 xã phía bắc huyện Võ Nhai, chỉ có xã Cúc Đường là có đường nhựa đến trung tâm xã. Được nhà nước quan tâm đầu tư nên hai tuyến đường nhựa liên xã từ Cúc đường lên Thần Sa, Thương Nung và từ Cúc Đường lên Vũ Chấn, Nghinh Tường đang được đầu tư xây dựng. Nói chung, hệ thống giao thông trong mỗi bản, liên bản và liên xã nơi đây vẫn đang có chất lượng rất thấp. Đó là nguyên nhân chính làm cho kinh tế ở vùng này gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề bức thiết này đòi hỏi càng được giải quyết sớm càng tốt.

Ngoài đường giao thông, do đều là các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn nên đồng bào nơi đây đang được hưởng những chính sách thiết thực từ Trung ương và địa phương. Mỗi xã đều đã được đầu tư xây dựng những hạng mục cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ cho các nhu cầu dân sinh như: Điện lưới, trường học và trạm xá kiên cố, trạm bơm phục vụ nhu cầu nước sạch của nhân dân…Ví dụ như xã Vũ Chấn đã có tới trên 50% số hộ được sử dụng nước sạch từ nhà máy nước.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Trong các làng bản Tày ở đây từ xưa đến nay, người ta vẫn ít có thói quen bố trí nhà cửa, ngõ xóm theo hàng lối. Điều này là tùy thuộc vào từng gia chủ và không có quy định chung. Hiện nay những gia đình gần trục đường chính thường làm nhà quay ra mặt đường. Nếu hướng đó không hợp với tuổi của chủ nhà thì họ sẽ tính đến chuyện quay hướng bàn thờ sao cho phù hợp với tuổi. Như đã trình bày ở giai đoạn trước, xung quanh mỗi gia đình người Tày đều có rào giậu bằng các loại tre, nứa, gỗ ván nhằm ngăn chặn thú dữ làm hại đến người và bắt gia súc thì nay do rừng còn ít và thú dữ đã hết thì người ta không còn giữ thói quen này. Họ thường chỉ trồng xung quanh nhà những hàng cây nhỏ làm rào để ngăn gia cầm. Không gian xung quanh ngôi nhà sàn thường được mở ra 4 phía thoáng đãng.

Trong phần trình bày về các loại hình nhà cửa của người Tày ở Võ Nhai, chúng tôi đã chỉ ra một thực tế rằng, nhà sàn là ngôi nhà truyền thống của người Tày và hầu hết các gia đình Tày đều làm nhà sàn và thích ở nhà sàn. Đồng bào chọn làm nhà sàn để ở vì lý do an toàn và thoáng mát. Ngày nay khi mà mối đe doạ từ thú dữ không còn thì đồng bào vẫn thích ở nhà sàn như một thói quen đã trở thành truyền thống. Tại các bản người Tày ở phía bắc huyện Võ Nhai, chúng ta vẫn thấy gần như 100% các gia đình ở nhà sàn. Tại vùng này, những nét truyền thống trong ngôi nhà sàn còn được bảo lưu khá rõ rệt.

Cũng vẫn là nhà sàn nhưng kỹ thuật dựng nhà và cách bố trí không gian trong nhà cùng các công trình phụ đã cõ những nét mới. Kiểu nhà sàn 3 hoặc 4 vì kèo đã gần như bị thay thế bởi các kiểu 5, 6 và 7 vì kèo. Trong đó, kiểu 6 vì kèo là phổ biến hơn cả. Kiểu này có lẽ là ra đời muộn nhất trong những kiểu kết cấu nhà sàn của dân tộc Tày ở Võ Nhai. Kiểu 6 vì kèo vừa tốn ít gỗ hơn mà không gian dành cho sinh hoạt trong nhà cũng được rộng rãi, thoải mái hơn. Cùng với sự thịnh hành của kiều nhà sàn 6 vì kèo là sự thay thế cột tròn bằng các cột vuông. Trong nhiều năm gần đây, người Tày ở Võ Nhai

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

thường không đặt bếp trong ngôi nhà chính của họ. Bếp và các công trình phụ thường được làm tách ra nhưng vẫn liền kề với nhà chính. Họ thường dựng một trái nhà riêng làm bếp. Nhà bếp này cũng là một dạng nhà sàn nhỏ với chỉ 2 hoặc 3 vì kèo. Đó là nơi vừa có bếp lửa dùng để nấu nướng thức ăn, sưởi ấm vào mùa đông, là chỗ diễn ra các bữa cơm thường ngày của gia đình và cũng là nơi đặt bếp nấu thức ăn cho gia súc, nấu rượu…Chuồng gia súc đã được làm tách biệt khá xa so với nhà chính. Điều này cho thấy nhận thức của đồng bào về vấn đề vệ sinh đã tốt hơn trước rất nhiều. Và cũng bởi nguyên nhân nữa là gia súc ngày nay không còn bị đe doạ bởi thú dữ. Riêng gia cầm thì cũng có gia đình vẫn để ngủ tự do dưới gầm sàn. Gầm sàn ngày nay đa số đồng bào vẫn để thoáng, nhưng cũng có không ít gia đình che chắn lại hoặc xây tường bao xung quanh. Đó thường là nơi để những vật dụng, nông cụ, phương tiện đi lại. Vấn đề vệ sinh và cảnh quan xung quanh ngôi nhà đã được các gia đình quan tâm hơn rất nhiều. Gầm sàn đã khô thoáng hơn, mương rãnh thoát nước xung quanh ngôi nhà đảm bảo điều đó.

Hiện nay do điều kiện kinh tế đã khá hơn, giao thông thuận tiện hơn đôi chút và việc sản xuất nguyên vật liệu làm nhà đã khá phát triển thì những ngôi nhà sàn của đồng bào rất ít còn được lợp bằng lá và thay vào đó là ngói vừa sạch đẹp, trang nhã hơn lại tránh được nguy cơ hoả hoạn. Đó là những tiến bộ đáng kể trong nếp nhà của họ.

Tại những vùng xa xôi hẻo lánh, đặc biệt là các xã phía bắc thì nhà sàn còn chiếm tỉ lệ ưu thế nhưng tại những vùng thấp hơn gần đường giao thông lớn, gần các trung tâm buôn bán, có sự giao lưu nhiều với người Kinh thì nhà nền đất đã được xây dựng khá nhiều và đang trở thành một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của nhà cửa người Tày. Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc này đó là nguyên liệu gỗ, đặc biệt là các loại gỗ tốt truyền thống, dùng để dựng nhà sàn ngày càng trở nên rất khan hiếm do rừng già

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

không còn và do chính sách bảo vệ rừng của nhà nước. Muốn có đủ gỗ dựng một ngôi nhà sàn, họ phải vào những khu rừng rất sâu, thậm chí lên tận địa phận tỉnh Bắc Kạn, công khai thác và vận chuyển là quá tốn kém và vất vả. Số ít gia đình đã tích luỹ và giữ được gỗ từ những giai đoạn trước đủ để dựng nhà cho các con trai khi họ ra ở riêng. Đồng bào cũng thường tiến hành trao đổi mua bán gỗ và các vật liệu khác trong phạm vi một bản và các bản lân cận để có đủ số gỗ. Những việc này đều đang bị chính sách bảo vệ các loại gỗ đặc biệt quý hiếm của Nhà nước ngăn trở. Việc khai thác buôn bán, vận chuyển các loại gỗ quý như đinh, sến, nghiến, táu…là vi phạm pháp luật. Vì nhiều lý do như vậy, nên hiện nay những gia đình người Tày ở vùng thấp phải là khá giả mới tính đến chuyện dựng nhà sàn. Nhu cầu nhà ở của đồng bào ngày một gia tăng do dân số phát triển; nguyên vật liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm; ngành sản xuất nguyên vật liệu để xây nhà chưa phát triển kịp ở các xã phía bắc Võ Nhai; giao thông vận chuyển chưa thực sự thuận tiện đang là những vấn đề thực tế cấp bách đặt ra cho vấn đề nhà ở của đồng bào tại các xã vùng cao đặc biệt khó khăn này. Trong bối cảnh đó, việc các gia đình chọn làm nhà nền đất là một tất yếu.

Số nhà nền đất chiếm tuyệt đại đa số trong đồng bào Tày ở những xã vùng thấp, nơi gần đường giao thông và những nơi có sự xen cư giữa hai dân tộc Tày - Kinh. Hiện nay, tại 2 bản Mỏ Gà và Phượng Hoàng, xã Phú Thượng chỉ còn 3 -4 ngôi nhà sàn mỗi bản. Tại trung tâm xã Cúc Đường, chúng ta cũng thấy rất nhiều nhà nền đất, tại các xã cao hơn như Vũ Chấn, Nghinh Tường, nhà nền đất cũng đã thấy lác đác xuất hiện. Những ngôi nhà nền đất của đồng bào ngày nay có kỹ thuật xây dựng và bố trí không gian không khác gì mấy nhà của người Kinh và phần lớn đều được bê tông hoá. Điều đó cũng cho thấy sự giao lưu và hội nhập nhanh của người Tày với nền văn hóa phổ thông.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn

Cùng với những thay đổi trên, cách bố trí và sử dụng không gian trong ngôi nhà cũng thấy có những nét mới. Dù ở nhà sàn nhưng vẫn thấy nhiều gia đình có kê giường, tủ, bàn ghế giống như nhà nền đất. Gác xép thấy ít gia đình làm và sử dụng hơn. Trong ngôi nhà người ta cũng ít quy định khắt khe chỗ ăn ngủ của mỗi thành viên. Duy trì có bàn thờ là vẫn luôn được đặt ở gian chính với vị trí trang trọng nhất. Đó là một nét thay đổi nữa trong tư duy ăn ở của đồng bào.

Nhìn vào những ngôi nhà của người Tày ở Võ Nhai ngày nay ta vẫn thấy còn đậm nét những nét truyền thống, những ưu điểm của nhà sàn. Nhưng quá trình phát triển và giao lưu kinh tế, văn hoá cũng như môi trường tự nhiên thay đổi đã làm cho ngôi nhà của đồng bào ít nhiều thay đổi, hội nhập và phù hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại.

Cùng với sự thay đổi ít nhiều của ngôi nhà thì những công trình kiến trúc công cộng cũng thay đổi nhưng mạnh mẽ và dễ nhận thấy hơn rất nhiều. Nếu như trước năm 1945 thì các bản Tày đều có đình bản. Nhưng dần dần do nhiều nguyên nhân, những ngôi đình này lần lượt mất đi. Các nguyên nhân chính có thể kể ra ở đây là do chiến tranh tàn phá; trải qua một thời gian dài các ngôi đình không được quan tâm, tôn tạo, văn hoá đình ngày càng đi vào dĩ vãng; các cuộc cải cách xã hội những năm 50 - 60, thế kỷ XX với tư tưởng "tả

khuynh", quay lưng lại với văn hóa tâm linh truyền thống đã làm cho đình bản

và những thiết chế văn hoá bản làng trở thành đối tượng bị xử lý, cải tạo, cấm đoán. Đình Thượng Nung là ngôi đình lớn và nổi tiếng nhất vùng thì nay gần như chỉ còn lại phần nền móng, vẫn chưa được tôn tạo. Đình Cúc, nay thuôc xã Cúc Đường bị thực dân Pháp đốt năm 1947. Đình Na Đồng cũng không còn tồn tại từ năm 1961 do bị bỏ bẵng và dột nát trong một thời gian dài. Hiện

Một phần của tài liệu Luận văn: LÀNG BẢN CỔ TRUYỀN CỦA DÂN TỘC TÀY Ở HUYỆN VÕ NHAI THÁI NGUYÊN pot (Trang 86 - 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(127 trang)