1. Kết luận
Đối chiếu với mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài, chúng tôi đã giải quyết được những vấn đề về lí luận và thực tiễn sau:
1.1. Nghiên cứu cơ sở lí luận và thực tiễn của đề tài
- Nghiên cứu một số vấn đề về phương tiện trực quan: khái niệm, phân loại, vai trò và việc sử dụng phương tiện trực quan trong dạy học hóa học.
- Tìm hiểu một số vấn đề về bài tập hoá học: định nghĩa, phân loại, tác dụng của bài tập hóa học, việc sử dụng và các phương hướng xây dựng bài tập hóa học mới.
- Nghiên cứu về khái niệm, phân loại, vai trò của bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị.
- Phân tích số lượng bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị so với hệ thống BTHH phổ thông: chiếm 6,71% đối với chương trình nâng cao và 3,83% đối với chương trình cơ bản.
- Tìm hiểu thực trạng về việc sử dụng bài tập có hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị trong giảng dạy hoá học phổ thông.
+ 75% giáo viên cho rằng số lượng bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị hiện nay là ít.
+ 100% giáo viên cho rằng việc bổ sung bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị là cần thiết.
+ 73,6% giáo viên ít sử dụng bài tập có hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị trong dạy học hóa học.
1.2. Xây dựng hệ thống bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị
- Đề xuất 7 nguyên tắc xây dựng hệ thống bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị là: phải góp phần thực hiện mục tiêu môn học; phải bám sát nội dung học tập; phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, hiện đại; phải đảm bảo tính logic, hệ thống; đảm bảo tính sư phạm; hình vẽ đúng quy chuẩn và phải phù hợp với trình độ, phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh.
- Quy trình xây dựng hệ thống bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị theo 5 bước: + Xác định cấu trúc hệ thống bài tập.
+ Phân tích mục tiêu dạy học.
+ Thu thập thông tin để xây dựng hệ thống bài tập. + Tiến hành soạn thảo.
+ Lấy ý kiến của đồng nghiệp và chỉnh sửa.
- Xây dựng hệ thống 185 bài tập hoá học có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị của 2 chương: 110 bài chương Nhóm nitơ và 75 bài chương Nhóm cacbon.
- Đề xuất 7 phương thức sử dụng bài tập có hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị trong dạy học hoá học kèm theo ví dụ minh họa.
1.3. Thực nghiệm sư phạm kiểm tra tính đúng đắn của giả thuyết khoa học
Chúng tôi đã tiến hành:
- Dạy 5 giáo án có sử dụng bài tập có hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị với 5 cặp thực nghiệm ở 4 trường thuộc 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre (423 học sinh).
- Cho học sinh làm 2 bài kiểm tra, chấm điểm 846 bài kiểm tra và xử lí số liệu.
- Qua phân tích kết quả thống kê cho thấy việc sử dụng bài tập có hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị là rất cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy hóa học ở trường phổ thông.
2. Kiến nghị
Trên cơ sở các kết quả thu được của đề tài nghiên cứu, chúng tôi xin nêu ra một số kiến nghị sau:
2.1. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Đưa thêm nhiều bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị trong sách giáo khoa và sách
bài tập hoá học phổ thông, nhất là bài tập về hình vẽ và đồ thị.
- Cần tăng cường các bài tập có sử dụng hình vẽ, biểu bảng, đồ thị trong các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông cũng như các kì thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
2.2. Với Sở Giáo dục và Đào tạo
- Trong các kì thi học kì (nếu Sở Giáo dục và Đào tạo ra đề) nên đưa vào các bài tập có sử dụng hình vẽ, đồ thị, biểu bảng.
- Tổng hợp từ các trường để lập ngân hàng bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị cho giáo viên.
2.3. Với giáo viên ở trường phổ thông
- Khai thác có hiệu quả các bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị trong sách giáo khoa và sách bài tập.
- Tìm và dạy cho học sinh thêm nhiều bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị ngoài các bài sẵn có trong sách giáo khoa và sách bài tập.
- Trong các kì thi (nếu giáo viên ra đề) hoặc kiểm tra trong lớp, giáo viên nên cho bài tập có sử dụng hình vẽ, biểu bảng, đồ thị để học sinh được mở rộng và vận dụng nhiều kiến thức hơn.
Thông qua việc nghiên cứu đề tài và những kết quả thực nghiệm thu được, chúng tôi nhận thấy rằng bài tập có sử dụng hình vẽ, sơ đồ, biểu bảng, đồ thị cần được bổ sung và tăng cường sử
dụng để góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh. Chúng tôi hy vọng rằng công trình này có thể đóng góp một phần nhỏ bé vào việc nâng cao chất lượng dạy học theo yêu cầu đổi mới của nền giáo dục nước nhà. Đó là việc đào tạo ra thế hệ thanh niên có khả năng sáng tạo giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.