Bất kỳ một đơn vị sản xuất nào cũng đều phát sinh những khoản thiệt hại trong sản xuất như sản phẩm hỏng, sự cố trong sản xuất. Tại Công ty Cổ phần May 10 , khoản chi phí thiệt hại trong sản xuất chưa được hạch toán cụ thể. Tất cả những sản phẩm hỏng và các chi phí do các sự cố sản xuất gây ra đều được phản ánh vào chi phí sản xuất trong kỳ sau khi trừ đi giá trị phế liệu thu hồi và các khoản bồi thường của người có trách nhiệm (nếu có). Công ty chưa phân biệt sản phẩm hỏng trong định mức, sản phẩm hỏng ngoài định mức, mà toàn bộ sản phẩm hỏng đều được coi là phế liệu. Vì thế, giá thành sản phẩm
hoàn thành phải chịu toàn bộ chi phí về sản phẩm hỏng hay các sự cố sản xuất ngoài kế hoạch.
Theo lý luận thì mọi khoản thiệt hại trong sản xuất đều phải được theo dõi một cách chặt chẽ theo quy tắc: Những khoản thiệt hại trong định mức thì được phép tính vào giá thành sản phẩm, còn những khoản thiệt hại ngoài định mức thì không được phép tính vào giá thành mà coi chúng là chi phí thời kỳ hoặc quy trách nhiệm bồi thường.
Theo em, công ty nên hạch toán riêng chi phí sản phẩm hỏng, trong đó quy định rõ mức độ hỏng cho phép.Tuỳ thuộc vào tính chất công việc, phòng kỹ thuật đề ra mức sản phẩm hỏng cho phép. Đối với những chi phí về sản phẩm hỏng trong định mức thì tính vào tổng giá thành sản phẩm trong kỳ. Đối với sản phẩm hỏng ngoài định mức, cần xem xét nguyên nhân rõ ràng để có biện pháp xử lý thích hợp và có thể quy trách nhiệm bồi thường.
Đối với những sản phẩm hỏng, kế toán cần xác định chính xác giá trị sản phẩm hỏng, giá trị phế liệu thu hồi và xác định nguyên nhân gây hỏng để có biện pháp xử lý kịp thời.