rắn” ở một số trường THPT thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Qua việc dự giờ một số tiết dạy, trao đổi trực tiếp và gián tiếp bằng phiếu điều tra với 52 giáo viên giảng dạy tại các trường THPT thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, chúng tôi rút ra được các nhận xét sau:
2.4.1. Hoạt động chủ yếu của giáo viên ở trên lớp
Mặc dù Vật lý là một môn khoa học thực nghiệm và ở hầu hết các trường phổ thông đều được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học theo danh mục thiết bị dạy học Vật lý (tối thiểu) của Bộ giáo dục và đào tạo nhưng việc làm thí nghiệm rất hạn chế. Đa số giáo viên (khoảng 84,61%) chỉ thỉnh thoảng làm một số thí nghiệm (chủ yếu trong các tiết dạy thanh tra, chuyên đề), ở mức độ thường xuyên thì 9,62%, còn 5,77% không bao giờ làm thí nghiệm. Về mục đích thí nghiệm, đa số giáo viên cho rằng làm thí nghiệm nhằm nêu hiện tượng (67,31%) hoặc minh họa (23,08%), chỉ 9.61% làm thí nghiệm để kiểm tra lý thuyết. Khoảng 15,38% giáo viên thường xuyên hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm (chủ yếu ở các tiết thí nghiệm được làm thực hành ở phòng thí nghiệm), khoảng 75% giáo viên thỉnh thoảng hướng dẫn học
sinh làm thí nghiệm, còn lại (9,62%) là không bao giờ hướng dẫn học sinh làm thí nghiệm.
Trong quá trình dạy học, giáo viên chủ yếu sử dụng bảng, sách giáo khoa (100%), các câu hỏi đàm thoại (67,31%), 67,31 % GV thỉnh thoảng có sử dụng ảnh, hình vẽ sẵn, bài giảng điện tử (82,69 %) (chủ yếu trong các tiết dạy thanh tra, chuyên đề), phim giáo khoa hầu như không có (chỉ có 3,85% sử dụng trong các tiết dạy hội giảng trường, tỉnh).
Khi được hỏi về nguyên nhân ít hoặc không làm thí nghiệm cũng như việc sử dụng các phương tiện trong dạy học, thì các giáo viên cho biết các nguyên nhân chính: Cơ sở vật chất chưa đầy đủ, chưa có phòng bộ môn riêng biệt để tổ chức dạy học kết hợp làm thí nghiệm, các phương tiện dạy học cần thiết còn thiếu và quan trọng là không đủ thời gian.
Khoảng 48,08% giáo viên thường dạy các khái niệm Vật lý theo kiểu thông báo sau đó giảng cho học sinh hiểu; 38,46% giáo viên xây dựng khái niệm, học sinh ghi nhớ và làm bài tập, còn lại (13,46%) là hướng dẫn học sinh xây dựng khái niệm (chủ yếu ở các lớp chuyên tại Tp. Vũng Tàu).
Các giáo viên kiểm tra – đánh giá kết quả học tập của học sinh thông qua kiểm tra miệng, giải bài tập và kiểm tra viết. Hầu như không có giáo viên nào cho học sinh kiểm tra bằng việc thuyết trình theo nhóm về một vấn đề Vật lý. Khoảng 28,84% GV kiểm tra kỹ năng thực hành của HS. Phần lớn GV đều cho HS làm bài tự luận khi kiểm tra 15 phút. Khoảng 63,46 % GV vừa ra đề tự luận kết hợp trắc nghiệm khi kiểm tra 1 tiết, theo yêu cầu của trường với thời gian phân bố hợp lý làm nâng cao chất lượng trong đánh giá kết quả học tập của HS hơn.
Trong quá trình dạy học, ít khi giáo viên tạo điều kiện để học sinh bộc lộ quan niệm của bản thân (chỉ có 17,31% GV thường xuyên tạo điều kiện để HS bộc lộ quan niệm), cũng như tổ chức các nhóm học để học sinh thảo luận với nhau (chỉ có 9,62 GV), trao đổi với giáo viên hay tiến hành các thí nghiệm. Khi học sinh bộc lộ quan niệm sai, thì giáo viên bác bỏ ngay, còn nếu đúng thì sẽ khen ngợi, chấp nhận và hợp thức hóa kiến thức (75%), rất ít giáo viên đưa ra câu hỏi để thử thách
quan niệm của học sinh (25%). Giáo viên vẫn chưa quan tâm đến những quan niệm đã có của học sinh (một số quan niệm phù hợp, một số quan niệm không phù hợp), xem học sinh như trang giấy trắng và truyền thụ kiến thức cho học sinh. Cách truyền thụ là một chiều, hơn nữa đã là quan niệm thì rất khó phá vỡ nên hầu hết học sinh vẫn tiếp thu tri thức nhưng quan niệm sai vẫn cứ tồn tại ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.
Nghị quyết TW 2 (khóa VIII) đã nêu rõ “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục và đào tạo, khắc phục lối truyền thụ một chiều”, trong dạy học, cụ thể chuyển từ phương pháp dạy học truyền thống lấy giáo viên làm trung tâm sang dạy học lấy học sinh là trung tâm nhằm phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh. Thế nhưng, qua việc tìm hiểu chúng tôi nhận thấy phần lớn các giáo viên vẫn chưa thoát ra khỏi kiểu dạy học truyền thống, trong tiến trình dạy học, giáo viên vẫn là người chủ động. Trong thực tế hiện nay, giáo viên thường tổ chức quá trình dạy học như sau: giáo viên đưa ra sự kiện, hiện tượng hay tình huống có vấn đề, một số ít giáo viên có sử dụng một số thí nghiệm minh họa; sau đó giải quyết vấn đề (trong đó chủ yếu là giáo viên giải quyết vấn đề đã đặt ra, còn học sinh chỉ tham gia rất ít) rút ra kết luận là những kết luận, định luật. Kết thúc bài học là củng cố lại kiến thức và vận dụng kiến thức vào những trường hợp cụ thể.
- Với quá trình dạy học như trên có ưu điểm là việc truyền thụ kiến thức hết sức thuận lợi. Người giáo viên chỉ cần nắm vững tri thức, diễn đạt rõ ràng , có logic sẽ rất chủ động trong giảng dạy và chủ động về thời gian. Còn học sinh chủ yếu là tiếp thu kiến thức và rèn luyện kỹ năng vận dụng các kiến thức đã học vào các trường hợp cụ thể. Bên cạnh đó, cũng có nhược điểm: học sinh nghỉ kiến thức rút ra được chỉ đơn thuần bằng những quan sát thực nghiệm đơn giản, con đường tìm ra tri thức hầu như không gặp trở ngại gì. Các hoạt động tư duy, tiên đoán nêu giả thuyết, giải thích không được quan tâm. Học sinh không hiểu được bản chất của sự vật hiện tượng, ứng dụng của các kiến thức trong thực tiễn. Lúc này, các kiến thức Vật lý chỉ là những định nghĩa, khái niệm, định luật, quy tắc, công thức học sinh bắt buộc phải
thuộc theo yêu cầu của giáo viên để làm bài tập thành thạo chứ không phải do nhu cầu của bản thân.
2.4.2. Hoạt động chủ yếu của học sinh ở trên lớp
Qua thực tiễn quan sát, dự giờ các tiết dạy, trao đổi với giáo viên và học sinh, chúng tôi rút ra các nhận xét sau:
- Công việc chủ yếu của học sinh trong các giờ học là nghe giảng, ghi bài, một số ít thường xuyên trả lời các câu hỏi của giáo viên và thỉnh thoảng đặt câu hỏi cho giáo viên, trao đổi với bạn bè, làm thí nghiệm. Nói chung học sinh rất thụ động.
- Các em cho biết rất thích những giờ có thí nghiệm, các em thích tự mày mò để làm thí nghiệm, thích được trao đổi cùng nhau và trao đổi với giáo viên để nắm vững kiến thức nhưng môi trường dạy học không phù hợp, các em vẫn e ngại khi trao đổi với giáo viên mặc dù rất muốn, còn nếu trao đổi với bạn bè thì cho là nói chuyện riêng, không nghiêm túc trong học tập.